Bỏ ngỏ tiềm năng thương mại điện tử

(ĐTTCO) - Theo số liệu thống kê gần nhất, giá trị bán lẻ thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam đạt hơn 4 tỷ USD, tuy nhiên chỉ mới chiếm tỷ trọng gần 3% giá trị ngành bán lẻ. Điều này cho thấy, thị trường TMĐT rất tiềm năng nhưng cũng đầy khó khăn và cạnh tranh khốc liệt. 
 
Bỏ ngỏ tiềm năng thương mại điện tử
 Sôi động mua sắm cuối năm
Mùa mua sắm cuối năm đang đến, đây là dịp các công ty thương mại điện tử (TMĐT) cạnh tranh thu hút người mua hàng qua mạng. Như mọi năm, Lazada Việt Nam là đơn vị đầu tiên kích hoạt mùa mua sắm cuối năm. Với mục tiêu tăng gấp 5 lần doanh thu so với ngày thường, Lazada Việt Nam đem tới hơn 150.000 sản phẩm khuyến mại giá sốc kéo dài từ ngày 9 đến 11-11. Tất cả đơn hàng có khối lượng dưới 6kg đều được giao miễn phí trong những ngày này.
Bên cạnh đó, Lazada Việt Nam cũng đưa thêm 4 trung tâm xử lý đơn đặt hàng mới vào hoạt động nhằm giảm thiểu tình trạng nghẽn đơn hàng như những năm trước. Điểm đặc biệt trong năm nay là lần đầu tiên Lazada Việt Nam đưa ra chương trình giảm 50% chiết khấu cho người bán hàng trên nền tảng này. Chương trình cũng không công bố thời hạn ngừng áp dụng. Động thái hỗ trợ giao hàng và giảm chiết khấu của Lazada Việt Nam là nhằm đối phó với sự lớn mạnh của Shopee Việt Nam. 
 Những năm gần đây, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng ở thị trường TMĐT nhanh nhất thế giới, với tỷ lệ tăng hàng năm khoảng 35%, cao hơn gấp 2,5 lần Nhật Bản. Năm 2016, doanh số của thị trường TMĐT Việt Nam đạt 4 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng này, Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là thị trường màu mỡ để đầu tư TMĐT.
Theo khảo sát của Hiệp hội Internet Việt Nam
Không thua kém Lazada, lễ hội mua sắm trực tuyến 11-11 Shopee Super Sale kéo dài suốt 1 tháng trên toàn khu vực Đông Nam Á và lãnh thổ Đài Loan. Ở Việt Nam, 3 ngày đầu tiên (9 đến 11-11) của Shopee Super Sale cũng ghi nhận nhiều con số thú vị từ hành vi mua sắm của người tiêu dùng: Hơn 2 triệu lượt trao đổi giữa người mua và người bán đã diễn ra trên Shopee; Shopee Super Sale thu hút hơn 30.000 nhà bán hàng tham gia lễ hội mua sắm; 3 ngành hàng được quan tâm nhất là Chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, thời trang mẹ và bé. Dù mới gia nhập thị trường được 2 năm, nhưng Shopee Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng ấn tượng với nhiều chính sách hỗ trợ người bán và người mua.
Chẳng hạn, đối với người mua, đơn vị này hỗ trợ giao hàng miễn phí, không thu tiền thu phí hộ. Năm nay, Shopee Việt Nam cũng tham gia mùa khuyến mại cuối năm với hơn 100.000 sản phẩm, kỳ vọng tăng gấp 5 lần doanh số bán hàng so với ngày thường. Với việc Sea (công ty mẹ của Shopee Việt Nam) vừa IPO ở Hoa Kỳ thu về hơn 800 triệu USD, công ty này càng tự tin bước tiếp ở Việt Nam. 
Trước sức ép của DN ngoại, các đại diện của nhóm nội gồm Sendo.vn, Zalo.vn và Tiki.vn cũng có những động thái khác nhau. Trong khi Sendo.vn, Zalo.vn tương đối im ắng, thì Tiki.vn đã chuẩn bị 3.000 ưu đãi với mức giảm 50% qua hình thức flash sale, hỗ trợ giao hàng miễn phí cho các hóa đơn trên 111.000 đồng và giao hàng trong vòng 2 tiếng đồng hồ cho các đơn hàng trên 599.000 đồng.

Sức ép ngày càng lớn
Theo ông Pine Kyaw, Giám đốc Shopee Việt Nam, tiềm năng của thị trường TMĐT tại Việt Nam chính là dân số hiện đạt gần 100 triệu người, có tỷ lệ dân số trẻ cao và nhanh chóng thích ứng với những cái mới, cụ thể là các phương thức bán hàng online. Nghiên cứu mới đây của Google cũng đã chỉ ra Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có dân số kết nối trực tuyến hàng đầu châu Á với 52 triệu người kết nối trực tuyến.
Đáng chú ý, tỷ lệ dân số tiếp cận internet tại các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM đang gia tăng rất nhanh. Báo cáo từ Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, cũng cho biết mỗi người sử dụng internet tại Việt Nam bỏ ra số tiền trung bình 160USD/năm cho TMĐT.
Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng thị trường hàng năm của TMĐT Việt Nam đã đạt tới 22%, tỷ lệ tiếp cận TMĐT lên tới 28%. Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành TMĐT tại Việt Nam hiện nay, Hiệp hội TMĐT Việt Nam cho rằng trong 5 năm tới, quy mô thị trường có thể đạt 10 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng lên tới 30-50%/năm.
Tiềm năng của TMĐT tại Việt Nam đã rõ ràng, vì mọi giao dịch, thanh toán đều được thực hiện chủ yếu qua internet, nên nhà đầu tư cũng tránh được các chi phí như thuê mặt bằng, in ấn, giấy tờ. Các thông tin giảm giá, khuyến mại, mua hàng, đặt hàng đều tới thẳng tay người dùng, ít qua trung gian.
Đặc biệt, việc mua hàng trên các trang TMĐT sẽ không bị giới hạn không gian hay thời gian. Người dùng có thể mua hàng vào giữa đêm, rạng sáng, giờ nghỉ trưa. Hàng chuyển tới tận nhà, không cần mất công đi lại, giao dịch.
Dẫu vậy, chính người tiêu dùng vẫn còn e ngại khi mua hàng không được chọn tận tay, hoặc lo sợ về vấn đề bảo mật thông tin khi tham gia thanh toán trực tuyến. Lượng người dùng chuộng giao dịch trực tuyến đã tăng nhưng vẫn chưa cao bằng giao dịch tiền mặt. Bên cạnh đó, chất lượng kém so với quảng cáo cũng là trở ngại lớn, người dùng mua hàng luôn sợ bị lừa, hoặc không đúng với quảng cáo.
Cho đến nay, thói quen tiêu dùng của người Việt vẫn là thích sờ tận tay, xem chất lượng hàng như thế nào, hay phải thử có phù hợp không rồi mới quyết định mua. Do đó, đã có không ít DN TMĐT tại Việt Nam bị thất bại và dần bị thâu tóm bởi các DN khác đến từ nước ngoài. 

Các tin khác