Nguyên nhân gây đau lưng, thoát vị đĩa đệm

(ĐTTCO) - Nghiên cứu thống kê cho thấy, nhiều người thường bị đau cột sống thắt lưng và nguyên nhân chủ yếu do thoái hóa cột sống và thoát vị đĩa đệm. Vậy nguyên nhân nào gây ra tình trạng thoái hóa cột sống và thoát vị đĩa đệm. 
Nhiều nguyên nhân gây bệnh
Có nhiều nguyên nhân gây ra thoái hóa cột sống và thoát vị đĩa đệm, chúng ta nên biết để từ đó có biện pháp dự phòng. Trong đó, tuổi tác là nguyên nhân đầu tiên. Đây là nguyên không thể thay đổi, ai cũng biết theo thời gian đĩa đệm của chúng ta sẽ bị mất nước, mất sức căng bề mặt, các hệ thống collagen bị tổn thương, bị mủn đi, xương cũng bị thoái hóa, các khớp cũng lỏng lẻo dần.
Đó chính là yếu tố làm thúc đẩy quá trình bị đau lưng, thoái hóa cột sống và tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm. Có nghĩa là tuổi càng cao chúng ta càng có nguy cơ bị thoái hóa cột sống và thoát vị đĩa đệm. Quá trình thoái hóa cột sống và thoát vị đĩa đệm thường sẽ bắt đầu sau 28-30 tuổi. Nếu những người có thói quen xấu như hút thuốc hay vận động sai nhiều, quá trình thoái hóa sẽ đến sớm hơn. Nên những ai sau 30 tuổi đi khám được chuẩn đoán thoái hóa đĩa đệm, thoái hóa cột sống thì cũng không có gì bất ngờ. 
Nguyên nhân gây đau lưng, thoát vị đĩa đệm ảnh 1ThS. BS Trần Quốc Khánh,
Khoa Phẫu thuật cột sống,
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
Bên cạnh đó, rất nhiều bệnh lý có liên quan đến yếu tố di truyền trong đó có bệnh lý về thoái hóa và thoát vị đĩa đệm vùng lưng. Mặc dù đây không phải là nguyên nhân rõ ràng, nhưng cũng là một yếu tố không thể bỏ qua. Khi bố mẹ, ông bà có tiền sử bệnh lý về khớp, thoái hóa cột sống sớm, thường con cái khi đến tuổi thành niên cũng hay bị đau lưng sớm. Khi chụp chiếu thăm khám cũng nhận thấy các đĩa đệm, khớp bị thoái hóa sớm hơn so với những người không có yếu tố di truyền từ gia đình. 
Ngoài ra, có những người dị tật hoặc có biến chứng của bại liệt từ bé (dẫn tới bị một chân teo hoặc một chân ngắn hơn) hoặc bị tai nạn gãy chân sau phẫu thuật, một chân ngắn chân dài hoặc bị gù, vẹo cột sống hoặc bị thoái hóa khớp háng một bên dẫn đến đi lệch người sang một bên… Chính những bệnh lý đó là những yếu tố làm thúc đẩy nhanh quá trình bị thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm.
Một nguyên nhân khác, trong những trường hợp không may như như bị ngã từ trên cao xuống, hay trong thể thao đặc biệt các vận động viên nhào lộn, đó cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ chấn thương vùng lưng, tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm. Đáng chú ý, những nghề nào ngồi lâu với cùng một tư thế, ngoài ra những nghề phải mang vác nặng sẽ làm tăng nguy cơ thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm. 

Thói quen xấu trong cuộc sống và sinh hoạt
Người bị béo phì cũng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Khi cơ thể tăng cân quá mức, áp lực lên đĩa đệm tăng mạnh, nhất là vùng lưng vì vùng lưng chịu lực của cơ thể rất lớn nhất là khi xoắn vặn, chạy nhảy… Ngoài ra, nhiều người hay bị béo bụng khi ấy trọng tâm dồn phía trươc làm cho cột sống lưng quá ưỡn cũng làm tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm. 
Các hoạt động vận động mạnh, gắng sức đột ngột cũng là nguyên nhân nhiều người bị. Thậm chí sau khi gắng sức đột ngột nhiều người phải nằm tại chỗ gọi cấp cứu. Cái thường thấy nhất trong các hoạt động mạnh, gắng sức đột ngột đó là chúng ta bê chậu cây cảnh, thùng đồ nặng. Khi bê không chú ý phải thẳng lưng và bê lên từ từ. Thông thường mọi người hay khom lưng, giật lên đột ngột dẫn đến thoát vị đĩa đệm cấp. Khi bị như vậy không ít người tê buốt dọc lưng xuống chân. Thông thường thoát vị sau khi gắng sức phải mổ sớm nếu không dễ dẫn đến teo, liệt. 
Bên cạnh đó, có nhiều thói quen xấu trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày dẫn đến thoái hóa cột sống và thoát vị đĩa đệm. Thứ nhất, hút thuốc. Thông thường, những người hút thuốc ảnh hưởng sức khỏe đầu tiên được nghĩ tới chính là phổi. Nhưng không chỉ dừng ở đó. Nếu hút thuốc lâu năm còn ảnh hưởng đến nhiều chức năng, bộ phận khác trong cơ thể, trong đó có khớp sẽ thoái hóa nặng.
Nguyên nhân gây đau lưng, thoát vị đĩa đệm ảnh 2
Thói quen xấu thứ 2 là ngồi quá lâu với một tư thế. Khi xã hội càng phát triển chúng ta cũng ngồi làm văn phòng nhiều hơn từ đó dẫn đến thói quen xấu là ngồi một tư thế quá lâu. Mỗi người cần tạo thói quen cho mình, khoảng 60 phút hoặc tối đa 90 phút phải đứng dậy vươn vai, xoay người, xoay các khớp cổ tay… Những động tác đó để tăng máu lưu thông, để cột sống ít bị tổn thương, tránh huyệt khối tắc mạch. Khi khí huyết lưu thông thì mắt cũng sẽ ít bị mỏi hơn. 
Một thói quen không tốt cho cột sống là nằm nệm mềm, những người bị cột sống không nên nằm nệm mềm mà nên nằm nệm cứng hoặc mềm một chút. Những người nằm nệm võng, nệm lò xo thường bị cột sống. Cuối cùng việc lười vận động cũng hết phải lưu ý. Hiện nay thanh niên rất lười tập thể dục đặc biệt là sau khi đi làm và lập gia đình, đó là yếu tố làm tăng nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm. Đáng chú ý, khi tập thể dục lại ít quan tâm đến vùng bụng và vùng lưng trong khi đây là những vùng chúng ta sử dụng nhiều nhất. Chính vì thế mỗi người cần thay đổi thói quen của mình, chú ý tập luyện, vận động và quan trọng hơn là vận động đúng để đảm bảo có được sức khỏe tốt.  

Các tin khác