2019 - khả quan 16,7 tỷ USD kiều hối

(ĐTTCO)-Những năm gần đây, sự biến động của kinh tế thế giới ảnh hưởng đến dòng kiều hối vào các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, với những thế mạnh riêng, lượng kiều hối hàng năm vào Việt Nam vẫn gia tăng mạnh, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. 
2019 - khả quan 16,7 tỷ USD kiều hối
Kiều hối tăng trưởng ổn định
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết đến đầu tháng 12, lượng kiều hối chuyển về TPHCM đã vượt 4 tỷ USD, dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh trong tháng cuối năm.
Theo ông Minh, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam năm sau thường cao hơn năm trước, trong đó TPHCM luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về nguồn kiều hối chuyển về. Với tốc độ hiện tại, nhiều khả năng TPHCM sẽ hoàn thành kế hoạch 5,2 tỷ USD kiều hối trong năm 2019, tăng khoảng 200 triệu USD so với 2018. Nguồn kiều hối chảy về địa bàn TP đến nhiều nhất từ Mỹ, châu Âu, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản… 
Còn trên tổng thể cả nước, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo Việt Nam sẽ nhận về 16,7 tỷ USD kiều hối trong năm 2019, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, Việt Nam nhận về 13,8 tỷ USD trong năm 2017 và 15,9 tỷ USD trong năm 2018. Đây là những con số rất đáng kể. Bởi vào thời điểm năm 1991, lượng kiều hối gửi về Việt Nam chỉ đạt khoảng 35 triệu USD, năm 2000 hơn 1,75 tỷ USD và năm 2005 khoảng 3,8 tỷ USD.
Những năm qua, khi số lượng kiều bào và lao động xuất khẩu ngày đông đảo, Việt Nam luôn nằm trong top đầu các nước nhận kiều hối cao nhất thế giới. Tại hội nghị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài do Ban Cán sự đảng Bộ Ngoại giao và Ban Dân vận Trung ương tổ chức tháng 7-2019, đã thông tin cộng đồng 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng ổn định, hội nhập vào xã hội sở tại. Hiện tại có khoảng 500 hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài. 
Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, xuất khẩu lao động của Việt Nam không ngừng gia tăng. Năm 2017, xuất khẩu lao động đã đạt được con số kỷ lục với trên 134.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, vượt 28,3% so với kế hoạch năm.
Năm 2018, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài đạt hơn 142.000 người, vượt 30% so với kế hoạch, là năm thứ 5 liên tiếp có số lượng vượt mức 100.000 lao động. Riêng 6 tháng năm 2019, đã có gần 67.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đạt 55,82% kế hoạch năm 2019. 
Tính chung từ năm 2006 đến nay, Việt Nam đã đưa được hơn 1 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài. Cùng với số lượng đông đảo, thu nhập của các nhóm này cũng liên tục tăng trong các năm qua, tác động tích cực đến lượng tiền chuyển về Việt Nam.

Dòng vốn kiều hối không thua vốn FDI
 Với việc người nhận kiều hối có nhiều lựa chọn về hình thức chi trả tại quầy hoặc chi trả tại nhà rất tiện lợi, dòng kiều hối chuyển về Việt Nam được dự báo tiếp tục gia tăng trong các năm tới.
Theo báo cáo mới công bố của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), trong 11 tháng năm 2019, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được gần 17,7 tỷ USD; cả nước có 8.561 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp 11,24 tỷ USD.
Đặt vào để so sánh, có thể thấy nguồn kiều hối không thua kém các nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và luôn giữ nhịp độ tăng trưởng ổn định. Kiều hối cũng được công nhận là nguồn lực góp công lớn vào việc cân bằng cán cân thanh toán, hỗ trợ dự trữ ngoại hối, nâng cao mức sống một bộ phận người dân nhận kiều hối.
Mới đây, trong một báo cáo của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, cho biết đến hết ngày 29-11, tỷ giá giao dịch chỉ tăng nhẹ 0,02%, gần như đi ngang so đầu năm; tỷ giá trung tâm tăng 1,45% so với đầu năm. Kết quả này nhờ bối cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam có những yếu tố tương đối tích cực, như nguồn cung ngoại tệ dồi dào, cán cân thương mại lũy kế 11 tháng thặng dư 9,1 tỷ USD; thu hút vốn FDI tăng trưởng tốt với vốn thực hiện ước đạt 17,62 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2018; chênh lệch lãi suất VNĐ/USD duy trì dương, quanh mốc 0,2-0,3%/ năm (kỳ hạn 1 tuần).
Đồng thời, một yếu tố cũng được nhắc đến trong các tác nhân hỗ trợ ổn định tỷ giá là Việt Nam trong top 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới.
Đáng chú ý hơn, vài năm gần đây nguồn tiền đã trở thành một kênh hỗ trợ vốn quan trọng cho sản xuất kinh doanh trong nước. Theo các chuyên gia, ngoài việc người lao động hoặc kiều bào ở nước ngoài chuyển tiền về cho người thân để chi tiêu hoặc gửi tiết kiệm, xu hướng nhiều người Việt Nam thành lập doanh nghiệp tư nhân và kêu gọi nguồn lực hỗ trợ từ các thành viên gia đình ở nước ngoài cũng đang gia tăng.
Thực tế trong mấy năm qua 70% dòng vốn từ kiều hối chảy vào hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc buôn bán của các hộ gia đình.
2019 - khả quan 16,7 tỷ USD kiều hối ảnh 1
Chính sách thông thoáng
Về chính sách thu hút kiều hối, thời gian qua Nhà nước luôn khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam ở nước ngoài gửi tiền về nước được thuận tiện, như bãi bỏ nhiều quy định về thuế, không hạn chế số lượng tiền, nhận và trả hàng bằng nguyên tệ... Đồng thời, dịch vụ chuyển tiền kiều hối qua kênh chính thức phát triển khá mạnh, với sự tham gia của nhiều tổ chức tín dụng, công ty kiều hối với tính chất cạnh tranh rất cao cũng là tác nhân hỗ trợ dòng tiền này chảy mạnh.
Trong khi đó, các NH đã đầu tư công nghệ hiện đại, tăng cường quan hệ hợp tác với đối tác lớn triển khai các dịch vụ chuyển tiền tiện ích, như dịch vụ chuyển tiền nhanh Western Union, MoneyGram, dịch vụ chuyển tiền trong ngày từ Mỹ về Việt Nam Wells Fargo ExpressSend, dịch vụ chuyển tiền kiều hối online, dịch vụ chuyển tiền qua điện thoại di động… với phí dịch vụ rất cạnh tranh. 
Thực tế, nguồn kiều hối không mang lại lợi nhuận nhiều nhưng giúp NH có thể mua được ngoại tệ, tăng nguồn tiền gửi vì nhiều khách hàng chọn chuyển đổi ngoại tệ thành VNĐ để gửi tiết kiệm. Ngoài ra, NH có thể bán chéo các sản phẩm khác cho khách nhận tiền kiều hối.
Vì vậy, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ và xây dựng API sẽ giúp NH nhanh chóng tích hợp vào nền tảng của mình, từ đó có thể kết nối nhiều người Việt Nam hơn với các dịch vụ chuyển tiền quốc tế. Với điều kiện như vậy, dòng kiều hối chuyển về Việt Nam được dự báo vẫn tiếp tục gia tăng trong các năm tới. 

Các tin khác