Cổ phiếu ngân hàng hết vị?

(ĐTTCO) - Dù ghi nhận kết quả kinh doanh (KQKD) khởi sắc trong quý II, nhưng nhóm CP ngân hàng (NH) vẫn không thể bứt phá như kỳ vọng của giới đầu tư. Đặc biệt, với Chỉ thị 04 NHNN mới ban hành, tăng trưởng tín dụng của các NH niêm yết được dự báo không thuận lợi như 6 tháng đầu năm.
Đua nhau báo lãi lớn
Theo thống kê, mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của các NH niêm yết trong quý II tăng 38%. Nổi bật nhất là NHTMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB). Theo báo cáo tài chính (BCTC) quý II, lũy kế 6 tháng đầu năm, TCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế 5.196 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.150 tỷ đồng - cao nhất trong lịch sử hoạt động của NH này.
 Dù đối mặt khó khăn từ Chỉ thị 04, nhưng lợi nhuận trước thuế của các NH niêm yết vẫn được dự báo tăng trưởng 32,28% trong năm 2018 và 22,52% trong 2019.
Trong 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của TCB đạt hơn 5.000 tỷ đồng (tăng 15%), lãi ròng từ tài sản tài chính 940 tỷ đồng (tăng 58%), thu nhập khác 1.488 tỷ đồng (tăng 33%). Một kỷ lục lợi nhuận cũng vừa được NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) xác lập trong mùa BCTC quý II.
Theo công bố, VCB ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế trong kỳ 3.657 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm đạt mức kỷ lục 8.017 tỷ đồng (tăng 52,6%). Cùng ghi nhận KQKD ấn tượng là NHTMCP Phát triển TPHCM (HDB).
Theo BCTC quý II, lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2018 của NH này ghi nhận con số cao nhất từ trước đến nay với 2.063 tỷ đồng (gấp 2,3 lần cùng kỳ năm 2017). Trong đó, thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 172%, thu nhập từ lãi thuần tăng 34%. Với kết quả này, HDB dự kiến hoàn thành, thậm chí vượt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận hợp nhất năm 2018 là 3.933 tỷ đồng.
Cổ phiếu ngân hàng hết vị? ảnh 1 HDBank vẫn có lợi thế hơn các NH khác do hỗ trợ NH yếu kém (sáp nhập PGBank)
nên được mở rộng tăng trưởng tín dụng. 
Điều đáng nói, hơn 10 NH đang niêm yết ghi nhận con số lợi nhuận vượt mốc 1.000 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm. Đơn cử, NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) đạt 4.375 tỷ đồng (tăng 36%); NHTMCP Quân đội (MBB) 3.829 tỷ đồng (tăng 52%); NHTMCP Á Châu (ACB) 3.151 tỷ đồng (gấp 2,2 lần cùng kỳ); NHTMCP Tiên Phong (TPB) 1.024 tỷ đồng (gấp 2 lần cùng kỳ); NHTMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) 1.115 tỷ đồng (tăng gấp 3 lần cùng kỳ); NHTMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) 1.045 tỷ đồng (tăng 30%). 
Cùng nằm trong top các NH có lợi nhuận cao nhất nhưng NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID) và NHTMCP Công Thương Việt Nam (CTG), lại khiến nhiều cổ đông thất vọng bởi mức tăng không mấy ấn tượng. Cụ thể, CTG tăng trưởng lợi nhuận chỉ đạt 9% (tương đương 5.200 tỷ đồng). Còn BID phải trích dự phòng hơn 10.000 tỷ đồng (tương đương 66% lợi nhuận trước dự phòng) nên lợi nhuận chỉ đạt 5.037 tỷ đồng (tăng 36,4%).

Cần thời gian tích lũy
Dù ghi nhận KQKD ấn tượng, nhưng nhóm CP NH lại diễn biến kém tích cực. Theo thống kê, tính từ đỉnh (tháng 5-2018) đến nay, nhóm CP NH đã sụt giảm 20-30%. Song sự sụt giảm này lại giúp NĐT có cơ hội tích lũy CP NH với mức giá hợp lý, thậm chí hấp dẫn nếu so với mặt bằng chung.
Hiện chỉ số P/B 6 tháng đầu năm 2018 của ngành đạt 1,94x (tương đương 1/2 toàn thị trường), P/E đạt 12x (thấp hơn nhiều so với mức chung của thị trường 18,49x), ROE đạt 18,1% (thấp hơn so với mức chung của thị trường 19,48%).   
Vậy đâu là nguyên nhân khiến nhóm CP NH phản ứng ngược với sự bứt phá lợi nhuận? Để giải đáp câu hỏi này cần nhắc lại những gì từng diễn ra trong quá khứ của nhóm CP NH. Lịch sử cho thấy, nhóm CP sau thời gian tạo đỉnh đều mất thời gian tích lũy 6-12 tháng, thậm chí dài hơn. Nguyên nhân do nhóm CP NH chỉ là cuộc chơi dành cho các “tay to”, nên không thể tạo game chỉ 1-2 tháng sau khi rơi từ đỉnh xuống đáy.
Những phiên tăng của nhóm CP NH thuần túy chỉ là bull trap để các quỹ đầu tư hay tự doanh của CTCK đẩy hàng. Đơn cử mã VCB, sau khi tạo đỉnh vào giữa năm 2015 đã đi ngang trong thời gian khá dài trước khi bắt đầu vào đợt sóng từ cuối năm 2017. Hay trường hợp CTG, mã CP có tính đầu cơ mạnh nhất trong nhóm NH. Sau khi tạo đỉnh năm 2015, CP này đi ngang khá lâu, có thời điểm rớt giá cực mạnh trước khi bước vào đợt hồi phục cuối năm 2017.

Dự báo khó khăn   
Hiện có nhiều nhận định thận trọng khi dự báo về nhóm CP NH trong thời gian tới, thậm chí có ý kiến cho rằng nhóm CP đã hết vị. Chẳng hạn, theo CTCK Rồng Việt (VDSC), nhóm CP NH có tỷ trọng vốn hóa lớn nhất trên TTCK, do đó có tác động rất lớn đến thị trường khi nhóm này có thể hút/xả một lượng lớn dòng tiền.
Với đánh giá môi trường kinh doanh của ngành sẽ kém thuận lợi hơn từ nửa cuối năm 2018, giá CP NH sẽ khó tăng trưởng tốt như giai đoạn đầu năm. Nhận định kém khả quan của VDSC được cho bắt nguồn từ việc NHNN ban hành Chỉ thị 04 nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2018.
Theo đó, NHNN sẽ không nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng dành cho từng NHTMCP, ngoại trừ các trường hợp đặc biệt và chỉ NHTMCP đang hỗ trợ các NHTM yếu kém hơn thực hiện tái cơ cấu, mới được xem đủ điều kiện được nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng. Đặc biệt, NHNN sẽ thanh tra những NHTMCP có tỷ trọng cho vay lớn đối với bất động sản, CK, cho vay tiêu dùng, cho vay dự án BOT và BT. 
Như vậy, Chỉ thị 04 sẽ tác động đáng kể đến các NH niêm yết có mức tăng trưởng cho vay cao hơn bình quân trong 6 tháng đầu năm, như VCB (tăng 11,52%), CTG (tăng 9,7%), MBB (tăng 11,2%), HDB (tăng 16,18%), ACB (tăng 11,79%)… Những NH này sẽ không thể tăng trưởng nhiều trong nửa cuối năm, trừ khi NHNN nới hạn mức lên trên 14%.
Tuy nhiên, những NH này còn có một số phương án có thể sử dụng để giảm ảnh hưởng từ Chỉ thị 04. Theo đó, các NH có thể tái cơ cấu các khoản vay theo hướng chuyển một số khoản vay lợi suất thấp đáo hạn sang các khoản vay lợi suất cao hơn. NH cũng có thể bán một số trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường hoặc bán cho các CTCK hay công ty bảo hiểm để tạo thêm dư địa cho vay khách hàng; hoặc bán một phần dư nợ cho vay cho các NH khác có mức tăng trưởng chậm hoặc công ty quản lý tài sản của các NH khác.
Theo Chỉ thị 04, các NH đang hỗ trợ các NH nhỏ và yếu kém khác trong quá trình tái cơ cấu sẽ được cân nhắc cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn. Trong đó, HDB hiện đang đợi phê duyệt nguyên tắc từ NHNN đối với kế hoạch sáp nhập với NHTMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank).
Trong trường hợp khả quan nhất, nếu kế hoạch sáp nhập được thông qua trước quý IV, HDB có thể được cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 30-40% và có 3 tháng để đạt được mức tăng trưởng này.

Các tin khác