Cẩn trọng rủi ro nới room tín dụng

(ĐTTCO) - Việc nới room tín dụng cho các NHTM được coi là động thái của NHNN trong việc hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế trước tác động bất lợi của đại dịch Covid-19, song song với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách tiền tệ khác. Tuy nhiên, nới room tín dụng trong thời điểm này cũng có một số vấn đề cần nhận diện để tránh rủi ro.

Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
Vốn nhiều, lo NH nới nhẹ chuẩn tín dụng
Trong văn bản chấp thuận hạn mức tăng trưởng tín dụng mới, NHNN cho một số NH được điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng cả năm lên đến 17%, tăng 3,5-5,5% so với mức được cấp ban đầu.
Đây là những NH đã đáp ứng tốt chuẩn Basel II, một số đã bước sang lộ trình Basel III, đồng thời nằm trong nhóm tiên phong trong việc giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế.
Tuy nhiên, đi kèm với mở rộng tín dụng, NHNN yêu cầu các NH tập trung tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Các NH cũng phải kiểm soát chặt chẽ và hạn chế cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán; tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng, kiểm soát chặt cho vay ngoại tệ... 
Thực tế, hoạt động cấp tín dụng của các NH đang bị ảnh hưởng bởi 2 yếu tố chính là nguồn vốn huy động và các quy định cho cấp tín dụng. Lãi suất tiền gửi của các NH giảm trong năm 2020 và ở mức thấp trong những tháng đầu năm 2021, khiến họ có thể bị cạnh tranh nguồn vốn với một số kênh đầu tư khác.
Tuy nhiên, xét về thực lực, nguồn vốn huy động tại các NH vẫn đáp ứng đủ cầu tín dụng. Khi được nới room, tín dụng toàn hệ thống kỳ vọng tăng nhanh hơn, trong bối cảnh các DN đang dần thích nghi với hoạt động trong thời điểm hiện nay và kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch, khả năng chịu đựng các cú sốc của DN và cả NH cũng trở trên tốt hơn trong tình hình mới.
Thật ra số liệu thống kê về nợ xấu của các NH năm 2020 vẫn ở mức thấp, bình quân 2,1%, nhiều NH có tỷ lệ nợ xấu công bố dưới 2%, không phản ánh hết bản chất các khoản nợ xấu đang tồn đọng.
Theo Thông tư 03/2021 của NHNN sửa đổi bổ sung Thông tư 01/2020, các NH không phải áp dụng nguyên tắc điều chỉnh, phân loại lại vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn cho các khoản nợ đến hạn thanh toán từ ngày 23-1-2020 đến ngày 31-12-2021, đối với khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Vì thế, đến hết năm 2021 sẽ có rất nhiều khoản nợ được cơ cấu lại vẫn là nợ đủ tiêu chuẩn. Trong khi các NH vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong thu hồi nợ, nhất là khi hết thời hạn được tính toán theo quy định của Thông tư 03.
Như vậy, khi được nới room tín dụng, NH có khả năng để mở rộng cho vay, trong khi nhiều DN đang gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19 nên khó đáp ứng đầy đủ quy định cho vay của NH. Điều này có thể dẫn đến việc những khoản vay được nới nhẹ tiêu chuẩn tín dụng và tiềm ẩn những rủi ro trong hoạt động của các NH.
Thực tế, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của DN hiện nay phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng kiểm soát dịch bệnh của thế giới, sự hợp tác quốc tế trong điều kiện phòng chống dịch, mức độ khôi phục kinh tế của các nước và hiệu quả của các gói hỗ trợ trong nước. Vì vậy, các NH càng thận trọng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay.
Hậu nới room, NHTM và DN cần làm gì?
Trong tình hình hiện nay, nhiều khoản vay dưới chuẩn vẫn không bị phân loại nợ lại theo quy định của Thông tư 01/2020 và Thông tư 03/2021 của NHNN, nhưng các NH cần đặc biệt lưu ý đến các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ này. Thông tư 03 cho phép kéo dài thời gian thực hiện cơ cấu lại nhóm nợ đến 31-12-2021 nhưng khi dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát tốt, khả năng hoạt động của DN vẫn còn rất nhiều bất lợi chưa lường hết được.
Do đó, NH cần đánh giá các khoản vay mới không chỉ dựa trên nhu cầu vốn cho phương án sản xuất kinh doanh, tài sản đảm bảo, còn phải xem xét về luân chuyển hàng hóa và dòng tiền của DN. Ngoài ra, việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tại NH nên chủ động tính toán cho những khoản vay là nợ xấu tiềm ẩn đang được thực hiện theo Thông tư 03. 
Các NH cũng cần tính toán phương án hạ lãi suất cho vay, tập trung cấp tín dụng đối với 5 ngành nghề ưu tiên theo Thông tư 39/2016 của NHNN, nhưng không hạ chuẩn cho vay. Một mặt góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh cho DN, mặt khác đảm bảo tập trung nguồn vốn hiệu quả để quản lý rủi ro, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống. Đó là bài toán đặt ra cho ngành NH trong tình hình mới.
Để có thể tiếp cận vốn vay từ NH, các DN trước hết vẫn phải đảm bảo các điều kiện vay vốn theo Thông tư 39/2016, đặc biệt là điều kiện về phương án sử dụng vốn khả thi và tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh. Trong thời gian này, các DN cũng cần nhanh chóng nắm bắt những chính sách hỗ trợ, hoàn tất các thủ tục nhằm thuận lợi trong các giao dịch liên quan đến tình hình tài chính của DN.
Trong các chính sách cho vay, nhiều NH đang tập trung cho hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng. Các DN nên tìm hiểu vì khả năng tiếp cận vốn NH sẽ dễ dàng hơn do NH có thể kiểm soát được đầu vào đầu ra và các đối tác của DN. Đó là giải pháp để NH và DN sản xuất kinh doanh “gặp nhau” trong vấn đề tiếp cận vốn. 
Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến bất lợi tại TPHCM và các tỉnh phía Nam, nơi tập trung nhiều DN sản xuất, việc thiếu vốn gây đứt gãy chuỗi sản xuất và tiêu thụ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, cần có những chính sách phù hợp hơn để hỗ trợ.
Vì vậy, NHNN cũng nên linh hoạt xem xét kéo dài thời hạn cơ cấu lại nợ cho các DN bị ảnh hưởng tùy theo tình hình thực tế, có thể sang đến năm 2022, tạo điều kiện ưu đãi về lãi suất cho vay để các DN đảm bảo an toàn và ổn định đời sống người lao động, từ đó ổn định sản xuất trong tình hình hình mới.

Các tin khác