Vì sao nhiều nhà thầu cao tốc Bắc-Nam đoạn qua Thanh Hoá đồng loạt dừng thi công?

(ĐTTCO)-Khác với không khí thi công rầm rộ trước Tết Nguyên đán 2022, những ngày qua, trên công trường đường cao tốc Bắc – Nam, đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (Thanh Hóa) chứng kiến cảnh đìu hiu, máy móc nằm phơi nắng...
Vì sao nhiều nhà thầu cao tốc Bắc-Nam đoạn qua Thanh Hoá đồng loạt dừng thi công?

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (Cao tốc Bắc-Nam). Thế nhưng, theo ghi nhận của phóng viên VOV, những ngày qua nhiều nhà thầu thi công Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hoá) đồng loạt dừng thi công.

Khác với không khí thi công rầm rộ trước Tết Nguyên đán 2022, những ngày qua, trên công trường Dự án Cao tốc Bắc - Nam, đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn chứng kiến cảnh đìu hiu, máy móc nằm phơi nắng. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc Ban điều hành Công ty cổ phần LICOGI 16 cho biết, mặc dù áp lực tiến độ đang rất căng, nhưng 5 ngày qua công trường không thể thi công. Nguyên nhân chính dẫn đến tạm dừng thi công là nguồn cung vật liệu không đảm bảo và giá nhiên liệu tăng.

"Mỏ đất được chấp thuận theo Nghị định 60 của Chính phủ phục vụ cho dự án của Công ty Định An (Công ty TNHH Tập đoàn Định An) thì hiện tại bước phê duyệt thủ tục pháp lý chậm, ảnh hưởng đến tiến độ. Trong khi đó, dự án cao tốc là đặc thù, đặc biệt là đoạn qua tỉnh Thanh Hoá toàn vùng xử lý đất yếu, phải đắp gia tải và thời gian chờ lún mất 9 tháng. Tất cả nhà thầu trong 2 tháng mùa khô phải hoàn thành đoạn này để chờ lún qua giai đoạn mùa mưa tiếp tục làm. Nhưng không có đất, chậm, đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ", ông Tuấn nói. 

Ông Tuấn cho biết thêm, về giá vật liệu tăng, đơn vị đã cập nhật và báo cáo, đề xuất. Còn nguồn cung vật liệu đất đắp đang là bài toán nan giải. Ông Việt Hưng, Phụ trách Ban điều hành Công ty Cổ phần 471, đơn vị liên doanh thi công gói thầu XL2 cho biêt, đến thời điểm này tiến độ hoàn thành thi công khoảng 30% khối lượng công việc. Tuy nhiên, tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung

"Vấn đề nổi cộm là thiếu vật liệu đất đắp cho dự án. Giai đoạn này giá dầu cũng tác động đến biến động giá. Bây giờ toàn bộ mặt hàng thép tăng giá, đất đương nhiên tăng giá, các mỏ vật liệu tăng giá. Khó khăn là hợp đồng ký, làm đơn giá thời điểm lập dự toán là quý IV-2020 khi đó giá dầu mới có 14.000 đồng/lít, bây giờ hơn 25.000 đồng/lít", ông Hưng cho hay. 

Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn gồm 3 gói thầu thì có đến 2 gói thầu với 5 nhà thầu đang phụ thuộc vào nguồn cung đất đắp từ Công ty TNHH Tập đoàn Định An. Công ty TNHH Tập đoàn Định An chưa thể mở cửa mỏ để cung cấp đất cho các nhà thầu thi công kịp tiến độ được xác định do vướng về thủ tục hành chính.

Đến thời điểm này tỉnh Thanh Hoá đã chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư và cho phép Công ty TNHH Tập đoàn Định An được khai thác đất tại mỏ xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh, phục vụ thi công cao tốc Bắc-Nam. Tuy nhiên, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thuê đất chưa thực hiện được vì phải đợi Hội đồng nhân dân họp và quyết nghị. 

Về vướng mắc này, ông Nguyễn Toàn Năng - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Định An lý giải, Chính phủ có Nghị quyết 60 về áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu cung cấp cho dự án cao tốc Bắc-Nam, tỉnh Thanh Hoá cũng đã có văn bản đồng ý cho phép triển khai đồng thời các thủ tục hành chính khi cấp phép hoạt động khoáng sản theo Nghị quyết này của Chính phủ. 

"Phải linh động làm thế nào đó để vẫn đảm bảo mục tiêu, chúng tôi cam kết, ký quỹ và chịu trách nhiệm để triển khai đảm bảo tiến độ. Đây là dự án cấp bách, vừa hoàn thiện thủ tục và cam kết ký quỹ, trách nhiệm liên quan. Tất cả vì mục tiêu chung, vì đất chỉ được cung cấp cho cao tốc. Về bản chất thủ tục khoáng sản đầy đủ rồi, đền bù rồi, còn các thủ tục đất đai, hành chính khác. Quy định là vậy nhưng trong tình huống cụ thể, cấp bách thì tiến độ còn 15 tháng mà  xin cấp phép mất 1 năm thì làm sao được", ông Năng phân bua. 

Đặt vấn đề, tỉnh Thanh Hoá có thể áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 60, và Nghị quyết 133 của Chính phủ, triển khai đồng thời các thủ tục hành chính khi cấp phép hoạt động khoán sản? Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết, tỉnh Thanh Hoá đảm bảo đủ khối lượng nguồn cung vật liệu cho các nhà thầu thi công cao tốc Bắc-Nam.

Đối với mỏ đất tại xã Xuân Phúc của Công ty TNHH Định An, tỉnh luôn đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp về mặt thủ tục, nhưng vẫn phải đúng quy định, nghĩa là phải đợi HĐND họp và quyết nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thuê đất. 

Theo kế hoạch, Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hoá) hoàn thành vào tháng 8 năm 2023. Nghĩa là còn 17 tháng (chưa tính mùa mưa không thể thi công) và thời gian chờ lún khoảng 9 tháng (đối với những đoạn nền yếu).

Thời gian các nhà thầu thực hiện thi công chưa đầy 1 năm. Đến thời điểm này khối lượng mới đạt từ 20 đến 30%, nếu không có biện pháp đảm bảo nguồn cung vật liệu và điều chỉnh giá thì khó có thể hoàn thành đúng tiến độ.

Các tin khác