Bảo lãnh tín dụng chờ luật hỗ trợ

(ĐTTCO) - Để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp cận vốn vay sản xuất kinh doanh, từ năm 2001 Chính phủ đã ban hành quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng (BLTD) cho DNNVV. 
 
Nhưng đến nay hoạt động của các quỹ BLTD vẫn chưa hiệu quả, chưa thực sự hỗ trợ DNNVV phát triển.
Bên vay, bên bảo lãnh đều vướng

 Những năm gần đây nguồn vốn cho vay đối với DNNVV đã tăng hơn so với trước, nhưng đối tượng DN này vẫn phải vay thế chấp bằng tài sản là chính. Đó là yêu cầu khó khăn đối với các DNNVV và cần phải tháo gỡ. 
TS. Trần Du Lịch, 
thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia
Chị Nguyễn Thu Hương, Giám đốc 1 DN nhỏ xuất khẩu hạt tiêu, cho biết năm 2016 công ty đã ký được đơn hàng xuất khẩu nhưng do thời gian hoạt động chưa đạt 2 năm nên không đủ điều kiện vay tín chấp tại NHTMCP đang có chương trình hỗ trợ vốn tín chấp cho DN xuất nhập khẩu.
Trong khi đó, nhà xưởng của chị đã thế chấp để vay vốn đầu tư máy móc thiết bị. Không trực tiếp vay vốn được từ NH, chị Hương đến nhờ quỹ BLTD hỗ trợ bảo lãnh để DN vay vốn. Tuy nhiên, nhân viên quỹ yêu cầu phải bổ sung các văn bản, tài liệu chứng minh có đủ các điều kiện được bảo lãnh và đặt yêu cầu về tài sản thế chấp vay vốn. Do thiếu tài sản thế chấp việc vay vốn từ NH không thực hiện được, chị Hương phải vay mượn từ người thân, bạn bè và một phần vay từ tín dụng đen để thực hiện hợp đồng.

Trong khi đó, trao đổi với cán bộ của 1 quỹ BLTD, được biết các quỹ này cũng gặp khó khăn trong quá trình tham gia cấp BLTD cho DN. Vì theo Quyết định 58/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Quỹ BLTD cấp cho DNNVV vay vốn bằng VNĐ tại các TCTD, nhưng DN muốn vay được vốn phải đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Cụ thể, ngoài việc có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay, DN phải có tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố tại TCTD theo quy định của pháp luật tối thiểu bằng 15% giá trị khoản vay; có tối thiểu 15% vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh; tại thời điểm đề nghị bảo lãnh không có các khoản nợ đọng nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, nợ xấu tại các TCTD  hoặc tổ chức kinh tế khác.
Những điều kiện này khiến các quỹ BLTD khó thực hiện nghiệp vụ để đồng hành hỗ trợ DN. Thực tế, theo số liệu của Bộ Tài chính công bố tháng 12-2016, tổng số dư nợ 27 quỹ BLTD trên cả nước đang thực hiện bảo lãnh chỉ đạt 361 tỷ đồng.

Việc tiếp cận vốn của DNNVV phải chờ khi Luật Hỗ trợ có hiệu lực từ 1-1-2018. Ảnh: LONG THANH
 

Cần giải pháp đồng bộ 

Quỹ BLTD là định chế mang tính trung gian giữa DNNVV với NHTM. DNNVV có dự án khả thi, cần vay vốn tiếp cận quỹ BLTD, quỹ sẽ xem xét và đề nghị NH cho vay. Khi đó, tài sản thế chấp là tài sản hình thành từ vốn vay. NH có nhiệm vụ giám sát dòng tiền của DN. Đồng thời, quỹ BLTD và NHTM còn có mối quan hệ chia sẻ rủi ro, tức trong trường hợp dự án của DN không thành công, quỹ BLTD sẽ chi trả một phần thiệt hại cho NH.
Bằng cách này, DNNVV có thể tiếp cận vốn tín chấp với lãi suất ưu đãi. Đây là định chế nhiều nước đang tập trung phát triển để phục vụ cho DNNVV. Tuy nhiên, tại Việt Nam, do hoạt động cho vay tín chấp còn nhiều rủi ro, các DN vẫn chưa xây dựng được kế hoạch kinh doanh khả thi, chưa có tổng kết để đánh giá mạnh dạn hơn về cơ chế để phát triển quỹ BLTD, nên đến nay hiệu quả chưa cao. 

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong chia sẻ, dù tại Việt Nam đang có nhiều quỹ BLTD, nhưng điều kiện bảo lãnh theo Quyết định 58/2013 đã chặn khả năng vay vốn của nhiều DNNVV. Bên cạnh đó, các DN hiện nay gặp phải tình trạng nợ đọng rất nhiều.
Thời gian qua, các DNNN, DN tư nhân có quy mô đã được áp dụng chính sách khoanh nợ, giãn nợ để tái cơ cấu, trong khi nhóm DNNVV vẫn chưa được xem xét hỗ trợ. Do đó, muốn bảo lãnh được nhiều dự án hơn cần có sự ưu tiên, nới điều kiện về vốn, áp dụng khoanh nợ, giãn nợ để khu vực DN này tiếp cận vốn vay.

Thống kê của NHNN cho biết dư nợ tín dụng đối với DNNVV chỉ đã đạt gần 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm 22% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế và tăng 6,5% so với cuối năm 2016, với gần 200.000 khách hàng đang còn dư nợ tại các TCTD, tăng 10.500 khách hàng so với cuối năm 2016. Tuy nhiên, với tổng dư nợ của khu vực DN tư nhân đã đạt gần 4 triệu tỷ đồng, lượng vốn cho vay đối với DNNVV vẫn là một con số khá khiêm tốn. 

Gần đây, nhiều NH chọn DNNVV như một hướng đầu tư kinh doanh chiến lược thay vì tập trung vào DN lớn. Nhưng để nguồn vốn đến với khu vực DN này không chỉ dừng ở việc hô hào cho vay mà còn liên quan vấn đề thị trường từ đầu vào đến đầu ra để NH có niềm tin cấp tín dụng. Vì vậy, để dòng vốn chảy vào DNNVV cần có sự hỗ trợ của Nhà nước trên nhiều mặt. 

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm DNNVV Phú Mỹ Hưng, thuộc khối DNNVV VPBank, nhu cầu tiếp cận vốn NH của các DNNVV rất lớn nhưng do vướng mắc nhiều vấn đề nên các NH vẫn chưa đáp ứng được nhiều. Hiện quỹ hỗ trợ DNNVV đã ra đời nhưng đến nay các khoản vay được bảo lãnh vẫn rất hạn chế. Sắp tới, khi Luật Hỗ trợ DNNVV chính thức có hiệu lực, DN sẽ có thêm một kênh hỗ trợ nữa là quỹ bảo lãnh cho DNNVV và kỳ vọng kênh này sẽ tạo điều kiện để DN tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.

Các tin khác