Bất ngờ chứng khoán tháng 4

(ĐTTCO) - Tập đoàn đầu tư danh tiếng Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett cay đắng ghi nhận khoản lỗ kỷ lục 50 tỷ USD trong quý I-2020, bán sạch danh mục cổ phiếu hàng không và ngồi im trên đống tiền mặt khổng lồ 137 tỷ USD. 
Thế nhưng thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ vẫn bùng nổ kỷ lục trong 82 năm. Còn TTCK Việt Nam, hàng loạt quỹ lớn, CTCK bán cổ phiếu thu về tiền mặt phòng thủ, nhưng VNIndex cũng có tháng 4 mạnh nhất kể từ 2007.
Những diễn biến này đang thể hiện sự trái chiều sâu sắc giữa một bên là kỳ vọng và thực tế thị trường, một bên là đánh giá logic về những rủi ro mà nền kinh tế toàn cầu phải gánh chịu dưới tác động của đại dịch Covid-19 dựa trên những con số định lượng.

Từ S&P500 tới VNIndex 
TTCK toàn cầu đã có một tháng 4 đầy bất ngờ khi tăng trưởng kỷ lục trong nhiều thập niên. Không chỉ nhà đầu tư (NĐT) trong nước cảm thấy khó hiểu, mà giới đầu tư toàn cầu cũng “đau đầu” khi diễn biến của thị trường có sự tách biệt rất lớn với các yếu tố vĩ mô đang ngày một xấu đi và tiên lượng vẫn còn xấu nữa. Mặc dù trong đầu tư CK có câu “thị trường luôn luôn đúng”, nhưng khi dịch bệnh vẫn gây ra cái chết của hàng ngàn người mỗi ngày, con số thất nghiệp toàn cầu ở mức khổng lồ, sản xuất đình trệ khắp nơi, doanh nghiệp báo lỗ lớn, TTCK vẫn đang thể hiện hợp lý những kỳ vọng?
CK Mỹ đang là tâm điểm của thế giới khi có sự trái ngược rõ nét nhất giữa các số liệu thống kê vĩ mô và diễn biến thị trường. Chỉ số S&P500 đại diện TTCK Mỹ đã có tháng 4-2020 tăng 12,7% và mức phục hồi kể từ đáy tới 31,38%. Tính đến cuối tháng 4, chỉ số này chỉ còn thấp hơn đỉnh cao lịch sử ngay trước khi phản ánh dịch Covid-19 lan tràn ở quốc gia này khoảng 13,2%. Rất nhiều NĐT đã đặt câu hỏi, liệu mức chiết khấu 13% đó có hợp lý với những ảnh hưởng tiêu cực quá rõ nét sẽ tiếp tục phản ánh vào các con số trong quý II, thậm chí là có thể kéo dài tới hết năm?
Bất ngờ chứng khoán tháng 4 ảnh 1 Ảnh minh họa.
Sự xung đột trong quan điểm về rủi ro và tính hợp lý trong diễn biến của TTCK chủ yếu đến từ hai phía: Một bên là các nhà giao dịch hay các tổ chức đầu tư ngắn hạn thuận theo xu thế đang diễn ra hàng ngày, một bên là các nhà kinh tế học, các chuyên gia phân tích vĩ mô và các NĐT  theo trường phái cơ bản dài hạn chỉ tin vào các con số cũng như sự vận hành của hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đúng như Jim Cramer – cựu chủ tịch quỹ phòng hộ và người dẫn chương trình nổi tiếng “Mad Money” nhận xét rằng, Wall Street (ám chỉ TTCK) và Main Street (ám chỉ các doanh nghiệp) đang đi hai hướng ngược nhau. Đó là do các NĐT trên thị trường rơi vào trạng thái “lạc quan hóa” mọi thông tin: Khi có quá nhiều người tử vong vì Covid-19 thì giới đầu tư càng mừng vì như thế dịch bệnh càng sớm đạt đỉnh. Khi các số liệu kinh tế tồi tệ được công bố, người thất nghiệp càng nhiều, giới đầu cơ càng vui như vậy Chính phủ và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) càng phải hành động mạnh tay hơn để ngăn khủng hoảng.
Đối với thị trường Việt Nam, tâm lý lạc quan thực tế chỉ xuất hiện sau khi thực hiện “cách ly xã hội”. Về mặt kinh tế đó là điều không tốt, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, nhưng thị trường lại nghĩ rằng các biện pháp mạnh như vậy sẽ giúp sớm khống chế dịch. VNIndex phục hồi xấp xỉ 20% chỉ trong vòng 14 phiên giao dịch, tốc độ tăng trưởng nhanh gấp gáp như vậy chỉ xuất hiện có 2 lần trong suốt 10 năm trở lại đây.
Kết quả kinh doanh quý I-2020 vừa công bố đã thể hiện bức tranh xỉn màu về tình hình hoạt động sản xuất. Đại đa số doanh nghiệp chịu mức sụt giảm lợi nhuận lớn, rất nhiều doanh nghiệp báo cáo lỗ. Hiện tượng bùng nổ của TTCK tháng 4 giữa thời điểm các rủi ro vĩ mô tăng cao chưa từng thấy, cũng thể hiện sự xung đột giữa hai trường phái đầu tư dài hạn và ngắn hạn.
Đối với các NĐT ngắn hạn, vận động của thị trường là tuyệt đối đúng, không có cổ phiếu tốt hay xấu, chỉ có cổ phiếu tăng hay giảm giá. Vì vậy dù doanh nghiệp lỗ hay thậm chí bên bờ vực phá sản vì cạn kiệt dòng tiền, giá cổ phiếu tăng thì đó vẫn là điều hợp lý. 
Lấy thí dụ cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines - lĩnh vực tiêu biểu nhất cho tác động của dịch Covid-19, mức thị trường “định giá” ngày 23-4-2020 – thời điểm HVN đạt đỉnh phục hồi - là 27.800 đồng/cổ phiếu, sau khi tăng 56,2% chỉ trong vòng 16 phiên giao dịch. Mức định giá này tương đương thời điểm tháng 5-2018. Khác biệt lớn nhất là quý I-2018 HVN báo lãi trước thuế hợp nhất 1.460 tỷ đồng, vận chuyển 5 triệu lượt khách với gần 33.000 chuyến bay. Trong khi đó quý I-2020 HVN lỗ trước thuế 2.589 tỷ đồng và gần 100/106 máy bay dừng hoạt động. 

Thị trường sẽ sớm “tỉnh mộng” để đối diện với thực tế?
TTCK chủ yếu vận hành dựa trên kỳ vọng, tức là NĐT không nhìn vào hiện tại mà nhìn tới tương lai, dự đoán tương lai để chấp nhận rủi ro hiện tại. Tuy vậy, phỏng đoán tương lai là việc làm không hề dễ dàng vì dựa trên quá nhiều giả định chủ quan. NĐT dài hạn thành công nhất thế giới là Warren Buffett trong đại hội cổ đông hồi cuối tháng 4 vừa qua cũng nói thẳng, chưa tìm thấy điều gì hấp dẫn trong thị trường lúc này, dù cả thế giới đều thừa nhận khả năng định giá doanh nghiệp của vị tỷ phú này. 
Trả lời câu hỏi vì sao TTCK tăng một cách hào hứng như vậy dù không thể tìm thấy một cơ sở nào, kể cả dự phóng tương lai để ủng hộ mức phục hồi hiện tại? Nhà kinh tế học từng đạt giải Nobel Paul Krugman cho rằng, TTCK đang thể hiện hiệu ứng của việc có quá nhiều tiền.
Việc Fed hạ lãi suất gần bằng không, liên tục đưa ra các gói cứu trợ hàng chục ngàn tỷ USD, thậm chí là mua trái phiếu của doanh nghiệp đã làm thị trường ngập tiền mặt. Chừng nào kinh tế còn chật vật vì dịch bệnh thì chính sách “tiền trực thăng” (hàm ý đem tiền mặt rải xuống đầu người dân) sẽ vẫn còn và TTCK tăng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên không thể đánh đồng tình trạng đó của thị trường với ý nghĩa phản ánh một nền kinh tế tăng trưởng lành mạnh.
TTCK Việt Nam không đến mức “ngập tiền mặt” bằng các gói cứu trợ giống như Mỹ. Tuy nhiên việc ép giảm lãi suất, thúc tăng trưởng tín dụng và mới đây nhất là đề xuất nới lỏng hạn mức tín dụng cho CK cũng sẽ tạo nên nguồn vốn giá rẻ dồi dào hơn. Việc nới lỏng tiền tệ khiến dòng tiền bằng cách này hay cách khác cũng sẽ chảy vào TTCK. 
Thị trường trong tháng 3-2020 cũng đón nhận một lượng NĐT mới rất lớn. Số tài khoản CK mở mới trong tháng này lên tới 32.140 tài khoản, mức kỷ lục chỉ sau thời điểm tháng 3-2018 với 41.505 tài khoản. Tháng 3-2018 cũng là thời điểm VNIndex đạt đỉnh cao nhất lịch sử tại mốc 1.204,33 điểm. Nhờ dòng tiền mới gia nhập này mà thị trường tăng mạnh trong tháng 4-2020, nhưng các tổ chức đầu tư lại bán bớt cổ phiếu để tăng lượng tiền mặt lên.
Chẳng hạn quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL), quỹ lớn nhất của Dragon Capital, trong tháng 4-2020 đã tăng tiền mặt lên 4,65%. Khối tự doanh các công ty CK, theo số liệu của FiinPro, cũng bán ròng liên tiếp với 3 tuần đầu tháng 4 đã vượt 1.000 tỷ đồng. Dòng vốn của NĐT nước ngoài trong tháng 4 rút khỏi 3 sàn HSX, HNX và UPCoM tới gần 6.700 tỷ đồng.
TTCK có thể đi trước, nhưng không thể đi quá xa khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như của cả nền kinh tế. Cho đến hiện tại, không một dự báo nào, dù là lạc quan nhất, có thể khẳng định mọi thứ sẽ quay trở về quỹ đạo tương đương mức trước khi xảy ra dịch bệnh ít nhất là trong năm 2020. Nếu những con số vĩ mô quá khó hiểu, điều đơn giản nhất là quan sát sự thay đổi ở những cửa hàng cửa hiệu vẫn còn đang trưng la liệt biển báo cho thuê, tạm dừng kinh doanh, hay chiêm nghiệm sự thay đổi trong cách tiêu dùng của mỗi cá nhân. 

Các tin khác