Bancassurance giúp cải thiện lợi nhuận

(ĐTTCO)-Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang bị kiểm soát chặt hơn và không còn nhiều dư địa để cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM), nhiều ngân hàng (NH) có xu hướng gia tăng thu phí dịch vụ từ các hoạt động bán chéo.
Bancassurance giúp cải thiện lợi nhuận
Trong các hoạt động đem lại thu nhập dịch vụ cho NH, kênh phân phối qua NH (bancassurance) đang trở thành động lực tăng trưởng quan trọng, đặc biệt từ mảng bảo hiểm nhân thọ (BHNT). 
Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), GDP của Việt Nam có thể duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 6-6,2% mỗi năm cho đến năm 2025. Ngoài ra, hơn 50% dân số Việt Nam sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu vào năm 2035 so với 11% năm 2015.
Theo đó, điều kiện kinh tế thuận lợi cùng dân số trẻ với thu nhập tăng nhanh sẽ tạo ra dư địa phát triển mạnh cho mảng BH. Nhu cầu tiết kiệm, đầu tư và sở hữu ô tô sẽ thúc đẩy nhu cầu về BH cá nhân bao gồm BHNT, BHYT và BH xe hơi.
Các công ty BH đã cố gắng đáp ứng xu hướng này bằng cách tiếp cận khách hàng thông qua việc mở rộng bancassurance. Dù không có dữ liệu chi tiết về BH phi nhân thọ, nhưng có thể nhận thấy chi phí BHNT qua kênh NH đã tăng trưởng đáng kể, với tốc độ hàng năm 84% trong giai đoạn 2016-2018.
Tỷ trọng đóng góp của kênh NH vào tổng phí BHNT liên tục mở rộng từ 5,9% năm 2016 lên 12% vào năm 2018 và 15,8% trong 9 tháng năm 2019. Trong khi đó, kênh này cũng chiếm 29% tổng phí BHNT năm đầu tiên trong 9 tháng năm 2019, tăng từ 21% năm 2018 và 10% năm 2016.
Trong 9 tháng năm 2019, thu nhập dịch vụ mở rộng mạnh nhất ở NHTMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) và NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Đây là 2 NH có tăng trưởng thu nhập bancassurance so với cùng kỳ khi đạt trên 100%. Kế đến là NHTMCP Tiên Phong (Tienphong Bank), NHTMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) và NHTMCP Quân đội (MB).
Ngoài ra, NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) và NHTMCP Á Châu (ACB) cũng sẽ có sự tăng trưởng đáng kể trong thu nhập từ BH hàng năm nhờ các thỏa thuận bancassurance mới được ký kết trong năm 2019. Cụ thể, VCB ký độc quyền với FWD vào tháng 11, ACB ký không độc quyền với Manulife vào tháng 9 và FWD vào tháng 12.
Đối với VIB, sau khi ký hợp tác phân phối BHNT độc quyền với Prudential, thu nhập bancassurance đã tăng trưởng rất mạnh trong 3 năm qua. Số lượng hợp đồng BHNT tại VIB trong năm 2018 đã tăng hơn 200% so với năm 2017 và hơn 260% so với năm 2016. Đối với VPB, thu nhập dịch vụ tại NH mẹ trong 9 tháng năm 2019 tăng trưởng tới 51,6%, trong đó thu nhập bancassurance tăng trưởng 32,3% (chiếm 23% tổng thu nhập dịch vụ). 
Với hàng loạt hợp đồng hợp tác bán BH với NH được ký kết trong năm 2019, nhất là trong mảng BHNT, mức độ cạnh tranh trong lĩnh vực này sẽ trở nên gay gắt hơn. Vì vậy, tăng trưởng thu nhập từ BH tại các NH sẽ chậm lại, nhất là với các NH đã đẩy mạnh khai thác hoạt động này trong 1 hoặc 2 năm gần đây sau khi có hợp đồng phân phối được ký kết.
Với các NH này, hoạt động dịch vụ khác như phí thanh toán, phí thẻ, phí bảo lãnh hay dịch vụ trái phiếu cần được thúc đẩy để giữ tăng trưởng thu nhập dịch vụ tổng thể ở mức cao. 
Đơn cử trường hợp ACB, thu nhập từ BH đang dẫn dắt tăng trưởng thu nhập phí nói riêng và thu nhập hoạt động nói chung, trong bối cảnh không có nhiều yếu tố thúc đẩy tăng trưởng thu nhập lãi hay thu nhập khác.
Trong 9 tháng năm 2019, ACB đã lọt vào top 7 NH có thu nhập phí từ bancassurance cao nhất, khi tăng trưởng 250% lên 414 tỷ đồng (chiếm 29,3% thu nhập hoạt động). Kỳ vọng hoạt động này tiếp tục được đẩy mạnh tại ACB sau khi 2 hợp đồng hợp tác không độc quyền với Manulife và FWD được ký kết, bổ sung cho đối tác hiện tại là AIA. 
Đối với VCB, trước đây hoạt động bancassurance chưa được đẩy mạnh tương xứng với vị thế và quy mô của họ. Tuy nhiên, với hợp đồng độc quyền với FWD gần đây, VCB có thể giải phóng tiềm năng tăng trưởng hoạt động này nhờ việc bán chéo cho tập khách hàng rộng lớn hiện nay của NH. 

Các tin khác