Các “ông lớn” tăng thu dịch vụ

(ĐTTCO) - Phát triển dịch vụ để chuyển đổi cơ cấu nguồn thu là xu hướng chung của ngành NH. Theo đó, các NH đã gặt hái được những kết quả tốt trong thời gian gần đây và hiện đang có xu hướng tăng tốc. Tuy nhiên, kết quả này chỉ thuộc về NHTM có quy mô lớn do có lợi thế thị phần.

Tấn công mảng bảo hiểm
NH số Timo vừa bắt tay Liberty Việt Nam, triển khai tính năng thanh toán online với sản phẩm bảo hiểm du lịch Liberty TravelCare. Khách hàng sở hữu thẻ và tài khoản Timo tại bất kỳ đâu cũng có thể dễ dàng mua sản phẩm bảo hiểm TravelCare qua ứng dụng, hoặc website của Timo bằng tài khoản của mình. Xu hướng NH hợp tác với bảo hiểm (bancassurance) này đang trở nên phổ biến và hầu như NH nào cũng tham gia, kể cả những NH nhỏ. 
Đơn cử, tháng 11-2018, Vietcapital Bank hợp tác chiến lược với Tổng CTCP Bảo hiểm Bảo Long cung cấp các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ, như bảo hiểm xe ô tô, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm hàng hóa, bảo hiểm con người… Theo Vietcapital Bank, thỏa thuận hợp tác giữa NH và bảo hiểm Bảo Long phù hợp với xu thế phát triển trong giai đoạn mới, tạo ra kênh phân phối dịch vụ tài chính - NH - bảo hiểm hiện đại, mang lại nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng 2 bên.
Mới đây Eximbank và công ty bảo hiểm phi nhân thọ 100% vốn nước ngoài của Nhật Bản là MSIG Việt Nam, ra mắt sản phẩm mới là hệ thống phần mềm quản lý hợp đồng bảo hiểm nhà tư nhân. Đại diện Eximbank cho hay hợp tác với MSIG Việt Nam do yêu cầu cấp thiết về phòng cháy chữa cháy đối với nhà tập thể, chung cư, các chủ hộ bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy, nổ. Để kiểm soát rủi ro với tài sản đảm bảo và tuân thủ theo các quy định và thông lệ quốc tế của Basel II, các NH đã bắt đầu áp dụng bảo hiểm cháy nổ với các tài sản thế chấp của mình.
Tuy nhiên, nhìn một cách thực tế, mục tiêu chính của các NH khi bắt tay bảo hiểm vẫn là để tăng thu dịch vụ, vì kênh này đang mang lại nguồn lợi nhuận rất đáng kể. Chẳng hạn tại MB, trong 9 tháng 2018, nhờ đẩy mạnh hoạt động công ty bảo hiểm nhân thọ của MB Ageas Life, thu nhập từ bảo hiểm đã tăng mạnh đến 220,6% so với cùng kỳ, đóng góp vào tăng trưởng vượt trội của thu nhập dịch vụ. Cụ thể, lãi từ dịch vụ của MB tăng mạnh từ 1.035 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái lên 1.688 tỷ đồng trong năm nay, chủ yếu nhờ khoản thu đột biến từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm 860 tỷ đồng.
Tại TPBank, bancassurance cũng đã mang về khoảng 20 tỷ đồng mỗi tháng. 
Tương tự, chỉ 6 tháng đầu năm 2018, đã có 70.000 khách hàng cá nhân đã được VPBank tiếp cận và chào bán thành công, đưa doanh số phí bảo hiểm đạt gần 300 tỷ đồng, đóng góp gần 130 tỷ đồng thu phí cho hoạt động của NH bán lẻ và gần 45% vào nguồn thu phí dịch vụ của NH bán lẻ.
Các “ông lớn” tăng thu dịch vụ ảnh 1 Lợi thế của bộ 3 HDBank, HDSaison và VietJet. 
Đẩy mạnh mảng thanh toán
 Để hiện thực chuyển đổi cơ cấu nguồn thu, ngoài đẩy mạnh mảng bancassurance, các NH ngày càng chú trọng đầu tư các giải pháp tài chính, sản phẩm phái sinh, thu hộ, chi hộ, đặc biệt là mảng thanh toán. Bởi phát triển mảng thanh toán, nhất là thanh toán không dùng tiền mặt, đang giúp NH có được nhiều lợi thế. Khi người dân để tiền trong thẻ để thanh toán càng nhiều, NH huy động được lượng vốn không kỳ hạn lớn với chi phí thấp hơn.
Từ đó, NH có điều kiện cho vay các tổ chức, doanh nghiệp với lãi suất thấp hơn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đồng thời, nguồn thu phí dịch vụ do mảng thanh toán mang lại lớn nhờ sự tăng trưởng cao của phí giao dịch, thẻ tín dụng và NH số… 
Ghi nhận từ các NH chỉ nửa đầu năm, BIDV thu ròng từ mảng dịch vụ thanh toán với lãi thuần 1.721 tỷ đồng, tăng 22%. Vietcombank qua 9 tháng lãi từ dịch vụ hơn 2.600 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ, trong đó đóng góp chính là dịch vụ thanh toán. Dịch vụ thanh toán và tiền mặt MB cũng tăng trưởng 36%, lãi 468 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của SCB tính đến cuối tháng 9-2018 đạt 575 tỷ đồng, trong đó mảng thu dịch vụ thanh toán quốc tế, thẻ quốc tế và bảo hiểm, chiếm 64%. Bên cạnh đó, nhiều NH có xu hướng tăng cường các giải pháp tài chính, sản phẩm phái sinh, thu hộ, chi hộ… để gia tăng tỷ lệ nguồn thu từ dịch vụ.
Theo báo cáo về tiềm năng thu nhập dịch vụ của các NH, năm 2018 ACB đã tăng cường cung cấp dịch vụ trong nhiều hoạt động như giao dịch, thanh toán, đại lý bảo hiểm, bảo lãnh, môi giới chứng khoán và các dịch vụ khác. ACB cũng đang đầu tư 30-35 triệu USD/năm cho dự án NH tương lai sẽ triển khai trong giai đoạn 2020-2024; sử dụng công nghệ và dữ liệu lớn (big data) để củng cố các hoạt động trong lĩnh vực NH bán lẻ, bao gồm việc triển khai lắp đặt mạng lưới máy nạp tiền tự động.
Vietcombank sẽ chính thức triển khai hệ thống NH lõi mới từ năm 2019, với kỳ vọng phục vụ tốt hơn các khách hàng thuộc phân khúc bán lẻ. Tương tự, BIDV đang có kế hoạch nâng cấp hệ thống lõi, kỳ vọng thu nhập dịch vụ sẽ tăng trưởng nhanh hơn sau khi NH hoàn thiện dự án này.

Nỗi lo tăng phí
Với sự đầu tư của nhiều NH, dự báo tăng trưởng thu nhập dịch vụ của các NHTM sẽ ở mức 20-30%/năm từ nay đến năm 2022, tỷ trọng của thu nhập phí trên tổng thu nhập hoạt động tăng từ 8% năm 2017 lên 13% vào năm 2022. Các nguồn thu nhập dịch vụ chính bao gồm thu nhập từ thanh toán và bancassurance.
Nhiều NH sẽ có mức tăng rất lớn như thu nhập dịch vụ của HDBank sẽ tăng 164% trong năm 2018, do tăng trưởng nửa đầu năm đã lên đến 221% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự nhảy vọt này do HDBank và HD Saison đẩy mạnh hoạt động bán bảo hiểm và vé máy bay cho khách hàng của Vietjet.
Một chuyên gia tài chính nhận định, lợi nhuận NHTM được đóng góp lớn từ tỷ trọng doanh thu mảng dịch vụ, thay vì phụ thuộc vào chênh lệch lãi suất tiền gửi cho vay, sẽ giúp hoạt động của ngành NH lành mạnh hơn. Điều này càng trở nên quan trọng hơn với các NH khi NHNN đang có xu hướng thắt chặt tiền tệ kể từ nửa sau năm 2018. Tuy nhiên, lợi thế này cũng chỉ mới nằm trong tay các NH lớn. Năm 2018, nguồn thu dịch vụ một số NH tăng đáng kể, nhưng với NH nhỏ có thị phần rất thấp, thu dịch vụ chỉ chiếm 10-15% tổng nguồn thu. 
Điều quan tâm hiện nay là việc NH thúc đẩy tăng trưởng bằng dịch vụ đã gây ra tâm lý lo lắng cho khách hàng. Vì để đạt thành tích thu dịch vụ, các NH không chỉ áp dụng nhiều loại phí, mà luôn nhăm nhe tăng phí. Mặc dù nhà băng không phạm luật do các khoản phí đều nằm trong sự cho phép của NHNN, nhưng rất nhiều khoản phí ở nước ngoài hiện không áp dụng như phí phát hành thẻ, sao kê, chuyển tiền cùng NH… vẫn được các NH tận thu.
Đây là nguyên nhân dẫn đến phản ứng gay gắt của khách hàng khi NH thông báo tăng phí dịch vụ trong thời gian qua. Tuy nhiên, nhiều NH vẫn âm thầm điều chỉnh tăng phí dịch vụ thay vì công bố rộng rãi.

Các tin khác