Ăn mì gói nhiều có hại?

(ĐTTCO) - Mì ăn liền lâu nay vẫn là món ăn “khoái khẩu” của nhiều người. Thế nhưng giá trị dinh dưỡng của một gói mì ra sao, ăn như thế nào cho đúng cách và cần lưu ý gì khi sử dụng mì ăn liền để tốt cho sức khỏe, thì không phải ai cũng biết. Bài viết dưới đây sẽ phần nào giải đáp thắc mắc cho những người hay sử dụng mì ăn liền thay thế bữa ăn. 
Mì ăn liền hay còn gọi là mì gói là một món mì, bao gồm từng vắt mì đã được sơ chế và sấy khô, với súp và/hoặc dầu gia vị, rau sấy. Những loại mì này có thể được nấu chín, ngâm nước sôi hoặc ăn trực tiếp từ gói hay ly. 

Giá trị dinh dưỡng 
Thành phần chính trong vắt mì chủ yếu là bột mì, dầu được sử dụng là dầu cọ có hàm lượng acid béo no (béo không có lợi) chiếm đến 49,3g/100g; acid béo không no (chất béo có lợi) chiếm 50,7g/100g và gói gia vị. Thành phần chủ yếu trong gói gia vị là muối, bột ngọt, đường. Vắt mì khô được tạo ra bằng phương pháp chiên (mì chiên), sử dụng dầu để chiên là loại không có lợi cho sức khỏe vì mì chiên có độ oxy hóa cao, loại mì này ngấm 15-20% lượng chất béo trong tổng trọng lượng mì. Trong khi đó mì không chiên được tạo ra từ việc sấy khô bằng không khí, mì không chiên ngấm 3% chất béo xấu.
Ăn mì gói nhiều có hại? ảnh 1
Mì ăn liền có giá trị năng lượng cao, một gói mì ăn liền loại thông dụng (75g) chứa 45g chất bột đường (Carbohydrate); 14,3g chất béo (Lipid); 8,9g đạm (Protein). Có thể cung cấp cho cơ thể khoảng 320kcal, chiếm 15% nhu cầu năng lượng mỗi ngày. Mì ăn liền chỉ cung cấp nhiều calo chứ không cung cấp đủ protein và các chất dinh dưỡng khác cho cơ thể. 
Lượng muối trung bình trong mỗi gói sản phẩm mì ăn liền khoảng 3-5g/gói (nhu cầu khuyến nghị cho 1 người bình thường 5g/ngày). Lượng muối trung bình trong gói chứa khoảng 4,3g, bao gồm muối trong gói gia vị 2,5g và trong sợi mì 1,8g.
Ăn mì thế nào là đúng cách
Luộc mì trong nồi nước sôi, khi mì đã chín đủ, lấy hết mì ra và đổ bỏ nước sôi; nấu nồi nước sôi mới, bỏ mì vào trở lại, tắt lửa. Sau khi tắt lửa, nước còn đang nóng, bỏ bột nêm vào. Còn nếu bạn muốn ăn mì khô thì lấy mì ra và trộn với bột nêm. Lượng nước cho vào khi nấu mỗi gói mì khoảng 400ml và nấu trong 3-5 phút để sợi mì vừa ăn. Bữa ăn mì gói nên chế biến cùng thực phẩm giàu đạm như thịt bò, thịt lợn, tôm, trứng, đậu hũ… có thể kèm thêm các loại rau củ như cải xanh, giá đỗ, cà chua, cà rốt, hành lá giúp bổ sung lượng vitamin và khoáng chất.
Chất xơ có trong rau củ cũng góp phần làm tinh bột được hấp thu chậm hơn và tránh táo bón. Theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam, mỗi 1.000kcal thức ăn hấp thụ vào thì cần 14g chất xơ. (Thí dụ: nhu cầu chất xơ 20g/ngày tương đương với 300g rau và 100g quả chín).

Những lưu ý 
Đối với bệnh nhân cao tuổi (nữ: >60, nam: >65) cần hạn chế muối, không vượt quá 1.500mg Na/ngày (tương đương 3/4 muỗng cà phê muối loại 5ml). Đối với bệnh nhân có tăng huyết áp, bệnh tim mạch và đột quỵ khuyến cáo không nên thêm gói gia vị, gói dầu kèm theo. Hạn chế dùng thức ăn nhanh (thực phẩm chế biến sẵn) như mì ăn liền, chỉ nên ăn tối đa mỗi tuần 1-2 gói/người.
Ăn mì gói nhiều có hại? ảnh 2
Khi lựa chọn mì ăn liền cho gia đình, trước hết cần kiểm tra hạn sử dụng, quy cách đóng gói và cấp phép của cơ quan thẩm quyền nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và nên chọn các thương hiệu mì nổi tiếng có dây chuyền sản xuất hiện đại sẽ góp phần đảm bảo an toàn cho bữa ăn.
Nhằm hạn chế lượng muối trong các gói sản phẩm ăn liền cũng như trong khẩu phần ăn hàng ngày, chúng ta nên: Nên chọn các sản phẩm mì có ghi rõ hàm lượng muối trên nhãn của sản phẩm. Tự nấu ăn, để kiểm soát lượng gia vị trong gói gia vị kèm theo. Chỉ cho một lượng nhỏ gói gia vị khi nấu.
Hạn chế chấm hay bổ sung gia vị khi ăn. Thêm trứng hoặc thịt (gà, heo, bò…) và rau xanh để cân đối dinh dưỡng, sử dụng các gia vị không mặn khác (tiêu, ớt, chanh…) để ăn ngon hơn mà không cần dùng nhiều muối. Không nên cố uống hết nước súp.
Không thể xem mì gói là 1 bữa ăn thay thế cho bữa ăn thông thường, lại càng không thể xem là 1 bữa ăn phụ, vì quá cao năng lượng sẽ dẫn đến béo phì không tốt cho sức khỏe.  
 Thông điệp khi sử dụng mì ăn liền: 

-Mì gói là món ăn cao năng lượng, nhiều tinh bột đặc biệt là gluten, rất nhiều béo xấy, nhiều muối (3-5g/gói). Mì gói lại là sản phẩm ít đạm, ít xơ, vitamin và khoáng chất. 
-Nên chọn mì không chiên.
-Khi ăn mì ăn liền cần bổ sung thêm rau củ, trứng, tàu hũ, thịt, cá. 
-Khuyến cáo sử dụng 1/3 -1/2 gói gia vị, có thể thêm hoặc không thêm các gói kèm theo. 
-Hạn chế húp hết nước súp. 

Các tin khác