Cạnh tranh dịch vụ số thời Covid-19

(ĐTTCO)-Xu hướng cạnh tranh trong lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) và kênh NH điện tử đang được đẩy mạnh, dự báo sẽ khốc liệt hơn trong thời gian tới khi các NHTM đều hướng tới phát triển dịch vụ số. Nhưng để chuyển hướng thói quen của khách hàng, an toàn bảo mật và hỗ trợ khách hàng tốt nhất khi có rủi ro sự cố, là vấn đề đòi hỏi cần được cam kết.
Cạnh tranh dịch vụ số thời Covid-19
Thúc đẩy dịch vụ tài chính số
Tại Hội nghị triển khai các giải pháp tín dụng NH, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 gây ra, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, cho biết để giảm rủi ro lây nhiễm của dịch bệnh, NHNN đã chỉ đạo NH các tỉnh, thành phố tính toán đưa tiền mới vào lưu thông.
Đồng thời, NHNN khuyến cáo người dân hạn chế dùng tiền mặt, hạn chế tiếp xúc, đến chỗ đông người, tăng cường sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến để giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh. 
Ngay sau đó, sự cạnh tranh trong giao dịch trực tuyến nhằm tránh dịch bệnh đã bùng nổ tại các NHTM và đơn vị trung gian thanh toán. Nhân viên một NHTMCP cho biết, các NH đang có xu hướng chuyển sang khuyến mại lớn đối với hình thức tiết kiệm trực tuyến để những người có nhu cầu gửi tiết kiệm có thể lựa chọn giao dịch an toàn trong mùa dịch bệnh.
Một số NH miễn 100% phí cho khách hàng cá nhân và 50% đối với khách hàng doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch trực tuyến. Nhiều cửa hàng mua sắm cũng khuyến khích khách hàng thanh toán bằng QR Pay trên ứng dụng Mobile Banking của các NH hoặc ví điện tử để hưởng các khuyến mại đặc biệt.
Hiện SCB đang khuyến khích khách hàng giao dịch tại nhà, không cần đến quầy giao dịch, để hạn chế tiếp xúc nơi đông người. Theo đó, SCB sẽ cấp sổ tiết kiệm online tích hợp mã QR qua email với lãi suất cao 8,76 %/năm. SeABank miễn 100% các loại phí trên Internet Banking và ứng dụng SeAMobile, bao gồm phí chuyển tiền trên toàn quốc và phí sử dụng (thường niên).
Một số NH lớn trong nhóm Big 4 cũng mạnh tay cạnh tranh trong dịp này. BIDV dành 2,46 tỷ đồng thực hiện hoàn 100% phí giao dịch trên kênh NH điện tử cho khách hàng mới đến hết tháng 4-2020; gửi tiết kiệm trên NH điện tử sẽ được cộng thêm lãi suất 0,2%/năm so với gửi tại quầy. VietinBank cộng thêm lãi suất đến 0,3%/năm so với trần lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm VNĐ tại quầy khi gửi tiết kiệm online. 
Các ví điện tử cũng không đứng ngoài cuộc. Ví MoMo đã sớm khuyến cáo khách hàng hạn chế sử dụng tiền mặt, ưu tiên chọn lựa các phương thức, kênh thanh toán điện tử để hạn chế tối đa các nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh, phòng chống Covid-19 kèm theo nhiều khuyến mại.
ZaloPay khuyến khích khách hàng thanh toán các tiện ích hàng ngày chỉ với một chạm trên màn hình điện thoại và chuyển tiền qua Zalo Chat. Thanh toán tiền điện trên Zalo Pay còn có cơ hội nhận hoàn tiền lên đến 5 triệu đồng, đặt vé máy bay nội địa hoàn tiền 60.000 đồng.
Với ViettelPay, thực hiện mọi giao dịch thanh toán trong ngày vàng (thứ 7 và chủ nhật mỗi tuần) được hoàn tiền tới 50% giá trị giao dịch và nhận voucher giảm 50% giá trị giao dịch.

Tránh dịch bện nhưng cần an toàn
 Tâm lý của khách hàng lúc này là giao dịch an toàn cho sức khỏe nhưng liệu có an toàn cho tài khoản của mình, nhất là khi công nghệ ngày càng phát triển cũng đi kèm với tội phạm công nghệ ngày càng trở nên tinh vi. 
Theo ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch, đồng sáng lập Ví MoMo, tiền mặt được các nhà khoa học kiểm chứng cho thấy chứa rất nhiều chủng loại vi khuẩn/virus có thể lây truyền qua việc tiếp xúc bằng tay. Virus nCoV lây lan qua những tiếp xúc thông thường, do đó tiền mặt có khả năng trở thành ổ bệnh nếu chẳng may có người dính và truyền virus vào tiền thông qua tiếp xúc.
Vì vậy, Ví MoMo khuyến cáo người dùng nên chuyển sang các giao dịch điện tử để hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với tiền mặt.
Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng Giám đốc ABBANK, chia sẻ NH đã triển khai công tác trao đổi, khuyến khích khách hàng tăng cường sử dụng các dịch vụ NH điện tử, nộp thuế điện tử, nộp thuế hải quan điện tử 24/7, giao dịch qua fax… đồng thời giảm thiểu các giao dịch trực tiếp trong thời gian này. 
Có thể thấy, trong bối cảnh dịch bệnh do virus nCoV đang gây lo ngại đến sức khỏe cho khách hàng, giao dịch tài chính online trở thành phương tiện tối ưu. Phương thức giao dịch này vừa mang lại sự nhanh chóng, tiện lợi, vừa tránh được các nguy cơ nhiễm dịch bệnh vì không cần di chuyển đến NH vẫn có thể thực hiện được các giao dịch tài chính. 
Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng TTKDTM đã được triển khai khá lâu nhưng vẫn chưa thay đổi được thói quen của người dùng. Do vậy, việc các NH và ví điện tử tích cực triển khai các ưu đãi trên chỉ tăng thêm công cụ thúc đẩy thói quen này, chưa thể khiến TTKDTM trở thành xu hướng đại trà, nhất là đối với khách hàng cá nhân.
Bởi rất nhiều người dùng có tâm lý lo lắng giao dịch an toàn cho sức khỏe nhưng liệu có an toàn cho tài khoản của mình, nhất là khi công nghệ ngày càng phát triển cũng đi kèm với tội phạm công nghệ ngày càng trở nên tinh vi. Những ngày qua các NH thường xuyên gửi email cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo trên kênh giao dịch trực tuyến. Chính vì vậy, người dùng cũng có những băn khoăn nhất định về dịch vụ NH trực tuyến hay TTKDTM. 
Trong bối cảnh đòi hỏi về quyền lợi của người tiêu dùng tài chính tăng, các NH muốn thúc đẩy giao dịch điện tử cần phải tăng cường giám sát giao dịch, đảm bảo an toàn hệ thống, kiểm soát rủi ro, bảo mật thông tin khách hàng, bảo mật an ninh trong giao dịch trực tuyến.
Bởi lẽ, những rủi ro mất tiền cho khách hàng khi giao dịch trực tuyến, hay trường hợp NH bị lỗi mạng khiến khách hàng bị trừ tiền nhưng không thanh toán được vẫn thường xuyên xảy ra. Do đó, để tạo được niềm tin, NH phải có những cam kết hỗ trợ, xử lý phù hợp hơn trong những trường hợp rủi ro xảy ra không đến từ lỗi của khách hàng.
Như vậy, giao dịch điện tử hay TTKDTM mới có thể phổ biến đại trà, còn chạy đua tung ra các khuyến mại trong mùa dịch chưa thể tác động mạnh đến thói quen dùng tiền mặt của người dân. 

Các tin khác