Cẩn trọng bẫy vay tiền nhanh online

(ĐTTCO)-Đánh vào nhu cầu cần tiền cuối năm, các hình thức cho vay bất hợp pháp gia tăng hoạt động cũng như đẩy lãi vay lên mức “cắt cổ”.
Người dân thận trọng khi vay qua app, online
Người dân thận trọng khi vay qua app, online

Lãi cao, phí đắt

Chị Trần Loan (thuê trọ gần chợ Trần Hữu Trang, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều người bị giảm thu nhập, nên vay mượn lẫn nhau tăng lên. Mức lãi vay mượn trong các khu dân cư, còn gọi là “giúp đỡ” phổ biến từ 5 - 7%/tháng, tương đương 72%/năm đối với những khoản vay từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Còn vay “nóng” qua điện thoại hay online thì lãi cao ngất.

Theo quảng cáo cho vay trên mạng “nhận tiền ngay trong ngày”, chúng tôi điện thoại cho người tên Tân (TP.HCM) hỏi vay 50 triệu đồng thì trừ phí 5%, trả góp đứng mỗi ngày 2 triệu đồng trong vòng 30 ngày, đóng trước 1 ngày, nên số tiền nhận được còn 45,5 triệu đồng. Như vậy, cả lãi và phí trả lên đến 14,5 triệu đồng, tương đương lãi suất gần 32%/tháng, gần 384%/năm.

Hiện nay, trên nhiều mạng xã hội và các dịch vụ trực tuyến khác, tình trạng quảng cáo cho vay như trên đang rất phổ biến. Mặc dù không đăng ký vay nhưng hộp thư điện tử của chị Thanh Hà (Q.3, TP.HCM) hằng ngày đều nhận được 2 - 3 email thông báo “đã được phê duyệt khoản vay”, điển hình là của các trang như… tien-vay.com, heyvnd.com.

Ban đầu số tiền mà heyvnd.com mời chào là 5 triệu đồng, nay tăng lên 9 triệu đồng vì chị Thanh Hà được xếp hạng tín dụng tốt (!?). Tìm hiểu thêm, trang này cho vay thời hạn thanh toán tối thiểu 4 tháng và tối đa 6 tháng. Lãi vay dao động từ 0 - 30%/năm, nhưng nếu quá hạn sẽ thu phí, lãi và nợ quá hạn riêng.

Một trang web khác là Tamo rao lãi suất cho vay từ 12 - 20%/năm, nhưng nhìn vào ví dụ tính lãi và phí cao hơn rất nhiều. Chẳng hạn người vay 2 triệu đồng trong 90 ngày, lãi và phí phải trả là 1,38 triệu đồng. Như vậy, tổng số tiền phải thanh toán sau thời gian vay 3 tháng là 3,38 triệu đồng, nghĩa là lãi và phí tương ứng 69% trong 3 tháng.

Hầu như các trang cho vay online đưa ra mức lãi suất cho vay khá thấp hoặc 0%, phần thu phí cao để tránh quy định của pháp luật về lãi suất tín dụng đen. Thế nhưng, ai “dính” vào những trang này thì khó có thể thoát ra được. Trường hợp của nữ sinh viên năm 2 Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM mới đây là điển hình. Nữ sinh này làm mất tiền đóng học phí 10 triệu đồng, liền vay tiền qua các ứng dụng trên mạng. Sau 1 năm lãi mẹ đẻ lãi con lên đến 300 triệu đồng.

Nhiều vụ cho vay tín dụng đen bị phát hiện

Theo thông tin từ Bộ Công an, hiện toàn quốc có 26.942 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Từ đầu năm 2020 đến nay, công an các địa phương đã cấp mới 2.436, thu hồi 175 giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự để kinh doanh dịch vụ cầm đồ, phát hiện 2.736 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính số tiền 7,728 tỉ đồng. Qua công tác nghiệp vụ, công an các địa phương đã rà soát, phát hiện 6.664 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ; 540 cơ sở kinh doanh tài chính; 3.667 cá nhân có biểu hiện hoạt động cho vay lãi suất cao.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng VN, nhận xét những hình thức cho vay thời gian gần đây biến tướng qua các hình thức online, app. Quảng cáo lãi vay thấp nhưng thực chất là thu phí cao. Gần đây xuất hiện những hình thức lừa đảo qua cho vay bằng chiêu thức đóng phí rồi mới nhận được tiền giải ngân, đến khi đóng xong phí thì kẻ lừa đảo cũng mất tăm. Người dân đã không vay được tiền lại còn bị mất tiền.

Các tin khác