Cạnh tranh huy động vốn không kỳ hạn

(ĐTTCO)-Trong bối cảnh nhiều ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) đua huy động kỳ hạn dài bằng lãi suất cao, một số NHTM có vốn nhà nước lại định hướng tìm nguồn vốn giá rẻ từ tiền gửi không kỳ hạn để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, hiện nay vị thế tỷ lệ vốn không kỳ hạn trong tổng huy động (CASA) đã có sự thay đổi, khi những NHTM có vốn nhà nước đang chịu sự cạnh tranh của các NHTMCP.
Chiến lược hút vốn không kỳ hạn của Techcombank là phát triển thẻ ghi nợ nhưng giảm nhiều loại phí để giữ chân khách hàng bỏ tiền vào thẻ.
Chiến lược hút vốn không kỳ hạn của Techcombank là phát triển thẻ ghi nợ nhưng giảm nhiều loại phí để giữ chân khách hàng bỏ tiền vào thẻ.
Nỗ lực của NHTMCP
Thông tin được công bố từ Techcombank cho thấy, 6 tháng đầu năm 2019, NH này vẫn duy trì được tỷ lệ lãi cận biên (NIM) tốt, đạt mức 4,2% (cao hơn mức trung bình 3,3% của toàn ngành).
Theo lãnh đạo Techcombank, tỷ lệ NIM này được duy trì nhờ tập trung chuyển dịch sang cho vay bán lẻ, đặc biệt chú trọng phát triển theo các chuỗi giá trị để nâng cao tỷ lệ CASA, qua đó giảm dần chi phí vốn cho NH. Số liệu cho thấy huy động vốn trong 3 năm qua chỉ tăng trưởng khoảng 8%, nhưng CASA tăng trưởng cao hơn, đẩy tỷ trọng CASA trong tổng huy động tăng từ 22,7% lên mức 30,4% trong 6 tháng đầu năm 2019. 
Trước đây, lợi thế huy động tiền gửi không kỳ hạn thuộc về các NHTM có vốn nhà nước, do có được nguồn tiền gửi dồi dào từ các tập đoàn, tổng công ty lớn. Những năm gần đây, một số NHTMCP quy mô lớn bắt đầu quan tâm hơn đến việc huy động tiền gửi không kỳ hạn để giải tỏa áp lực phải giữ lãi suất cạnh tranh so với các nhà băng khác và dần vươn lên đầu bảng về tỷ lệ CASA.
Năm 2018, CASA toàn ngành có sự suy giảm nhẹ từ mức 18,7% đầu năm về 18,2% vào cuối năm. Tuy nhiên, MB vẫn giữ được mức CASA cao nhất với 33,5%. Theo sau là NH sở hữu cơ cấu tiền gửi mạnh Vietcombank với CASA giữ ổn định quanh trên mức 28%, và Techcombank với tỷ lệ 27%. 
Đến cuối quý II-2019, xét về lượng tiền gửi không kỳ hạn, Vietcombank vẫn đứng đầu hệ thống với lượng tiền gửi bao gồm cả VNĐ và ngoại tệ đạt 239.500 tỷ đồng, tăng 5,5% so với đầu năm. Vị trí thứ 2 thuộc về BIDV với 152.000 tỷ đồng, kế đó là Vietinbank với 121.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, xét về tỷ lệ CASA, Vietcombank với mức 27,49% lại xếp sau cả Techcombank. Trong khi đó, MB vẫn giữ vị trí đầu bảng với mức 33%. Nhóm sau gồm TPBank với 17,16% và ACB với 16,6%. Trong khi đó, BIDV và Vietinbank có mạng lưới chi nhánh rộng lớn và hút tiền gửi lớn nhất trong hệ thống, lại không phải là NH có lượng tiền gửi không kỳ hạn lớn nhất. CASA của 2 NH này lần lượt ở mức 14,34% và 14,37%.

Những chiến lược hút vốn
 Khi khách hàng có niềm tin để gia tăng lượng giao dịch bằng thẻ hoặc kênh trực tuyến thay cho tiền mặt, số dư tiền gửi không kỳ hạn mới gia tăng một cách bền vững.
Tăng trưởng CASA giúp NH có lợi thế lớn trong việc giảm chi phí huy động vốn. Đơn cử, mức tăng trưởng CASA lên đến 68% của Techcombank, đã giúp NH tối ưu hơn 700 tỷ đồng chi phí huy động trong suốt 6 tháng 2019. Nhưng để đạt được lợi thế này, các NH đều phải thực thi chiến lược phù hợp.
Nếu Vietcombank có tỷ trọng CASA cao nhờ quy mô khách hàng lớn, thì MB khai thác lợi thế đặc biệt từ lượng khách hàng tổ chức lớn thuộc quân đội, thông qua đó phát triển các sản phẩm như dịch vụ trả lương cho Viettel, hay thu thuế cho Cục Hải quan và Kho bạc Nhà nước.
Về phía Techcombank, CASA tăng mạnh nhờ số lượng thẻ ghi nợ trong 6 tháng tăng 28% so với cùng kỳ, số lượng thẻ tín dụng tăng 43%. Tổng giá trị giao dịch thanh toán thẻ tín dụng tăng trên 80%, đạt 13.000 tỷ đồng, thẻ ghi nợ đạt trên 60% so với cùng kỳ đạt 23.000 tỷ đồng.
Điểm nhấn thu hút khách hàng cá nhân của NH này thường được nhắc đến là miễn nhiều loại phí giao dịch, cộng với chương trình hoàn tiền 1% không giới hạn cho khách hàng dùng thẻ ghi nợ thanh toán. 
Lãnh đạo Techcombank cũng cho biết, những chính sách này đã giúp tỷ lệ giao dịch rút tiền mặt trên thẻ ghi nợ giảm từ 89% còn 80%, trong khi tỷ lệ này đối với thẻ ghi nợ trên thị trường là 95%. NH này còn tập trung vào số hóa, chuyển dịch khách hàng giao dịch từ kênh vật lý sang kênh online.
Cuối tháng 6-2019, Techcombank đạt 2 triệu khách hàng giao dịch trên kênh trực tuyến, giá trị giao dịch tăng 3 lần so với cùng kỳ, dẫn đến tăng trưởng ấn tượng tiền gửi không kỳ hạn CASA trong bán lẻ với mức tăng trưởng 68%.

Cuộc đua tiếp tục nóng
Trong bối cảnh hiện nay, để giảm lãi suất cho vay nhưng vẫn có lãi, các NH phải hạ thấp các chi phí huy động và hoạt động. Báo cáo tài chính của các NH những năm gần đây cho thấy, chi phí hoạt động của nhiều NH được tiết giảm mạnh, nhưng lãi suất cho vay vẫn chưa thể giảm xuống do chi phí huy động cao.
Bài toán phù hợp trong thời điểm này để giảm chi phí huy động vốn là phải có các giải pháp để tăng CASA. Một số thống kê cho thấy, chi phí huy động vốn bình quân của Vietcombank chỉ khoảng 3,5%/năm, cho phép NH này giữ được lãi suất cho vay thấp, trong khi tỷ lệ NIM vẫn giữ được ở mức 2-3%/năm.
Theo một đại diện của Vietcombank, NH đã chuyển dịch 34% tín dụng sang bán lẻ trong năm 2018 và tiếp tục đẩy mạnh định hướng  buôn bán lẻ, nhằm giúp NH tối đa hóa lợi nhuận trong năm nay. Để thực hiện định hướng này, Vietcombank đưa ra nhiều dịch vụ, sản phẩm tốt để hút nhiều khách hàng, từ đó có nguồn vốn không kỳ hạn lớn đưa vào NH với chi phí rẻ hơn, tạo điều kiện để có lãi suất cho vay cạnh tranh.
Trong khi đó, ACB cũng đang muốn tăng mạnh tỷ lệ này. Tại chiến lược phát triển mới trong giai đoạn 2020-2024, ACB đặt mục tiêu đạt tỷ lệ CASA ở mức 25% vào năm 2021.
Theo các chuyên gia, khi khách hàng có niềm tin để gia tăng lượng giao dịch bằng thẻ hoặc kênh trực tuyến thay cho tiền mặt, số dư tiền gửi không kỳ hạn mới gia tăng một cách bền vững. Vì thế, bên cạnh việc tạo quan hệ tốt với các doanh nghiệp có dòng tiền ra vào hàng ngày lớn, hiện các NH đang tăng CASA bằng cách chuyển dịch sang bán lẻ. 
Như ACB, để CASA đạt 25% vào năm 2021 NH này dự kiến tăng gấp đôi số tài khoản, tức lên đến 5 triệu tài khoản vào năm 2021. Tuy nhiên, muốn tăng tỷ lệ này không chỉ dựa vào chính sách tốt, các NH cũng cần đầu tư mạnh vào công nghệ, chuyển dịch từ giao dịch NH truyền thống sang NH số. Khi khách hàng có niềm tin để gia tăng lượng giao dịch bằng thẻ hoặc kênh trực tuyến thay cho tiền mặt, số dư tiền gửi không kỳ hạn mới gia tăng một cách bền vững. 

Các tin khác