Luôn cảnh giác dù dịch Covid-19 tạm lắng

(ĐTTCO)-Trao đổi về những thành quả bước đầu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 và những việc cần làm trong thời gian tới, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, dịch bệnh tại TP đang được kiểm soát tốt nhưng nguy cơ dịch xâm nhập còn rất cao và người dân vẫn cần phải giữ vững tâm thế cảnh giác.
Luôn cảnh giác dù dịch Covid-19 tạm lắng

Đã hơn 40 ngày, TPHCM không phát hiện thêm trường hợp mắc Covid-19 mới trong cộng đồng. Đó là thành quả của nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị trong suốt thời gian qua.

Trao đổi về những thành quả bước đầu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 và những việc cần làm trong thời gian tới, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, dịch bệnh tại TP đang được kiểm soát tốt nhưng nguy cơ dịch xâm nhập còn rất cao và người dân vẫn cần phải giữ vững tâm thế cảnh giác.

* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, thời gian qua ngành y tế đã triển khai thực hiện những biện pháp gì để kiểm soát dịch Covid-19?

- Bác sĩ NGUYỄN HỮU HƯNG: Kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu xâm nhập vào TPHCM, ngành y tế TP đã khẩn trương và chủ động tổ chức ứng phó bằng việc xây dựng kế hoạch đáp ứng của ngành với dịch bệnh; đồng thời tham mưu UBND TPHCM ban hành kế hoạch ứng phó với dịch bệnh của TP.

Ngành y tế TP luôn quán triệt phương châm 5 tại chỗ và kiên định thực hiện các nguyên tắc phòng chống dịch là: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng và dập dịch; đồng thời làm tốt công tác điều trị, hạn chế thấp nhất người tử vong. 

Để kịp thời phát hiện dịch bệnh xâm nhập vào TPHCM, ngành y tế TP đã phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức giám sát chặt chẽ người đến TP từ các quốc gia, vùng lãnh thổ và các tỉnh, thành phố khác; thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch y tế biên giới; mở rộng giám sát thân nhiệt, khai báo y tế cho hành khách tại ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất và ga Sài Gòn.

Trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (từ ngày 1-4 đến 22-4), TPHCM tổ chức 62 chốt kiểm dịch liên ngành phòng chống Covid-19 tại các cửa ngõ ra vào TP, bến tàu, bến xe, nhà ga, nơi tiếp nhận các phương tiện giao thông ra vào TP để giám sát hành khách đến từ các tỉnh thành bằng đường bộ. Mỗi ngày có gần 2.700 nhân sự thuộc nhiều lực lượng được huy động tham gia như công an, kiểm soát quân sự, thanh tra giao thông, nhân viên y tế, quản lý thị trường… 

Ngành y tế TP cũng đã phối hợp với Bộ Tư lệnh TP, các trường đại học và nhiều đơn vị khác tổ chức hiệu quả công tác cách ly kiểm dịch đối với người có nguy cơ với Covid-19 (người nhập cảnh trong vòng 14 ngày, người tiếp xúc gần với ca nghi ngờ hoặc ca nhiễm bệnh). Tham mưu UBND xây dựng, thiết lập 38 khu cách ly tập trung cấp TP và cấp quận huyện với tổng quy mô hơn 12.000 giường, huy động hơn 2.000 nhân sự tham gia phục vụ công tác cách ly y tế.

Các khu cách ly tập trung tổ chức giám sát, xét nghiệm kiểm tra và theo dõi hàng ngày tình hình sức khỏe cho hơn 12.000 người, qua đó phát hiện được 27 người mắc Covid-19, tuy nhiên không có trường hợp nào bị lây nhiễm thêm từ người mắc bệnh trong cơ sở cách ly.

* Là địa phương phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên của cả nước, ngành y tế TP đã làm gì để có thể khoanh vùng ổ dịch một cách triệt để và hiệu quả, ngăn chặn sự lây lan ra cộng đồng?

  Ngay từ những ca bệnh đầu tiên, ngành y tế đã chủ động tổ chức công tác giám sát và phòng chống dịch bệnh ở cộng đồng, lập danh sách để thực hiện cách ly y tế với người tiếp xúc gần, người có liên quan. Quy trình phản ứng nhanh của ngành y tế khi phát hiện trường hợp nhiễm bệnh đã được tiếp tục vận hành, ngày càng được bổ sung, hoàn thiện theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế và đáp ứng những yêu cầu thực tế tại TPHCM.

Cùng với sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ tích cực của các lực lượng chức năng như công an, dân phòng, ban quản lý khu phố, chung cư và sự đồng thuận chấp hành của người dân, các đơn vị y tế đã tổ chức hiệu quả những biện pháp phù hợp, cách ly kịp thời ổ dịch, ngăn chặn tối đa nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng. 

Từ 57 trường hợp xác định mắc bệnh tại TPHCM đã có tổng cộng 6.402 người tiếp xúc gần hoặc có liên quan được cách ly y tế theo đúng quy định, được xét nghiệm kiểm tra virus SARS-CoV-2 để loại trừ lây nhiễm. Tất cả các khu vực dân cư nơi có ca bệnh đều được xử lý vệ sinh khử khuẩn, cách ly y tế tạm thời trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm người dân nhằm phòng ngừa lây lan. Đến nay, tất cả các ổ dịch phát hiện tại TPHCM đều được hoàn tất khoanh vùng, xử lý dập dịch và đã kết thúc thời gian theo dõi, không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh.

Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo công tác tiếp nhận, thu dung điều trị người mắc Covid-19, TP đã thiết lập hệ thống 5 cơ sở chuyên sâu điều trị Covid-19 với tổng quy mô 2.300 giường bệnh. Tất cả các đơn vị điều trị đều có đầy đủ trang thiết bị y tế chuyên sâu, có phòng áp lực âm để đảm bảo điều kiện cách ly điều trị cho người mắc Covid-19.

Với mục tiêu phát hiện sớm người mắc bệnh tiềm ẩn (không có triệu chứng) để kịp thời cách ly điều trị, hạn chế tối đa nguy cơ lây lan trong cộng đồng, ngành y tế TP đã mở rộng mạng lưới cơ sở xét nghiệm Covid-19 gồm 8 đơn vị bên cạnh Viện Pasteur TPHCM và chủ động triển khai hoạt động giám sát bằng xét nghiệm kiểm tra virus SARS-CoV-2.

Ngoài thực hiện xét nghiệm đối với người nhập cảnh, người nghi ngờ mắc bệnh, người tiếp xúc với các ca bệnh, TP mở rộng xét nghiệm giám sát đối với người bệnh sau xuất viện, người kết thúc cách ly chưa được xét nghiệm đầu ra, nhóm có nguy cơ cao trong cộng đồng (công nhân làm việc và sinh sống tại các khu chế xuất - khu công nghiệp, khu dân cư), hành khách đi các chuyến bay quốc nội và xe lửa, tổ bay chuyến quốc tế… Đến nay đã có tổng cộng 59.574 xét nghiệm được thực hiện cho các nhóm có nguy cơ mắc bệnh.

Ngoài ra, ngành y tế TP còn tích cực triển khai nhiều hoạt động phòng chống dịch Covid-19 như hướng dẫn và kiểm tra, giám sát công tác phòng chống lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế; kiểm tra, thẩm định các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất theo Bộ chỉ số đánh giá mức rủi ro lây nhiễm SARS-CoV-2; phối hợp các sở ban ngành xây dựng 7 bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 đối với các lĩnh vực, ngành nghề có nguy cơ cao như giáo dục, du lịch, văn hóa - thể thao, chợ - siêu thị, dịch vụ ăn uống…

* Với kết quả này, TPHCM đã có thể công bố hết dịch được chưa, thưa ông?

- Từ ngày 3-4 đến nay, TP không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh nào trong cộng đồng. Theo quy định hiện hành, dịch Covid-19 thuộc nhóm A, thời gian ủ bệnh trung bình 14 ngày, thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới là 28 ngày (thời gian được tính từ ngày trường hợp mắc bệnh gần nhất được cách ly tại cơ sở y tế). Đây là cơ sở pháp lý làm căn cứ công bố hết dịch đối với dịch bệnh lần đầu tiên xuất hiện. Việc công bố hết dịch Covid-19 thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19.

Để công bố hết dịch hay không, Chính phủ còn phải xem xét, phân tích kỹ lưỡng trên mọi khía cạnh. Mặc dù TPHCM đang kiểm soát tốt dịch Covid-19, nhưng chúng ta vẫn phải giữ tâm thế hết sức cảnh giác. Bởi tình hình dịch trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ xuất hiện ca mắc mới trên địa bàn TP vẫn còn rất cao. 

* Vậy người dân cần làm gì để phòng chống dịch Covid-19 khi TP chuyển sang trạng thái “bình thường mới” như hiện nay?

 - Người dân cần tiếp tục tuân thủ các quy định về mang khẩu trang khi đến nơi công cộng và trên các phương tiện vận tải hành khách công cộng; thường xuyên rửa tay đảm bảo vệ sinh cá nhân. Đề cao cảnh giác trước các triệu chứng cảm cúm, chủ động phát hiện và đến ngay các cơ sở y tế để sàng lọc.

Tại cộng đồng dân cư, đặc biệt khu chung cư vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 như vệ sinh khử khuẩn thường xuyên, định kỳ; đảm bảo thông thoáng nơi ở. Người dân cảnh giác, phát hiện sớm những trường hợp nguy cơ, trường hợp nghi ngờ để báo cơ quan chức năng xử lý kịp thời.

Ban quản lý chung cư, ban điều hành khu phố, tổ dân phố có trách nhiệm nhắc nhở người dân tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh cho cá nhân, gia đình và cho cộng đồng. Cùng với đó, thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

* Xin cảm ơn ông.

Các tin khác