Ùn tắc giao thông Hà Nội: Khi hạ tầng tỷ lệ nghịch gia tăng xe cá nhân

(ĐTTCO)-Phương tiện cá nhân gia tăng, trong khi đó cơ sở hạ tầng giao thông chưa kịp đáp ứng và theo kịp với tốc độ đô thị hóa dẫn đến ùn tắc ngày càng trầm trọng.
Ùn tắc giao thông Hà Nội: Khi hạ tầng tỷ lệ nghịch gia tăng xe cá nhân

7 giờ 40 phút, nhích từng centimet đường, tiếng còi xe inh ỏi, khói bụi từ ống xả phương tiện làm cho không khí xung quanh khiến phần ngột ngại và oi nồng, mất  hơn 15 phút, chị Phạm Thị Ngân (Ngô Gia Tự, quận Long Biên, Hà Nội) mới có thể di chuyển xe máy lên đầu cầu Chương Dương hướng vào nội thành.

Mỗi ngày đi làm của chị và cũng như nhiều người khác ở Thủ đô trên một số tuyến đường là cả một thử thách về tay lái, sự nhẫn nại chịu đựng trên đường bất kể nắng hay mưa và tặc lưỡi sống chung với cảnh “ùn tắc giao thông” là câu chuyện quen thuộc qua bao năm.

Ùn tắc ngày càng gia tăng

Sau khi đưa con đến trường tiểu học vào lúc 7 giờ 15 phút, chị Ngân vội vã phóng xe đến nơi làm ở phố Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội) với chiều dài quãng đường 11km. Cách cầu Chương Dương khoảng 200m, lượng xe đã đông đúc. Bốn hàng xe ôtô dàn ngang trên đường, chỉ dành khoảng nhỏ cho xe máy đi vào trong cùng.

Thế nhưng, khoảng không gian đường chặt hẹp chỉ cho 1 xe lèn lên cũng đã bị dòng phương tiện xe buýt nối đuôi nhau đi vào làn trong cùng đã ép người điều khiển xe máy phải chầm chậm đi sau.

Nhiều người sốt ruột và lo sợ đến làm muộn khi phải nhích từng mét để qua cầu nên đã vọt ga để leo lên vỉa hè để đi lại. Và, chủ xe phía sau cũng học theo bằng cách nối ngay sau đuôi để sớm vượt qua đoạn đường đang ùn tắc này.

“Khu vực đầu cầu Chương Dương hướng vào nội thành vào giờ cao điểm sáng và buổi chiều về hướng ra Long Biên đều rơi vào cảnh ùn tắc cục bộ. Người điều khiển phương tiện rất vất vả khi qua nút này. Dù có lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông và lực lượng dân phòng điều tiết, hướng dẫn phân làn giao thông nhưng cũng rất khó kiểm soát trước lượng xe dồn tập trung quá đông vào một khoảng thời gian,” chị Ngân ngao ngán nói.

Nhìn sang phía kế bên, cầu Long Biên hàng ngày cũng đang “cõng” một lượng phương tiện lớn. Do phần đường dành cho xe máy trên cầu Long Biên khá hẹp, nên chỉ cần một sự cố nhỏ xảy ra, giao thông qua cây cầu này lập tức gặp vấn đề...

Một số ngày gần đây, đã xảy ra hiện tượng ùn tắc ngay trên cầu. Nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên, cây cầu trăm tuổi sẽ phải đối mặt với nguy cơ hư hỏng và ngày càng xuống cấp thêm do có quá đông phương tiện dừng đỗ trên cầu trong khoảng thời gian khá lâu.

Ngay sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, học sinh sinh viên đi học trở lại và các hoạt động kinh tế-xã hội đã dần quay trở lại như trước, chị Ngân thấy rằng, ùn tắc giao thông ngày càng gia tăng. Quãng đường đi làm vất vả hơn rất nhiều do lượng phương tiện tăng cao, bình thường từ Long Biên sang ga Hà Nội chỉ mất 30 phút nhưng mấy ngày nay đi xe máy mất tới 45 phút hay cả tiếng đồng hồ trong khung giờ cao điểm

Một số tuyến đường chính, trục đường xuyên tâm hiện đang xây dựng các cơ sở hạ tầng giao thông như: Cầu Giấy-Xuân Thủy-Hồ Tùng Mậu, Trường Chinh-Đại La-Minh Khai, Kim Mã... việc đi lại rất khó khăn do thường xuyên ùn tắc, nhất là vào các khung giờ cao điểm.

Vẫn còn 32 điểm ùn tắc

Một kết quả khảo sát của Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) mới đây cũng cho thấy, từ sau khi trở lại cuộc sống bình thường mới, hiệu ứng “lò xo nén” khiến số chuyến đi phát sinh tăng cao.

Khảo sát sơ bộ cho thấy, hiện số chuyến đi bình quân trong ngày của mỗi người đã tăng từ 3,7 lên 3,9 chuyến đi/ngày. Bên cạnh đó, nhu cầu mua sắm phương tiện cá nhân, nhất là ôtô đã tăng từ 11-13% lên mức 17% ở thời điểm hiện tại.

Cùng với việc gia tăng số chuyến đi trong ngày và tăng số lượng phương tiện cá nhân khiến tình trạng ùn tắc tại Hà Nội ngày càng nghiêm trọng, ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải cho rằng, những chuyến đi dài với cự ly khoảng 5-10km phần lớn bị tác động bởi điều kiện giao thông và đa phần có cảm nhận là thời gian chuyến đi bị tăng trong giao thông đô thị. Thời gian chuyến đi trước và sau dịch có thể thấy tăng lên khoảng 20%.

Un tac giao thong Ha Noi: Khi ha tang ty le nghich gia tang xe ca nhan hinh anh 2
Đoạn gần ngã tư hầm chui Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân tái diễn tình trạng ùn tắc cục bộ. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Tại báo cáo tháng 8/2022 của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, tính đến nay đơn vị này đã xử lý được 3/35 điểm ùn tắc trên địa bàn thành phố dù trong những năm qua hạ tầng giao thông đã được đầu tư tập trung vào các tuyến đường sắt đô thị, làm hầm chui hay các cầu vượt ở nhiều nút giao các tuyến đường vành đai; cải tạo, mở rộng các tuyến đường xuyên tâm và nút giao thông trọng điểm, nghiên cứu thí điểm tách làn phương tiện ôtô với xe máy...

Nguyên nhân ùn tắc được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đưa ra là sự gia tăng nhanh về số lượng phương tiện tham gia giao thông, trong khi đó cơ sở hạ tầng giao thông chưa kịp đáp ứng và theo kịp với tốc độ đô thị hóa. Mặt khác, các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội được khôi phục sau thời kỳ dịch COVID, khiến lượng người đổ ra đường tăng cao hơn nhiều so với khi dịch còn phức tạp.

Ngoài ra, phía Sở Giao thông Vận tải cũng thừa nhận kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ theo quy hoạch, các tuyến Vành đai 1-2-3 được đầu tư chưa hoàn chỉnh; Vành đai 4 chưa được đầu tư. Các tuyến đường sắt đô thị đều chậm tiến độ, theo như dự kiến. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng chưa đạt theo yêu cầu đề ra.

Đưa ra nhiệm vụ và giải pháp tháo gỡ ùn tắc giao thông tới đây, Sở Giao thông Vận tải sẽ triển khai tổ chức giao thông hợp lý; phát triển vận tải hành khách công cộng đi liền với việc giảm phương tiện giao thông cá nhân; xây dựng hệ thống giao thông thông minh, trong đó bao gồm việc xây dựng trung tâm điều hành giao thông thông minh để tối ưu hóa, cung cấp thông tin để người dân lựa chọn tuyến đường hợp lý; xây dựng văn hóa giao thông;

Thành phố cũng tăng cường xử lý đối với hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông; xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, bổ sung quỹ đất phục vụ giao thông, xây dựng đề án thu phí phương tiện đi vào một số khu vực nhằm hạn chế ùn tắc giao thông...

Các tin khác