Các tỉnh cấp tập chuẩn bị tình huống xấu nhất trong phòng chống dịch

(ĐTTCO)-Trước tình hình dịch COVID-19 tại các nước ngày càng phức tạp, nhiều địa phương trên cả nước đã cùng tăng cường nhiều kế hoạch để phòng ngừa, sẵn sàng đối phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Lực lượng biên phòng tỉnh Long An tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chống dịch COVID-19 đối với người dân khu vực biên giới - Ảnh: AN LONG
Lực lượng biên phòng tỉnh Long An tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chống dịch COVID-19 đối với người dân khu vực biên giới - Ảnh: AN LONG

Những biện pháp này nhắm đến việc chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật bên cạnh việc tăng cường canh gác vùng biên trong những ngày qua.

Tăng thêm điểm cách ly, giường bệnh

Ông Huỳnh Minh Phúc - giám đốc Sở Y tế Long An - cho biết Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh này vừa tiếp tục tiêu độc, khử trùng, vệ sinh toàn bộ 6 khu cách ly tập trung và 1 bệnh viện dã chiến trên địa bàn tỉnh với khoảng 1.200 giường để luôn trong tình trạng sẵn sàng đón người nghi nhiễm và bệnh nhân COVID-19 đến điều trị. 

Tỉnh cũng vừa thành lập đoàn đi khảo sát, chuẩn bị lập thêm 3 điểm cách ly tập trung với gần 900 giường.

Tại Đồng Tháp, hiện có 6 khu cách ly với sức chứa tối đa hơn 800 người, trong đó có 4 khu nằm ở khu vực biên giới với Campuchia. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã lên kế hoạch thành lập bệnh viện dã chiến tại Bệnh viện Quân dân y, cơ sở cũ Trường Quân sự tỉnh với dự kiến có 300 - 500 giường. 

Đồng thời, tỉnh cũng lập kế hoạch "tác chiến" với nội dung khi cần sẽ di tản ngay bệnh nhân ở Trung tâm y tế huyện Hồng Ngự về Bệnh viện Đa khoa khu vực Hồng Ngự (thành phố Hồng Ngự), dành toàn bộ cơ sở của trung tâm y tế làm bệnh viện dã chiến với 150 giường.

Ông Đoàn Tấn Bửu - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh - cho biết với phương châm 4 tại chỗ, chủ tịch UBND tỉnh có thể ra quyết định thành lập bệnh viện dã chiến khi cần thiết. 

Song song đó hệ thống y tế sẽ triển khai ngay nhân lực, vật tư để đáp ứng nhu cầu cấp bách. Hiện tỉnh Đồng Tháp đã được trang bị 1 máy xét nghiệm PCR đặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Tháp, đang triển khai gói thầu mua sắm 1 máy PCR khác và giao cho CDC tỉnh quản lý, sử dụng.

Tại An Giang, tỉnh cũng đã đầu tư hệ thống xét nghiệm PCR tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang, với năng lực xét nghiệm khoảng 300 - 400 ca/ngày. Hiện toàn tỉnh này có 50 cơ sở cách ly tập trung khả năng tiếp nhận 4.423 người. Bên cạnh đó, An Giang có thêm 16 cơ sở điều trị COVID-19, có khả năng thu dung điều trị 180 người bệnh. UBND tỉnh An Giang cũng xây dựng 2 phương án cho bệnh viện dã chiến. 

Cụ thể, phương án 1 là khảo sát tận dụng ký túc xá của Trường trung cấp Kinh tế kỹ thuật An Giang (cơ sở 1) ở huyện Châu Phú để cải tạo sửa chữa theo mô hình bệnh viện dã chiến, quy mô tối đa 400 giường để đưa vào khai thác sử dụng ngay khi cần thiết. 

Phương án 2 là xây dựng mới bệnh viện dã chiến quy mô 300 giường tại Trung tâm y tế huyện Châu Thành để xây dựng bệnh viện dã chiến với quy mô 300 giường.

Trong khi đó tại Kiên Giang, bệnh viện dã chiến tại khu vực cửa khẩu Hà Tiên cũng đã hoàn tất việc chuẩn bị. Ông Lê Quốc Anh - bí thư Thành ủy, chủ tịch UBND TP Hà Tiên - cho hay dự kiến bệnh viện dã chiến tại cửa khẩu Hà Tiên có quy mô từ 300 - 500 giường hoặc hơn nữa tùy tình hình thực tế. 

Nơi này cũng đã nhận được sự hỗ trợ về chuyên môn của Bệnh viện Chợ Rẫy và Viện Pasteur (TP.HCM) về trang bị máy móc, khả năng xét nghiệm, điều trị theo chỉ đạo của Bộ Y tế. 

"Trong tình huống có diễn biến xấu, lượng người nhập cảnh cách ly tăng đột biến thì tỉnh Kiên Giang sẽ trưng dụng các bệnh viện tuyến sau biên giới ở Kiên Lương, Giang Thành, phương án 2 là dựng thêm bệnh viện dã chiến ở vị trí khác" - ông Quốc Anh nói.

Sẽ không thu phí người vào khu cách ly

Trong chiều 26-4, đoàn công tác Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 quốc gia do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh An Giang. 

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia - đánh giá tỉnh An Giang đã triển khai thực hiện tốt công tác phòng chống dịch COVID-19 khi xây dựng "hàng rào người" ven biên giới. Đặc biệt là vận động nhân dân cùng chung tay chống dịch.

Ông Sơn cũng yêu cầu An Giang phải quản lý, giám sát chặt tình trạng nhập cảnh trái phép khi vào An Giang. "Tôi đề nghị tỉnh An Giang quan tâm hơn đội ngũ đi từng ngõ, gõ từng nhà để rà soát các đối tượng nhập cảnh trái phép.

Đồng thời, đề nghị tỉnh phải rà soát các bến xe, nhà hàng, nhà nghỉ... ký cam kết khi phát hiện ai đó nghi ngờ nhập cảnh trái phép" - ông Sơn nói.

Ông Sơn cho rằng giải pháp quan trọng hiện nay đã được Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 khẳng định nhiều lần vẫn là giải pháp 5K đối với cộng đồng dân cư trong các ngày lễ 30-4 và 1-5. 

Giải pháp thứ hai là kiểm soát được người nhập cảnh về phải được cách ly ngay từ đầu để kiểm soát dịch bệnh. Hiện tại Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia đang xem xét điều chỉnh lại nghị quyết 16 không thu phí người dân vào khu cách ly. Vì như vậy họ mới an tâm về được, không trốn tránh.

Hai tỉnh Tà Keo và Kanl Dal, Vương quốc Campuchia có đường biên giới giáp với An Giang đã phát hiện 670 ca nhiễm COVID-19. Vì vậy, nguy cơ lây nhiễm rất cao nếu có người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. 

Đặc biệt, song song với An Giang, phía Campuchia có 28.000 người Việt Nam sinh sống. Do đó, ông Nguyễn Thanh Bình - chủ tịch UBND tỉnh An Giang - "đề nghị sắp tới trung ương không phân bổ người nhập cảnh theo các chuyến bay cho An Giang, để tỉnh tập trung đảm bảo công tác phòng chống dịch tuyến biên giới".

Bên cạnh đó, ông Bình cũng cho biết tỉnh sẽ tiếp tục bố trí người cách ly chia theo từng nhóm nguy cơ cao, nguy cơ thấp rõ ràng để tránh lây chéo trong khu cách ly. Đồng thời sẽ cho lắp đặt thêm nhà vệ sinh và hệ thống camera để giám sát chặt chẽ người cách ly. 

"Chúng tôi đang lo nhất huyện An Phú vì có đường biên giới dài nhất tỉnh nhưng cũng là địa phương có nhiều đường mòn, lối mở phức tạp. Đặc biệt là đối diện An Giang có nhiều casino áp sát biên giới đã có nhiều người nhiễm COVID-19 nên chúng tôi rất lo" - ông Bình nói.

Các kịch bản chống COVID-19 xâm nhập

Bộ Y tế đã xem công tác phòng chống dịch thời gian này là ngăn chặn nguy cơ đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam. Các kịch bản chống dịch hiện nay như thế nào?

Kịch bản nào cho các điểm nóng?

Trong ngày 26-4, cùng lúc có 3 đoàn công tác do 3 lãnh đạo Bộ Y tế dẫn đầu có mặt tại Đông và Tây Nam Bộ. 

"Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương xây dựng kịch bản chống dịch riêng trên cơ sở nguy cơ và tình hình của từng tỉnh thành trong khu vực, trong đó kịch bản phù hợp các tình huống: người nhập cảnh về ít và cách ly được toàn bộ; Campuchia và Lào dỡ bỏ phong tỏa, người nhập cảnh gia tăng, có bệnh nhân cộng đồng; trường hợp số lượng ca dương tính từ cộng đồng gia tăng..." - ông Đặng Quang Tấn, cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết.

Với mỗi tình huống này, địa phương có chuẩn bị phù hợp về khu cách ly, bệnh viện dã chiến, năng lực xét nghiệm kèm theo, khu cách ly và bệnh viện dã chiến được xây mới hay sử dụng cơ sở sẵn có đều có phương án kỹ. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, năng lực xét nghiệm mỗi ngày là 400 mẫu PCR, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu bổ sung thêm, bởi trong tình huống có ca bệnh xâm nhập, số lượng xét nghiệm có thể lên đến hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn mẫu/ngày cho mục tiêu khoanh vùng dịch. 

Hôm nay 27-4, đoàn của Thứ trưởng Tuyên sẽ có mặt tại Long An, tiếp tục chuyến đi tại các điểm nóng.

Việt Nam giải trình tự gen virus gây bệnh ở Ấn Độ

Theo ông Đặng Đức Anh - viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, chủng virus đang gây đợt dịch này tại Ấn Độ có một số đột biến ảnh hưởng đến protein S làm tăng khả năng lây lan của virus (tương tự chủng xuất hiện tại Anh) nhưng chưa có bằng chứng cho thấy đột biến này làm tăng tình trạng nặng của bệnh nhân. 

"Tôi cho rằng số ca tử vong tại Ấn Độ có liên quan đến số ca mắc cao, không phải do chủng này tạo ra" - ông Đức Anh cho biết.

Một chuyên gia khác của Bộ Y tế cũng nhận định chủng virus xuất hiện tại Ấn Độ trong đợt dịch này vừa có đặc tính của chủng đột biến làm lây lan nhanh (chủng Anh), vừa có tình trạng giảm hiệu quả của vắcxin (chủng Nam Phi) và được coi là "đột biến kép".

Kể từ tháng 11-2019 khi COVID-19 mới được ghi nhận đến nay, đã có hàng ngàn chủng virus xuất hiện, nhưng chuyên gia này cho biết chủng Anh, chủng Nam Phi và chủng Brazil là ảnh hưởng mạnh hơn cả. Qua giải trình tự gen bệnh nhân nhập cảnh từ Campuachia tại Viện Pasteur TP.HCM thời gian qua, trên 80% bệnh nhân nhiễm chủng Anh, số còn lại là chủng Nam Phi. 

Điều này cũng tương tự bệnh nhân nhập cảnh từ các quốc gia khác vào khu vực phía Bắc theo giải trình tự gen tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương. Hiện viện này đang giải trình tự gen virus phân lập từ bệnh nhân Ấn Độ nhập cảnh.

Các tin khác