Chuyển đổi mô hình công ty tài chính

(ĐTTCO) - Dù đang đối mặt với thách thức do những khó khăn chung của nền kinh tế, sự cạnh tranh trong hoạt động gắn với Fintech và quản trị, đại dịch Covid 19… nhưng mô hình CTTC vẫn có tiềm năng rất lớn. Minh chứng là khi hàng loạt CTTC được các quỹ đầu tư nước ngoài chủ động tham gia.

FE Credit là một trong những CTTC thành công trên thị trường cho vay tiêu dùng.
FE Credit là một trong những CTTC thành công trên thị trường cho vay tiêu dùng.
Mảnh đất màu mỡ
Số liệu từ NHNN cho thấy, cho vay tiêu dùng (CVTD) trong 10 năm qua luôn cao hơn tăng trưởng dư nợ cho vay chung toàn nền kinh tế, bình quân giai đoạn 2010-2020 đạt 33,7%, trong khi tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế đạt 17,3%. Dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, CVTD đến cuối năm 2020 đạt 1,85 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 10,15% so với cuối năm 2019 và tăng hơn 10 lần dư nợ cuối năm 2010.
Về tỷ trọng, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, CVTD cũng đã tăng từ 8,17% dư nợ nền kinh tế năm 2010 lên trên 20,5% dư nợ nền kinh tế năm 2020 (tăng trưởng khoảng 20%/năm, cao gấp 2,5 lần so với năm 2012 - theo báo cáo của Fiingroup).
Trong dòng chảy đó, các CTTC cũng có sự chuyển mình đáng chú ý. Tính đến tháng 3-2021, có 16 CTTC được cấp phép hoạt động CVTD trên thị trường, với tổng vốn điều lệ hơn 22.000 tỷ đồng. CTTC có vốn điều lệ cao nhất là FE Credit (7.328 tỷ đồng), thấp nhất là FCcom (500 tỷ đồng).
Nhóm này đã góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy thị trường CVTD phát triển và hiệu quả hơn. Bởi phân khúc khách hàng mục tiêu của các công ty này thường là nhóm khách hàng chưa được các NH chú ý và nhóm khách hàng có thu nhập thấp đến trung bình, nhằm mục đích hỗ trợ nguồn tài chính cho các nhu cầu mua sắm hàng gia dụng, mua xe, du học, khám chữa bệnh và các nhu cầu thiết yếu khác trong cuộc sống. 
Đến cuối năm 2020, tổng dư nợ tín dụng của FE Credit vào khoảng 66.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay khách hàng của HD Saigon đạt 14.230 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng của Home Credit hiện vào khoảng hơn 20.000 tỷ đồng, của SHB Finance trên 3.600 tỷ đồng.
Về thị phần cho vay của các CTTC , FE Credit đã vươn lên dẫn đầu thị trường tài chính tiêu dùng, chiếm 52% thị phần tiêu dùng trong nước, bỏ xa 2 đối thủ đứng sau là Home Credit (17%) và HD Saison (11%) ,và các đối thủ khác như Mcredit (7%), Shinhan Finance (6%), Mirae Asset (5%).
Việt Nam có hơn 90 triệu dân, trong đó khoảng 75% đang sống ở khu vực nông thôn, ước tính 68 triệu người chưa tiếp cận toàn diện các nhu cầu về tài chính tiêu dùng, trong số đó dân số trẻ chiếm tỷ lệ lớn.
Khoảng 20 triệu người trưởng thành sinh sống ở đô thị cũng là nguồn khách hàng tiềm năng sử dụng dịch vụ tài chính, trong đó có tài chính tiêu dùng. Dân số Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng và đạt tới 100 triệu vào năm 2025. Vì thế, tiềm năng của thị trường này vẫn rất lớn và sân chơi vẫn hết sức sôi động.
Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia đang phát triển, có nền kinh tế có tốc độ phát triển ổn định ở khu vực Đông Nam Á. Các thủ tục hành chính, thuế quan tiếp tục được cải thiện, tạo điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm hoạt động cũng như thu hút thêm nhà đầu tư mới.
Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia đang dần hoàn thiện, việc chuyển từ chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước công dân có gắn chip, giúp các CTTC có dữ liệu chính xác hơn trong quá trình thẩm định và phê duyệt các khoản vay đối với khách hàng, giảm rủi ro liên quan đến việc giả mạo thông tin và trộm cắp danh tính.
Và đây cũng là lý do nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn thâm nhập vào thị trường thông qua việc hợp tác chiến lược hoặc mua toàn bộ CTTC từ tay các NH.

Cần chuyển đổi để phát triển
Bên cạnh thuận lợi, thách thức các CTTC phải đối mặt cũng không ít. Tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế trong 10 năm qua đạt 17,3%. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, tăng trưởng tín dụng năm 2020 chỉ đạt 12,17% so với năm 2019. Tốc độ tăng dư nợ cho vay của nền kinh tế năm 2021 có cải thiện so với năm 2020 nhưng vẫn chậm so với trước đây, CVTD cũng bị tác động đáng kể.
Đồng thời, đại dịch Covid-19 và cuộc cách mạng công nghệ 4.0, cũng buộc khách hàng có xu hướng chuyển sang mua sắm và giao dịch trực tuyến. Vì thế, rà soát lại chiến lược kinh doanh để chuyển đổi cho phù hợp với tình hình mới, đặc biệt là chuyển đổi số, đang là thách thức đối với các CTTC. 
Xu hướng bùng nổ các mô hình kinh doanh mới ứng dụng Fintech, như cho vay trực tuyến và cho vay ngang hàng thời gian qua cũng là những cảnh báo, buộc tài chính tiêu dùng phải chuyển đổi. Đến nay mới có FE Credit hoàn thiện xây dựng hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng được việc cung ứng dịch vụ cho vay trực tuyến cho hơn 230.000 khoản vay, tương ứng trung bình 350 khoản vay/ngày thông qua ứng dụng $NAP.
Tỷ lệ nợ xấu cũng là vấn đề các CTTC cần quan tâm. Năm 2020, tỷ lệ nợ xấu của FE Credit 6,6%, tương đương giá trị nợ xấu khoảng 4.300 tỷ đồng. Giá trị nợ xấu của HD Saison hiện khoảng 826 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 5,8%. Theo Thông tư 23/2020 ngày 31-12-2020 của NHNN, các CTTC được cấp tín dụng với thời hạn đến 1 năm cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu nếu đảm bảo các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật và có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.
Như vậy, khi tỷ lệ nợ xấu không đáp ứng quy định, việc mở rộng lĩnh vực cho vay của các CTTC nhằm mở rộng thị phần, tăng doanh số cho vay cũng gặp bất lợi.
Nhìn vào tỷ trọng, tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam hiện nay mới chiếm hơn 12% tổng dư nợ, thấp hơn nhiều nước trong khu vực (Trung Quốc 21%, nhóm các nước ASEAN 34%). Trong đó, tỷ trọng tín dụng tiêu dùng do các CTTC thực hiện chiếm khoảng 7,7% tổng dư nợ của nền kinh tế, còn lại do các định chế của NHTM thực hiện.
Cho đến thời điểm này, thị trường vẫn còn một số bất cập như quy mô còn nhỏ, vẫn tập trung chủ yếu vào một số công ty lớn (3 công ty dẫn đầu chiếm khoảng 80% thị phần). Thêm vào đó, chất lượng tài sản giảm trước khó khăn chung của nền kinh tế, lợi nhuận kinh doanh kém khả quan bởi nhu cầu vay tiêu dùng giảm, kiến thức về tài chính tín dụng của người dân còn hạn chế…  
 Những triển vọng của lĩnh vực tín dụng tiêu dùng cho thấy các CTTC vẫn có tiềm năng rất lớn trong phát triển thị phần. Dự báo thị trường sẽ có sự cạnh tranh, chuyển đổi mạnh mẽ, nhất khi hàng loạt CTTC được các quỹ đầu tư nước ngoài chủ động tham gia.

Các tin khác