Các ngân hàng Trung Quốc sẽ gánh lỗ vì 'bom nợ' của China Evergrande

(ĐTTCO) - Trong cuộc khủng hoảng nợ Evergrande, ưu tiên của Trung Quốc sẽ là bảo vệ người mua nhà. Các ngân hàng và công ty tài chính làm ăn với tập đoàn có thể chịu thiệt hại lớn.

Theo Nikkei Asian Review, China Evergrande - tập đoàn bất động sản nợ nần nhiều nhất thế giới - mắc nợ các ngân hàng, khách hàng, trái chủ, nhà cung cấp và nhà thầu 305 tỷ USD. Câu hỏi đặt ra là những đối tượng nào sẽ được thu lại tiền trước nếu Evergrande vỡ nợ.

Tập đoàn bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc đã trượt đến bờ vực sụp đổ. Giới quan sát nhận định các ngân hàng sẽ chịu thiệt hại lớn, dù chưa chắc chắn mức độ thiệt hại là bao nhiêu.

"Ưu tiên của các nhà chức trách sẽ là bảo vệ người mua nhà", Nikkei dẫn lời ông Wei He, nhà kinh tế học Trung Quốc tại Gavekal Dragonomics, nhận định. Họ là những người đã trả tiền trước cho China Evergrande nhưng chưa được giao nhà.

"Nếu các hộ gia đình mua nhà và những công ty xây dựng được bảo vệ, chính các tổ chức tài chính sẽ gánh thiệt hại", ông nói thêm.

Tap doan Evergrande anh 2

Evergrande hiện nợ hơn 300 tỷ USD. Tất cả đối tác từng làm ăn với công ty, bao gồm các nhà máy thép, công ty nội thất, ngân hàng, khách hàng và trái chủ, đều rơi vào tình thế khó khăn. Ảnh:Nikkei Asian Review.

Khoảng  nợ khổng lồ

Khoảng 800 dự án của Evergrande đang được xây dựng tại Trung Quốc. Người mua đã thanh toán hầu hết trong số đó. Hơn 50% dự án hiện bị dừng thi công vì tập đoàn không thể trả tiền cho nhà thầu.

Giá cổ phiếu của China Evergrande lao dốc 85% trong năm nay. Trái phiếu của tập đoàn được giao dịch ở mức 0,25 USD. Hôm 22-9, gã khổng lồ địa ốc bất ngờ thông báo sẽ thanh toán lãi suất trái phiếu đúng hạn vào ngày 23-9. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần rất nhỏ trong 850 triệu USD lãi suất trái phiếu coupon đến hạn năm nay.

Hôm 21-9, tỷ phú Hứa Gia Ấn - nhà sáng lập kiêm chủ tịch China Evergrande - khẳng định rằng công ty sẽ chịu trách nhiệm đầy đủ với khách hàng, nhà đầu tư và các bên cho vay.

"Tôi tin chắc rằng với sự nỗ lực và làm việc chăm chỉ của các bạn, Evergrande sẽ bước ra khỏi quãng thời gian khó khăn nhất và tiếp tục hoàn thiện những công trình càng sớm càng tốt", ông viết trong một bức thư gửi nhân viên.

Theo nguồn tin của Nikkei, các bên cho vay chính của China Evergrande đã chuẩn bị tiền để bù đắp những khoản lỗ tiềm tàng. Tập đoàn bất động sản nợ hơn 128 nhà băng và 121 tổ chức phi ngân hàng, theo một lá thư của China Evergrande viết cho chính quyền hồi năm ngoái.

Tap doan Evergrande anh 3

Trong khủng hoảng nợ của Evergrande, việc giải quyết vấn đề của các khách hàng mua nhà và nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể là ưu tiên hàng đầu của giới chức trách Trung Quốc. Ảnh:Reuters.

Ngoài Minsheng Bank, các nhà băng có thể chịu tổn thất lớn nhất nếu China Evergrande sụp đổ là Agricultural Bank of China, China Zheshang Bank, China Everbright Bank và China CITIC Bank.

Shenjing Bank - ngân hàng do Evergrande kiểm soát - cũng nằm trong số 10 ngân hàng mà tập đoàn vay nợ nhiều nhất.

Tính đến ngày 30-6-2020, khoản nợ của tập đoàn địa ốc với 10 nhà băng này đã lên đến 127 tỷ NDT (19,6 tỷ USD).

China Evergrande đã rơi vào tình trạng cạn kiệt tiền mặt. Thay vì trả tiền, tập đoàn phải thanh toán cho các chủ nợ thông qua giảm giá căn hộ, chỗ đỗ xe và mặt tiền cửa hàng.

Đến nay, các quan chức Trung Quốc vẫn chưa đưa ra bất cứ kế hoạch nào về gói cứu trợ hay giải pháp đối với khủng hoảng nợ của Evergrande. Họ cũng không bơm tiền ồ ạt như giai đoạn căng thẳng của thị trường bất động sản trước đây.

Bắc Kinh chỉ triệu tập các giám đốc điều hành của China Evergrande và thúc giục họ nhanh chóng cắt giảm nợ.

Các ngân hàng gánh thiệt hại

Tuần này, Reuters đưa tin Minsheng Bank, CITIC Bank và hai bên cho vay lớn khác của China Evergrande đã chuẩn bị gia hạn các khoản vay ngắn hạn của tập đoàn.

"Chúng tôi tin rằng các cơ quan quản lý có thể kéo dài thời gian để xử lý những khoản vay của China Evergrande, thông qua việc yêu cầu các ngân hàng không thu hồi khoản vay và kéo dài thời hạn trả lãi", nhà phân tích Zudy Zhang của Citigroup bình luận.

"Trong thời gian đó, China Evergrande sẽ thanh lý tài sản, tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược như những doanh nghiệp quốc doanh và tìm cách tái cơ cấu nợ", bà nhận xét.

"Thiệt hại cuối cùng sẽ được chia cho toàn hệ thống. Các tổ chức tài chính và nhà đầu tư có thể chịu lỗ", bà Zhang nói thêm.

Citigroup ước tính rằng khoản vay và trái phiếu của Evergrande chỉ tương đương 0,3% tài sản của hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, việc tập đoàn vỡ nợ sẽ làm tê liệt khả năng tiếp cận tín dụng của các công ty bất động sản khác và gây tổn hại cho toàn bộ hệ thống ngân hàng.

Theo Citigroup, 40,7% tài sản của các ngân hàng Trung Quốc liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến lĩnh vực bất động sản. Nếu giá nhà đất sụt giảm, chất lượng tài sản của nhà băng sẽ bị ảnh hưởng.

Citigroup ước tính 675 tỷ USD của 17 ngân hàng Trung Quốc liên quan đến các công ty bất động sản rủi ro, tương đương 4,8% vốn cấp 1 (vốn nòng cốt bao gồm vốn chủ sở hữu và lợi nhuận giữ lại). Minsheng Bank, Ping An Bank và Everbright Bank là những nhà băng dễ tổn thương nhất, với tỷ lệ lần lượt là 27,1%, 12% và 9,2% vốn cấp 1 trong năm 2020.

Một câu hỏi khác là hệ thống ngân hàng Trung Quốc đã chuẩn bị đầy đủ cho kịch bản số khoản nợ xấu tăng vọt hay chưa. Tính đến ngày 30-6, các ngân hàng thương mại đã trích lập 5.400 tỷ NDT dự phòng rủi ro cho vay, tăng 174,6 tỷ NDT so với quý I-2021.

Tap doan Evergrande anh 4

Hiệu ứng lan tỏa từ khủng hoảng nợ của Evergrande có thể gây tổn thương cho thị trường nhà ở Trung Quốc vốn đang giảm tốc, ảnh hưởng đến những công ty bất động sản khác. Ảnh:Nikkei Asian Review.

Theo ông Matthew Chow - nhà phân tích tại S&P Global Ratings, kể từ tháng 5, các nhà băng đã bắt đầu giảm tiếp xúc với China Evergrande trong bối cảnh thắt chặt thanh khoản và những thách thức mà tập đoàn phải đối mặt. Tuy nhiên, tuần này, S&P cũng cảnh báo về khả năng khủng hoảng lây lan.

Theo báo cáo được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc công bố hồi đầu tháng 9, tỷ lệ nợ xấu đối với các khoản vay của những công ty bất động sản và các khoản thế chấp đã tăng lần lượt 15 và 10 điểm phần trăm. Trong khi đó, tỷ lệ an toàn vốn (tỷ lệ vốn trên tài sản rủi ro) trung bình của 4.015 ngân hàng sẽ giảm từ 14,4% xuống 12,3%.

"Sự thất bại của China Evergrande có thể không khiến hệ thống ngân hàng Trung Quốc mất ổn định", S&P bình luận.

"Tuy nhiên, nếu nó kéo theo các vụ vỡ nợ của những công ty bất động sản khác, sử dụng đòn bẩy cao hơn, điều này sẽ trở thành một thách thức không nhỏ", cơ quan xếp hạng tín dụng cảnh báo.

Các tin khác