Quy định về hiến ghép mô, tạng còn nhiều bất cập

(ĐTTCO) - Hiến mô, tạng là hành động mang tính nhân văn sâu sắc, giúp cứu sống được nhiều người bệnh hiểm nghèo.
Các bác sĩ đang thực hiện một ca ghép gan cho bệnh nhân nhỏ tuổi
Các bác sĩ đang thực hiện một ca ghép gan cho bệnh nhân nhỏ tuổi
 Hơn nữa, hiện nay, trình độ ghép tạng của ngành y tế Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, không thua kém các nước phát triển trên thế giới. Thế nhưng, số người được ghép mô, tạng hiện còn rất khiêm tốn so với nhu cầu thực tế do những rào cản về pháp lý và một số chính sách về bảo hiểm y tế (BHYT). 
Tiến bộ mạnh mẽ
Mới đây, ê kíp của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện thành công ca phẫu thuật nội soi ghép gan lấy mảnh gan phải từ người hiến sống để ghép. Theo TS Lê Văn Thành, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Gan - Mật - Tụy, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đây là ca ghép gan đầu tiên tại Việt Nam mà người hiến sống được nội soi, cắt lấy mảnh gan để ghép cho người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo.
Với kỹ thuật can thiệp này, người hiến gan ít bị đau hơn so với mổ mở và rút ngắn thời gian hồi phục sức khỏe. Đặc biệt, kỹ thuật nội soi phức tạp này hiện chỉ có số ít trung tâm gan mật và ghép gan tại các nước phát triển thực hiện. 
TS Lê Văn Thành cho biết, bệnh viện bắt đầu ghép gan từ năm 2017 và là cơ sở có số lượng ca ghép gan từ người hiến sống nhiều nhất Việt Nam với 91 trường hợp, trình độ kỹ thuật ngày một nâng cao, mở ra triển vọng cứu sống những người bệnh hiểm nghèo. Cũng là một trong những cơ sở hàng đầu về ghép tạng, đến nay, Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện thành công trên 1.200 ca ghép thận, trong đó 150 ca từ người hiến thận đã chết não.
Ngoài ra, đã thực hiện 96 ca ghép gan (70 ca ghép từ người hiến chết não), 39 ca ghép tim từ người hiến chết não, 1 ca ghép tim và thận, 5 ca ghép phổi. 
Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, cho biết, cả nước hiện có hơn 20 trung tâm ghép tạng. Các trung tâm đã làm chủ phần lớn kỹ thuật ghép tiên tiến trên thế giới.Đến nay, cả nước đã thực hiện được khoảng 6.113 ca ghép tạng, trong đó nhiều nhất là ghép thận với khoảng 5.730 ca, tiếp đó là 316 ca ghép gan, 54 ca ghép tim và một số ca ghép khác như: ghép khối thận - tụy, ghép khối tim - phổi, ghép phổi, ghép ruột và ghép chi.
Cần sớm sửa luật
Mặc dù hiến, ghép mô tạng là việc làm rất ý nghĩa, mang tính nhân văn sâu sắc, giúp cứu sống được nhiều người, tuy nhiên, hiện số người được ghép ở nước ta còn quá ít so với nhu cầu thực tế. Thống kê của cơ quan y tế cho thấy, cả nước có khoảng 10.000 người bệnh đang chờ ghép thận, 2.000 - 2.500 trường hợp chờ ghép gan và hàng ngàn trường hợp chờ ghép các bộ phận khác.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, tính đến cuối tháng 11-2021, số lượng người đăng ký hiến tạng là khoảng 45.341 người, nhưng nguồn tạng hiến từ người cho chết não còn quá ít (trên 93% nguồn tạng ghép vẫn đến từ nguồn cho sống). 
Sở dĩ số người được ghép mô, tạng vẫn còn rất thấp so với nhu cầu là do những bất cập về quy định pháp luật. Theo một số chuyên gia ghép tạng, hiện nay, chế độ cho người hiến (gồm người hiến sống và người hiến sau khi chết não) chưa đầy đủ và hợp lý. Luật không quy định kinh phí dành cho chăm sóc, phục hồi sức khỏe đối với người đã hiến mô, tạng tại cơ sở y tế, cũng như quy định khám sức khỏe định kỳ miễn phí sẽ được lấy từ nguồn nào.
“Các cơ quan chức năng cần bổ sung thêm quy định về chế độ cho người hiến mô, tạng. Cũng như xây dựng cơ cấu giá ghép tạng làm cơ sở cho BHYT thanh toán. Đề xuất rõ mức hỗ trợ của BHYT từ 50%-80%”, ông Nguyễn Hoàng Phúc nhấn mạnh. 
Cùng với đó, hiện nay Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mới có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác. Tuy nhiên, với những người không may bị chết não mà không có Thẻ hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết thì việc lấy mô, bộ phận cơ thể của họ phải được sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ, hoặc người giám hộ, hoặc vợ, chồng, hoặc đại diện các con đã thành niên của người đó.
Theo nhiều chuyên gia y tế, với quy định như trên thì người chưa đủ 18 tuổi không được quyền hiến mô, bộ phận cơ thể. Do đó, cần phải sửa đổi luật, bổ sung quy định người dưới 18 cũng có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình sau khi chết nếu được sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ. 
Mặt khác, dưới góc độ chuyên môn, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải thay đổi quy định tiêu chuẩn để xác định chết não về thời gian giảm từ 12 giờ xuống 6 giờ. “Trong các trường hợp chẩn đoán chết não, chẩn đoán sau 6 giờ không khác với kết luận cuối cùng sau 12 giờ. Tuy nhiên có nhiều tạng bị suy sau 12 giờ trong thời gian chờ chẩn đoán chết não”, GS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chia sẻ.
 Dự kiến, trong năm 2022, Bộ Y tế sẽ trình Quốc hội về sửa đổi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Trong đó, các quy định độ tuổi với người hiến tạng sẽ là một trong những vấn đề được đề cập xem xét, sửa đổi.

Các tin khác