Đông y hỗ trợ phòng trị dịch viêm phổi Covid-19

(ĐTTCO) - Trong lịch sử Y học cổ truyền, các dịch bệnh thường xuất hiện theo mùa hay khi có những điều kiện để các bệnh lý truyền nhiễm lây lan. Đông y đã tổng kết được tính quy luật của các bệnh lý truyền nhiễm trong cuốn sách Ôn bệnh học. 

Các bệnh nhân nhiễm Covid-19 thường có triệu chứng ho, khó thở, khám thấy lưỡi bệu, có dấu răng, rêu lưỡi dầy, dơ, nhầy nhớt. Khám cận lâm sàng sẽ thấy dịch ứ đọng ở phế nang. Thời gian ủ bệnh thuộc về khái niệm “thấp tà” hoặc “thấp độc”, đồng thời có tính chất của “phục tà”, nghĩa là tà độc tiềm tàng trong cơ thể, gây giảm sức đề kháng. Khi phát bệnh thường kèm các triệu chứng suy nhược, đặc biệt các bệnh nhân vốn có các bệnh lý trước đó khiến diễn tiến bệnh nguy hiểm hơn, dễ tử vong hơn. 
Bởi nguyên nhân do “thấp độc” nên so với các loại dịch lệ khác,  bệnh phát triển khá chậm, thời kỳ ủ bệnh đa số bệnh nhân gần như không có triệu chứng. Lúc bệnh khởi phát ở giai đoạn đầu triệu chứng tương tự như cảm cúm thông thường, bởi vì lúc này chính khí (sức đề kháng còn đầy đủ), tà khí tương đối yếu nên tuy có biểu hiện công năng của Phế bị ảnh hưởng như: ho, khó thở, hắt hơi, nhưng các triệu chứng đều tương đối nhẹ nhàng.
Biểu hiện đang ở bên ngoài (Đông y gọi là phần vệ biểu hoặc bán biểu bán lý) đều có thể dùng phương pháp tuyên thấu hóa trọc, thanh nhiệt lợi thấp, đều có tiên lượng tốt, cho dù các triệu chứng ở phế như ho hồi phục hơi chậm. Nhưng nếu thấp tà và dịch độc cùng lúc kết hợp, triệu chứng phát triển sẽ khá nhanh và nặng nề. 
Đông y hỗ trợ phòng trị dịch viêm phổi Covid-19 ảnh 1 TS.BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc
Các giai đoạn phát triển bệnh và pháp trị
Chứng thấp tà uất phế, có 2 giai đoạn ủ bệnh và khởi phát. Thời kỳ ủ bệnh không có triệu trứng đặc biệt, một số ít có biểu hiện ớn lạnh, người mệt mỏi. Thời kỳ khởi phát thường sốt nhẹ hay không sốt, ho khan, ít đàm, họng khô hay đau họng, mệt mỏi, nặng ngực có thể kèm buồn ói, tiêu lỏng, chất lưỡi hồng nhạt, rêu trắng hay trắng nhớt, mạch nhu. 
Pháp trị bằng hóa thấp giải độc, tuyên phế thấu tà. Các phương thuốc cơ bản: Ma hạnh ý cam thang, thăng gián tán, đạt nguyên ẩm. Những vị thuốc cơ bản sử dụng là: Ma hoàng, hạnh nhân, thảo quả, binh lang, thuyền thoái, thương truật, cát căn, hoàng cầm, ngưu bàng tử, cam thảo. Tùy chứng trạng kiêm hàn hoặc kiêm nhiệt có thể sử dụng hoắc hương chính khí tán gia giảm hoặc tri mẫu thạch cao gia liên kiều, ngân hoa. Nếu có triệu chứng lúc lạnh, lúc nóng sốt gia thanh hao, sài hồ, tiêu chảy nhiều bỏ chi mẫu gia hoàng liên. 
Đông y hỗ trợ phòng trị dịch viêm phổi Covid-19 ảnh 2
Với chứng thấp độc ung phế, có chứng trạng sốt cao, khô miệng, không muốn uống nước, ngực đầy, ho khan ít đàm, bụng đầy chướng, không muốn ăn uống, buồn nôn hoặc nôn, người mệt mỏi, lưỡi đỏ hoặc đỏ đậm, rêu vàng, mạch phù sác. 
Pháp trị: thanh nhiệt giải độc, tuyên phế thấu tà. Bài thuốc: Ma hạnh thạch cam thang, ngân kiều tán. Vị thuốc: ma hoàng, hạnh nhân, thạch cao, tang bạch bì, kim ngân hoa, liên kiều, hoàng cầm, triết bối mẫu, cam thảo. Nếu khó thở mệt mỏi nhiều gia tây dương sâm, khát nước nhiều gia sinh địa, mẫu đơn bì. 
Với chứng dịch độc bế phế có chứng trạng sốt cao không giảm, ho ít đàm, hoặc có đàm vàng, ngực đầy, khó thở, bụng chướng tiêu lỏng, chất lưỡi đỏ, rêu vàng dơ hay vàng khô, mạch hoạt sác. 
Pháp trị: tuyên phế giải độc, thông phủ tả nhiệt. Bài thuốc: Tuyên bạch thừa khí thang, hoàng liên giải độc thang, giải độc hoạt huyết thang. Vị thuốc: hạnh nhân, sinh thạch cao, qua lâu, đại hoàng, ma hoàng đình lịch tử, đào nhân, xích thược, cam thảo.
Khi bệnh nặng (chứng nội bế ngoại thoát) có chứng trạng khó thở, đau ngực nặng, ho khan ít đàm, mệt mỏi đuối sức, bứt rứt không yên, đổ mồ hôi, tay chân lạnh, nặng có thể hôn mê… Sắc mặt, môi, lưỡi thâm tím, miệng dơ rêu lưỡi dầy nhầy nhớt, mạch trầm không bắt được.
Pháp trị: Hóa đàm khai khiếu, ích khí liễm âm. Điều trị cấp cứu: Tứ nghịch gia nhân sâm thang, An cung ngưu hoàng hoàn hoặc Tô hợp hương hoàn. Vị thuốc: nhân sâm, phụ tử, sơn thù. Kết hợp uống An cung ngưu hoàng hay Tử tuyết đơn.

Liệu pháp 4T tăng cường sức khỏe
T1 giảm stress, cân bằng giữa nghỉ ngơi- làm việc (nên nghỉ trưa, ít nhất 30 phút), tránh các công việc gây tress hay thư giãn. Không thức khuya (đi ngủ trễ nhất 23 giờ). T2 gồm chế độ ăn đầy đủ sinh dưỡng nhất là các loại vitamin, ăn nhiều rau củ quả tươi, bớt thuốc lá rượu bia, hạn chế bia rượu, cà phê. T3 gồm tập thể dục 30-60 phút, đơn giản nhất là đi bộ chất lượng. Tập thở bụng ngày 4 lần, mỗi lần 3-5 phút để tăng sức khỏe. Tập thể dục (thư giãn) giữa giờ. Tự xoa bóp toàn thân lúc sáng dậy.
T4 là các bài thuốc ngừa bệnh và tăng cường sức đề kháng. Ngọc bình phong tán gồm hoàng kỳ bắc sống, bạch truật, phòng phong, hoắc hương tất cả 10g, có thể tán thành bột uống với nước ấm. 
Đối với bệnh nhân giai đoạn hồi phục sau khi xét nghiệm virus chuyển thành âm tính (chứng khí âm lưỡng hư). Khi này ho ít, hơi thở ngắn, mệt mỏi, tăng khi hoạt động, tự hãn, hồi hộp, ăn kém, miệng lưỡi khô khát, lưỡi hồng nhạt, khô, rêu mỏng khô hoặc hơi nhầy. Khi đó, pháp trị gồm ích khí dưỡng âm. Bài thuốc: sinh mạch ẩm. Vị thuốc: đảng sâm, ngũ vị tử, mạch môn. 

Các tin khác