2020: Kiều hối sẽ sụt giảm

(ĐTTCO) - Theo NHNN chi nhánh TPHCM, tình hình đại dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu đã tác động đến việc làm, thu nhập của người Việt Nam ở nước ngoài, dẫn đến lượng kiều hối giảm trong những tháng đầu năm 2020. 
Việc đầu tư ra nước ngoài hiện nay bị hạn chế nhiều do yếu tố dịch bệnh. Vì vậy, kiều bào thường đầu tư tại chỗ, thay vì đầu tư ra nước ngoài trong đó có Việt Nam.
Việc đầu tư ra nước ngoài hiện nay bị hạn chế nhiều do yếu tố dịch bệnh. Vì vậy, kiều bào thường đầu tư tại chỗ, thay vì đầu tư ra nước ngoài trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, kiều hối của TPHCM đã tăng trở lại trong 3 tháng qua. ĐTTC đã ghi nhận ý kiến của TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính NH xung quanh sự đảo chiều của kiều hối trong những tháng gần đây, cũng như dự báo tình hình thu hút kiều hối năm nay của cả nước.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, 10 tháng lượng kiều hối về TPHCM đã lên trên 4 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ 2019, riêng tháng 10 đã có 500 triệu USD kiều hối chuyển về qua hệ thống NHTM. Trong khi theo số liệu trước đó 7 tháng đầu năm kiều hối chỉ đạt khoảng 3 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ 2019. Ông có thể lý giải vấn đề này?
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Theo tôi, nguyên nhân kiều hối tăng trở lại 3 tháng gần đây do kiều bào ở nước ngoài theo dõi sát tình hình dịch bệnh ở trong nước. Theo đó, họ nhận thấy Việt Nam kiểm soát dịch bệnh rất tốt, nên gửi tiền về nhiều hơn. Trước hết gửi về giúp gia đình, người thân, nhưng trong số tiền đó cũng có những khoản đầu tư vào nhiều ngành nghề kinh doanh ở Việt Nam.
2020: Kiều hối sẽ sụt giảm ảnh 1
Trả lời với truyền thông, NHNN chi nhánh TPHCM cho rằng nguyên nhân kiều hồi tăng 3 tháng qua do dịch Covid-19, bởi người Việt Nam ở nước ngoài hạn chế chi tiêu khi giãn cách xã hội, gửi về hỗ trợ người thân trong nước nhiều hơn trước; đồng thời lượng kiều hối quý III tại TPHCM tăng hơn so với trước do kiều bào ở Mỹ chiếm tỷ trọng lớn và kinh tế nước Mỹ đang khởi sắc hơn. Tôi cũng đồng ý với những nguyên nhân đó. TPHCM là rổ hứng tiền kiều hối của cả nước, với tỷ trọng gần một nửa tổng kiều hối cả nước. Phần lớn kiều bào đi Mỹ trong quá khứ xuất phát từ TPHCM, hoặc những tỉnh lân cận như Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai. Vì tính gắn bó mang tính lịch sử như vậy nên lượng tiền gửi về khu vực TPHCM luôn nhiều hơn. 
Tuy nhiên, điều quan trọng cho đến nay trong cộng đồng người Việt ở Mỹ, con số nhiễm bệnh rất thấp so với mức bình quân nhiễm bệnh cả nước Mỹ. Chính vì mức nhiễm bệnh thấp nên việc làm ăn buôn bán của kiều bào tương đối ổn định. Đặc biệt trong cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ không có doanh nghiệp lớn, chủ yếu ở dạng hộ kinh doanh (theo định nghĩa của Việt Nam). Tức chỉ ở dạng những doanh nghiệp buôn bán nhỏ, nghiêng về dịch vụ thiết yếu cho đời sống như bác sĩ, nha sĩ, văn phòng luật sư, tiệm sửa xe, cửa hàng bán lẻ… Các hoạt động kinh tế đó không bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh. Vì vậy, sức chịu đựng của doanh nghiệp người Việt tốt hơn so với mặt bằng chung của người Mỹ và thu nhập của người Việt ở Mỹ cũng tương đối ổn định. 
- Tại Báo cáo di cư và kiều hối mới công bố, NH Thế giới (WB) dự báo lượng kiều hối năm 2020 của Việt Nam giảm hơn 7% còn 15,7 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 5,8% GDP. Còn dự báo của ông?
- Tôi nghĩ lượng kiều hối về Việt Nam năm nay khó tăng, nếu đạt mức tốt nhất cũng chỉ tương đương với năm ngoái. 3 tháng vừa rồi có mức tăng đột biến ở TPHCM, nhưng nếu tính chung cả nước trong cả năm, tình hình không sáng sủa như vậy. Trong những tháng đầu năm, kiều hối của Việt Nam đã giảm nhiều. Trong những tháng cuối năm, tình hình dịch bệnh tại nhiều quốc gia, đặc biệt là Mỹ sẽ ngày càng trầm trọng. Vì Mỹ đang vào mùa đông, không khí rất lạnh và các biện pháp phòng chống dịch Covid vẫn chưa được Chính phủ Mỹ quan tâm đúng mức. 
Vì vậy, dự báo tình hình dịch bệnh từ đây đến cuối năm tại Mỹ có thể sẽ nghiêm trọng hơn. Đồng thời, kiều hối từ nguồn xuất khẩu lao động cũng bị ảnh hưởng nhiều do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp kéo dài ở nhiều quốc gia khiến nhiều lao động người Việt Nam ở nước ngoài mất việc, nên kiều hối của cả nước năm nay cũng sẽ chịu tác động. Những tháng vừa rồi có dấu hiệu tốt lên về kiều hối ở TPHCM nhưng tôi không lạc quan lắm về việc cả năm kiều hối có thể tăng mạnh, thậm chí có thể giảm như dự báo của WB.
- Lâu nay chúng ta vẫn có chính sách thu hút kiều bào đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Hiện cũng đang có khoảng 3.000 dự án, tổng số vốn đăng ký khoảng 4 tỷ USD, tạo nhiều công ăn việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Vậy muốn hút thêm nguồn này, theo ông cần có giải pháp nào?
- Ở thời điểm này, tôi không lạc quan về kiều hối đầu tư kinh doanh. Vì thật sự việc đầu tư ra nước ngoài hiện nay gặp hạn chế rất nhiều do yếu tố dịch bệnh. Vì vậy, kiều bào thường đầu tư tại chỗ, thay vì đầu tư ra nước ngoài trong đó có Việt Nam. Do đó, tôi nghĩ kiều hối đổ về đầu tư kinh doanh năm nay tương đối thấp và sẽ kéo dài sang năm. Trở lại làm thế nào để hút đầu tư kinh doanh của kiều bào Việt Nam trong tầm nhìn dài hạn hơn là sau khi dịch bệnh được khống chế, tôi cho rằng cần có những chính sách đãi ngộ phù hợp hơn. 
Còn nhớ những năm Việt Nam mở cửa thương mai, nhất là sau năm 2000, khi Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ được ký kết, rất nhiều người Việt ở Mỹ phấn khởi trở về kinh doanh, nhưng sau đó họ cảm thấy có nhiều vấn đề không phù hợp. Chẳng hạn như luật pháp chồng chéo, xin giấy phép thủ tục rườm rà, văn hóa kinh doanh khác nhau, đặc biệt do đặc thù riêng, kiều bào không thể tiếp cận vốn từ ngân hàng trong nước nên đầu tư của kiều bào tại Việt Nam còn hạn chế.
- Xin cảm ơn ông.
 Việc đầu tư ra nước ngoài hiện nay bị hạn chế nhiều do yếu tố dịch bệnh. Vì vậy, kiều bào thường đầu tư tại chỗ, thay vì đầu tư ra nước ngoài trong đó có Việt Nam.

Các tin khác