Bắt tay khai thác thị trường thanh toán

(ĐTTCO) - Hiện nay, các NH và công ty công nghệ tài chính đang chạy đua trong lĩnh vực thanh toán. Dù vậy, giữa 2 bên vẫn diễn ra hàng loạt hợp đồng hợp tác để tìm bệ phóng, nắm bắt thời cơ và tận dụng lợi thế của đối tác để thu hút khách hàng.
Fintech tìm bệ phóng
Từ tháng 9-2018, Ví Việt bắt đầu phát hành thẻ trả trước quốc tế vô danh phi vật lý (thẻ Pre-paid) với mức phí 0 đồng. Người dùng có thể sở hữu thẻ Pre-paid mà không cần mở tài khoản tại NH, không cần thực hiện ký quỹ và được tín chấp.
Thẻ trả trước trên Ví Việt được dùng để thanh toán trực tuyến trên các website thương mại điện tử tại Việt Nam và nước ngoài với giá cả thấp hơn, người sử dụng hoàn toàn không mất phí thanh toán. 
 Trong 5 năm trở lại đây, các NH đã đầu tư, phát triển, kết hợp với các công ty fintech để ứng dụng công nghệ hiện đại trong chuỗi sản phẩm dịch vụ. Với quy mô nhỏ, nhiều NH nhỏ hiện không đủ sức đầu tư vài triệu đến hàng tỷ USD để xây dựng hệ thống NH điện tử bài bản và chuyển hướng sang hợp tác với fintech để giải bài toán cạnh tranh.
Sở dĩ Ví Việt phát triển được sản phẩm này là dựa vào sự hỗ trợ của NH mẹ LienVietPostBank. Thẻ Pre-paid là thẻ không có thông tin về chủ thẻ phát hành trên hệ thống quản lý thẻ của LienVietPostBank. Chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi giá trị tiền được nạp vào thẻ, tương ứng với số tiền đã trả trước cho LienVietPostBank.
Tại Việt Nam, các giao dịch thẻ được thực hiện bằng VNĐ, còn ngoài lãnh thổ Việt Nam, giao dịch thẻ quốc tế thực hiện bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi và các đồng tiền khác được tổ chức thanh toán thẻ chấp nhận làm đồng tiền thanh toán trong giao dịch vãng lai theo quy định của pháp luật, với phí chuyển đổi ngoại tệ là 3%. Như vậy, với sự hỗ trợ từ NH mẹ, Ví Việt đã nâng tầm dịch vụ, tạo ra lợi thế riêng, đáp ứng thanh toán cho nhu cầu mua sắm trực tuyến với phạm vi trong lẫn ngoài nước.
Không có lợi thế trực thuộc NH như Ví Việt, nhưng để cạnh tranh các ví điện tử (VĐT) khác tìm bệ phóng thông qua các hợp đồng hợp tác chiến lược. Giữa tháng 8-2018, VĐT MoMo đã bắt tay với công ty tài chính tiêu dùng Home Credit Việt Nam, tích hợp ví Momo vào ứng dụng Home Credit. Khách hàng có thể thanh toán khoản vay bằng ví MoMo ngay trên ứng dụng quản lý khoản vay của Home Credit.
Thời điểm ký kết, Home Credit đã có trên 10 triệu hợp đồng tín dụng, tổng doanh số 6 tháng đầu năm là 16.700 tỷ đồng. Nhìn vào doanh số hàng ngàn tỷ của Home Credit, có thể thấy Momo sẽ hưởng lợi không nhỏ nếu khách hàng của công ty tài chính này chuyển từ thanh toán trực tiếp tại điểm thu hộ, sang thanh toán trực tiếp trên ứng dụng. 
Bắt tay khai thác thị trường thanh toán ảnh 1  Ảnh minh họa. 
Hay mới đây, ABBank đã hợp tác với CTCP 1Pay triển khai chính thức TrueMoney. Để sử dụng VĐT TrueMoney, khách hàng đáp ứng các điều kiện: phải có tài khoản thanh toán tại ABBank, đăng ký sử dụng dịch vụ SMS Banking hoặc Online Banking tại ABBank, đăng ký sử dụng VĐT TrueMoney và sở hữu thiết bị di động có kết nối internet và sử dụng hệ điều hành Android.
VĐT này có tính năng liên kết/hủy liên kết với tài khoản thanh toán mở tại ABBank qua kênh Online Banking và ứng dụng VĐT TrueMoney, nạp tiền từ tài khoản thanh toán mở tại ABBank đến VĐT và rút tiền từ ví về tài khoản NH. Có thể thấy, với sự hợp tác này, phía NH có thể hòa nhập sâu hơn vào hệ sinh thái thanh toán và cải thiện được nguồn thu phí dịch vụ. 

NH cũng tận dụng thời cơ
Theo các chuyên gia, các công ty fintech với sự linh hoạt trong hoạt động và giải pháp công nghệ có tính đột phá, đã thổi một luồng gió mới vào hoạt động của hệ thống tài chính - NH. Trước xu hướng đó, các NH cũng đã và đang định hình lại chiến lược kinh doanh tự đổi mới các dịch vụ truyền thống, đồng thời cũng đã bắt tay hợp tác với fintech để cung ứng một hoặc một số dịch vụ tiện ích, làm phong phú thêm các sản phẩm, dịch vụ. Xu thế hợp tác này ngày càng trở nên rõ nét trong vài năm gần đây bởi đó là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. 
Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc VietinBank nhận định, thanh toán là hoạt động phục vụ nhu cầu của người dân. Nhưng để phát triển thanh toán, NH không thể đứng một mình, mà cần có hệ sinh thái kết nối giữa NH với các đơn vị cung cấp dịch vụ: du lịch, y tế, viễn thông… Vì lý do đó, các NH muốn kết hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ để phát triển dịch vụ thanh toán.
Thực tế hiện nay kể cả các NH 100% vốn nước ngoài cũng không nằm ngoài xu hướng này. Đầu năm nay, HSBC Việt Nam đã phối hợp với CTCP Dịch vụ Trực tuyến Cộng Đồng Việt (VietUnion), triển khai dịch vụ thanh toán thẻ tín dụng qua các điểm thanh toán Payoo trên toàn quốc (gồm Circle K, Ministop, FamilyMart, Aeon Mall, GS25, Điện máy Pico, Điện máy HC, Mediamart, Hoàng Hà Mobile, Phương Tùng…).
Hợp tác này nhằm hỗ trợ khách hàng thanh toán bất kỳ lúc nào và 2 bên cũng hứa hẹn sẽ tiếp tục mở rộng triển khai dịch vụ đến 6.000 điểm thanh toán trên toàn quốc. Tương tự, khách hàng cũng có thể thanh toán thẻ tín dụng hoặc khoản vay tiêu dùng Standard Chartered tại hơn 2.200 điểm chấp nhận thanh toán qua Payoo.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào bức tranh chung, có thể nói đối tượng đứng trước yêu cầu bắt buộc phải bắt tay với các VĐT là các NHTMCP có quy mô nhỏ. Bởi các NH lớn tuy bắt tay với VĐT nhưng đây cũng chỉ là một kênh để sinh lợi cũng như tạo ra tiện lợi cho khách hàng. Trong khi đó, tâm điểm của các NH lớn vẫn là đầu tư tiền tỷ để xây dựng NH số tích hợp tất cả dịch vụ NH, bao gồm cả thanh toán để tự phục vụ. Còn các NH nhỏ mỏng vốn,  nên việc đầu tư NH số diễn ra rất chậm, thậm chí nhiều NH còn chưa tính đến việc này. 

Các tin khác