Bảo hiểm rủi ro tỷ giá

(ĐTTCO) - Sau khi NHNN bán ra USD, tỷ giá USD/VNĐ niêm yết tại các NHTM đã không còn tăng nóng, tuy nhiên mức giá vẫn nằm trên 23.000 đồng/USD. 
Diễn biến này cộng với những dự báo về áp lực tỷ giá trong những tháng cuối năm, nên nhiều doanh nghiệp (DN) đang rất lo lắng trong khi người dân lại có xu hướng muốn nắm giữ USD để kiếm lời. ĐTTC đã trao đổi với TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính NH về giải pháp cho DN, cũng như tư vấn cho nhà đầu tư những vấn đề liên quan đến tỷ giá.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, trước biến động của tỷ giá tại các NHTM trong tháng 6, đầu tháng 7 NHNN bán ra USD bình ổn thị trường. Trong khi đó, tỷ giá USD/VNĐ niêm yết tại các NHTM hiện nay đều trên mức 23.000 đồng. Ông nhận định như thế nào về diễn biến này?
 Tôi luôn luôn nghiêng về hướng đề xuất DN nên mua hợp đồng ngoại tệ kỳ hạn. Đó là một hợp đồng bảo hiểm, DN đã có sẵn số lượng ngoại tệ có thể mua được để thanh toán. Lúc bấy giờ DN không phải lo về biến động tỷ giá, vì đã được NH cam kết số lượng cũng như giá mua trong tương lai. Về mặt kế hoạch kinh doanh, điều này tốt và hiệu quả hơn cho DN.
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Sở dĩ giá USD cao vì cầu USD cao. Cầu tăng lên có 2 nguyên nhân. Thứ nhất do đầu cơ, xuất phát từ tâm lý kỳ vọng giá USD sẽ tăng. Do đó người đầu cơ mua để găm giữ USD chờ bán ra, làm tăng mức cầu lên.
Thứ hai, tỷ giá còn chịu ảnh hưởng từ những yếu tố vĩ mô, bao gồm những áp lực như việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) tăng lãi suất USD, nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc đang phá giá so với USD. Trong khi đó VNĐ ổn định so với giá USD, có nghĩa giá trị của VNĐ tăng lên. Đây là những yếu tố gây áp lực lên tỷ giá VNĐ/USD, từ đó đẩy tỷ giá lên.  
Việc NHNN tuyên bố sẽ dùng dự trữ ngoại hối để can thiệp cũng đã thực hiện rồi, nhưng có lẽ NHNN cũng muốn duy trì sự ổn định của tỷ giá và không phải duy trì một cách tuyệt đối. Tức NHNN không phải cố định tỷ giá ở một mức nào đó, mà muốn linh hoạt để điều chỉnh tỷ giá trong lúc này.
Trước đây, khi NHNN mua USD vào để tăng dự trữ ngoại hối và đẩy một lượng VNĐ tương đương ra lưu thông, có thể ảnh hưởng đến lạm phát và cũng có thể tạo ra tâm lý đầu cơ. Bởi khi NHNN tung một lượng tiền ra để mua ngoại tệ làm cho giá USD tăng lên.
Hiện nay NHNN bán USD ra ngoài cũng làm giảm áp lực tỷ giá đi, và khi bán USD như thế sẽ thu vào một lượng VNĐ tương đương, lượng tiền này có thể làm giảm áp lực lạm phát, nhưng cũng làm giá USD giảm.
- Năm 2017, giá USD trên thị trường tự do giảm khoảng 1,5%, nhưng trong 6 tháng của năm 2018 đã tăng 1,63% so với đầu năm. Cuối tuần trước, giá USD trên thị trường tự do tăng mạnh lên mức 23.350 đồng, và hiện tại được giao dịch phổ biến ở mức 23.220 -23.250 đồng/USD. Theo ông, biến động của giá USD trên thị trường tự do có ảnh hưởng đến tỷ giá trên thị trường chính thức hay không?
Bảo hiểm rủi ro tỷ giá ảnh 1 Ảnh minh họa: LONG THANH
- Tôi nghĩ luôn luôn có sự tương tác giữa thị trường tự do, thị trường chính thức và tỷ giá trung tâm. Tuy nhiên, tỷ giá trên thị trường tự do linh hoạt hơn, phản ứng nhanh hơn với cung cầu của thị trường.
Tỷ giá giữa các thị trường luôn luôn có độ chênh, có nhiều thời điểm tỷ giá trung tâm tác động đến tỷ giá thương mại, nhưng có những thời điểm chính tỷ giá thương mại tác động đến tỷ giá trung tâm.
Song có thể thấy rằng, việc tỷ giá USD/VNĐ giảm hay tăng lên không phụ thuộc nhiều vào tỷ giá trên thị trường tự do, mặc dù giá USD trên thị trường chính thức nếu tăng cũng sẽ tạo ra tâm lý đầu cơ. Bởi tác động nhiều nhất và mạnh nhất đến tỷ giá là những yếu tố khách quan và chủ quan liên quan đến vĩ mô trong nền kinh tế Việt Nam. 
- Như vậy từ nay đến cuối năm, tỷ giá USD/VNĐ sẽ đứng trước những những áp lực nào?
- Đối với yếu tố bên ngoài, mỗi lần FED tăng lãi suất, USD cũng sẽ tạo áp lực lên tỷ giá, và theo lộ trình FED dự kiến tăng lãi suất 2 lần trong năm nay nữa. Đồng thời, NDT hiện đang mất giá. Việc NDT mất giá có thể nằm trong chính sách ngoại hối của Trung Quốc trong chiến tranh thương mại của nước này với Hoa Kỳ.
Khi họ phá giá  NDT, hàng hóa xuất khẩu ra các nước rẻ hơn, từ đó khả năng cạnh tranh với hàng hóa của các nước khác trên thế giới cũng tăng lên. Đó là cách của họ để đối phó với chiến tranh thương mại đang làm giảm xuất khẩu của Trung Quốc. Tức Trung Quốc đang tăng tỷ giá lên, giảm giá trị NDT để bán hàng nhiều hơn ra trên thế giới. 
Trong 3 tháng trở lại đây, NDT đã mất giá khoảng 5%, trong khi VNĐ so với USD mất giá 1,4%. Giá trị VNĐ khá ổn định đối với USD, trong khi NDT phá giá mạnh với USD, có nghĩa là giá trị VNĐ tăng so với giá trị NDT, từ đó có thể khuyến khích nhập khẩu từ Trung Quốc.
Những điều này cũng áp lực lên tỷ giá USD/VNĐ. Còn trong nội tại nền kinh tế, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam có thể sẽ tăng và đang ở trong xu hướng tăng. Tất cả những yếu tố ở ngoài và ở trong đang tạo nên áp lực cho tỷ giá.
- Khi tỷ giá tăng, các DN Việt Nam luôn căng thẳng vì giá cả đầu vào tăng lên, gây áp lực lên chi phí. Được biết, để bảo hiểm rủi ro tỷ giá, các NH triển khai sản phẩm mua ngoại tệ kỳ hạn, nhưng với thực tế này có vẻ DN vẫn chưa quan tâm đến vấn đề này?
- Đúng là khi tỷ giá tăng, các DN đặc biệt là DN nhập khẩu rất lo, vì hàng nhập khẩu phải thanh toán bằng ngoại tệ. Nếu tỷ giá tăng, DN phải trả nhiều hơn cho hàng nhập khẩu, chi phí đầu vào tăng lên.
Do đó, DN nhập khẩu lo là đúng. Dĩ nhiên, để bảo hiểm cho rủi ro về tỷ giá, các DN nhập khẩu có thể mua ngoại tệ với hợp đồng tương lai với các NH để có một lượng ngoại tệ sẵn có trong tương lai, mức giá mua ngoại tệ được 2 bên thỏa thuận trước ngay từ bây giờ.
Vậy nhưng nhiều DN không sử dụng công cụ đó, thật ra công cụ đó cũng là một chi phí. Giá của hợp đồng tương lai dựa trên chênh lệch lãi suất VNĐ và USD, mà chênh lệch lãi suất VNĐ và USD hiện nay khá cao, nên giá mà DN phải mua tỷ giá trong tương lai cũng có thể cao.
Chính vì thế, nhiều DN cứ đợi đến khi phải thanh toán tiền hàng cho đối tác mới mua ngoại tệ bằng hợp đồng mua ngoại tệ giao ngay, tức là DN chấp nhận rủi ro. Đây cũng là một kiểu “ăn may”. Tại thời điểm cần thanh toán tiền hàng, nếu tỷ giá không tăng nhiều, họ sẽ có lợi nhiều hơn mua hợp đồng kỳ hạn. Còn nếu tỷ giá tăng cao, DN sẽ bất lợi vì chi phí tăng lên, và DN nào mua hợp đồng kỳ hạn sẽ có lợi hơn vì được mua với giá đã được NH cam kết. 
- Khi tỷ giá đứng trước nhiều áp lực tăng, xu hướng găm giữ USD của người dân cũng gia tăng. Theo ông, liệu có nên nắm giữ USD trong thời điểm này?
- Tâm lý găm giữ ngoại tệ trong cuộc chiến tranh thương mại là điều không tránh khỏi, kể cả các NHTM cũng có biểu hiện này. Tuy nhiên, tại thời điểm này nắm giữ USD cũng không hợp lý, thay vào đó nắm giữ VNĐ và gửi NH, người dân sẽ có lợi hơn, vì lãi suất VNĐ hiện tại rất cao, khoảng 7% trong khi lãi suất USD bằng 0%. Mức chênh lệch là 7%.
Trong khi đó, nếu mua ngoại tệ, theo dự đoán, chênh lệch từ nay đến cuối năm cũng chỉ tăng thêm 1,5% nữa. Mức 1,5% này cộng với tỷ lệ lạm phát 4% vẫn thấp hơn 7%. Do đó, nắm giữ VNĐ vẫn có lợi hơn USD. Cũng chính vì nguyên nhân này, để ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, việc duy trì chênh lệch lãi suất USD/VNĐ ở mức hấp dẫn cũng là một vấn đề cơ quan quản lý cần quan tâm để người dân tiếp tục giữ VNĐ, thay vì chuyển sang nắm giữ USD trong thời gian tới.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác