Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi mùa dịch Covid -19

Khi bị nhiễm Covid-19, người cao tuổi là đối tượng rất dễ bị tổn thương, nguy cơ cao dẫn đến diễn tiến nặng. Bởi người cao tuổi có hệ miễn dịch suy yếu, dễ bị virus tấn công, thường dẫn đến viêm phổi. 
Viêm phổi tiến triển nặng sẽ nhanh chóng dẫn đến viêm toàn bộ đường hô hấp, gây khó thở nhiều, suy hô hấp cần phải thở máy, suy đa cơ quan cần phải chạy thận lọc máu. Do đó, người cao tuổi có sức khỏe đã suy yếu rất khó vượt qua giai đoạn này để phục hồi.
Chế độ dinh dưỡng tăng sức đề kháng
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh, cơ thể con người đủ nước sẽ hỗ trợ hệ bài tiết đào thải các chất cặn bã, giúp cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh và làm việc hiệu quả hơn, đồng nghĩa với việc hệ miễn dịch sẽ sớm phát hiện và tiêu diệt mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể. Ngoài nước lọc, người cao tuổi có thể uống theo sở thích các loại nước trái cây, sữa, tuy nhiên cần tránh các đồ uống có chất kích thích như cà phê, bia rượu…
Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi mùa dịch Covid -19 ảnh 1 TS.BS Thân Hà Ngọc Thể,
Trưởng khoa Lão - Chăm sóc giảm nhẹ,  BV Đại Học Y dược TPHCM
Cần đảm bảo ăn chín uống sôi, đủ chất, nên uống nước ấm thay vì nước lạnh.  Đặc biệt trong trường hợp bị sốt, cơ thể người cao tuổi rất nhạy cảm với việc mất nước, do đó việc bổ sung nước bằng đường uống là vô cùng cần thiết. Song song là việc bổ sung các chất điện giải (có sẵn trong các loại nước bù điện giải như Oresol) hoặc bổ sung từ nước trái cây, rau củ. Trong khi đó, hệ miễn dịch được xây dựng phần lớn từ chất đạm mà cơ thể không thể tự tổng hợp được. Với người cao tuổi nên ưu tiên các loại chất đạm dễ tiêu hóa, có đầy đủ các acid amin thiết yếu, các loại thực phẩm giàu đạm ít chất béo như ức gà, thịt bò, cá hồi, tôm, trứng gà, sữa… Ngoài ra, để kích thích vị giác hơn, người cao tuổi có thể bổ sung các loại rau, củ, gia vị vào món ăn. Chẳng hạn, tăng cường sử dụng hành, tỏi, gừng, sả, chanh và các loại rau thơm (bạc hà, kinh giới, tía tô…) trong các bữa ăn hàng ngày vì những thực phẩm này có tính kháng khuẩn cao. Việc chú ý tới khẩu vị, sở thích sẽ giúp người cao tuổi ăn ngon miệng, ăn đủ số lượng. Nếu ăn không đủ nên uống thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng (từ 1-2 ly mỗi ngày).
Nguồn vitamin, khoáng chất tốt nhất là từ rau xanh và hoa quả tươi giúp cho hệ thống miễn dịch hoạt động tích cực và hiệu quả tối ưu. Cụ thể, vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng, vitamin nhóm B hỗ trợ chuyển hóa chất đường, tổng hợp protein, vitamin A giúp xây dựng hàng rào phòng thủ, tái tạo, phục hồi niêm mạc đường hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu bị tổn thương, vitamin D để chuyển hóa canxi cho các hoạt động của tế bào… Chính vì thế, người cao tuổi nên ăn đa dạng thực phẩm, xây dựng khẩu phần hợp lý và lưu ý tăng cường các loại rau xanh, trái cây. 
Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi mùa dịch Covid -19 ảnh 2 Mô tả ảnh
Duy trì tập thể dục
Trong mùa dịch, người cao tuổi vẫn nên duy trì chế độ luyện tập để tăng cường sức đề kháng. Thay vì ra công viên, người cao tuổi có thể tập thể dục tại nhà. Nếu có nhà riêng, có sân vườn trồng cây kiểng, người cao tuổi có thể tập vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát như bình thường. Người cao tuổi có thể tham khảo các bài tập thể dục trên truyền hình, Thái cực quyền, yoga, thể dục nhịp điệu hay các bài tập thể dục khác tùy theo khả năng và lời khuyên của bác sĩ điều trị. Các bài tập có thể từ đơn giản đến phức tạp, tùy vào khả năng và lứa tuổi. Người cao tuổi có thể nhờ huấn luyện viên, chuyên viên vật lý trị liệu tư vấn bài tập phù hợp với khả năng và sức khỏe của mình. Nếu sống tại chung cư, người cao tuổi có thể tận dụng phòng khách vào sáng sớm, mở cửa ban công để lấy ít nắng nhẹ, gió mát buổi sớm và thoáng khí.  Nếu không có ban công hoặc sân vườn, việc tập thể dục vào buổi sáng hoặc chiều mát tầm 30 - 45 phút mỗi ngày vẫn có tác dụng tốt. Nên tìm nơi vắng người, thoáng đãng, khoảng cách ít nhất 2m giữa mỗi người để làm giảm nguy cơ tiếp xúc với virus gây bệnh. Ngoài ra, làm các công việc nhà, lên xuống cầu thang, chăm sóc cây cảnh cũng là các bài tập thể dục đơn giản nhưng không kém phần hiệu quả. Về đêm, người cao tuổi có thể tham khảo các bài tập xoa bóp, yoga tại giường nhẹ nhàng.Lời khuyên cho các bệnh mãn tính Đối với người cao tuổi có các bệnh lý nền mạn tính, cần tuân thủ chế độ điều trị các bệnh lý nền mạn tính một cách đều đặn, không được ngưng thuốc, chuẩn bị sẵn những thuốc thường dùng để sử dụng trong thời gian lâu dài.  Người cao tuổi có thể hạn chế tái khám tối đa trong mùa dịch, ít nhất 2 tháng/lần nếu tình trạng bệnh ổn định. Trong trường hợp không thể trì hoãn như cần điều chỉnh thuốc, có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, người bệnh cao tuổi cần liên hệ ngay trạm y tế phường xã, bác sĩ gia đình, nên chọn hình thức khám online. Nếu đi khám bệnh trực tiếp, nên chọn khám tại những cơ sở y tế có khả năng tầm soát và có những biện pháp phòng chống dịch tốt. Sử dụng phương tiện giao thông cá nhân khi đi khám bệnh. Đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn tay thường xuyên, ít nhất 20-30 giây mỗi lần rửa tay, dùng mũ nón quần áo bảo hộ (nếu có điều kiện trang bị) trong khi đi khám bệnh.  Nên hạn chế tối đa việc di chuyển, ngồi gần các người bệnh khác (cách xa ít nhất 2m hoặc 2 sải tay). Không đến những nơi đông người như căn tin, thang máy, nhà vệ sinh… nếu không thật sự cần thiết. Khi về nhà cởi bỏ ngay khẩu trang đã dùng, rửa tay và sát khuẩn tay, thay quần áo, giày dép… 

Các tin khác