Cởi trói room tín dụng

(ĐTTCO) - Mới hơn nửa đầu năm tăng trưởng tín dụng nhiều NH đã tiệm cận hạn mức (room) NHNN cấp đầu năm, gây khó khăn trong việc giải ngân vốn.
 Hiện Chính phủ yêu cầu NHNN xem xét nâng tăng trưởng tín dụng lên ít nhất 20% trong năm nay, như vậy sắp tới đề nghị nới room tín dụng của các NH có thể được đáp ứng. Tuy vậy, theo các chuyên gia NHNN nên để room tín dụng vận hành theo nhu cầu của mỗi NH, theo thị trường và cơ quan quản lý kiểm soát bằng công cụ khác.
Chạm hạn mức cho vay

Đã đến lúc NHNN nên bỏ cơ chế điều hành chính sách tiền tệ bằng quy định room tín dụng cho các NH. Việc điều hành giống như cấp quota xuất nhập khẩu này không phù hợp trên thị trường tiền tệ, không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và hiệu quả cũng không cao.
Đầu năm nay NHNN chỉ cấp room tín dụng cho các NH ở mức 15-16%, thay vì 18-20% như mọi năm, nhằm chủ động kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng, giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng thời gian qua của nhiều NH ở mức rất cao và đang tiệm cận room NHNN quy định.
Chẳng hạn, ACB cho vay khách hàng tăng 11,15% so với đầu năm, đạt 181.610 tỷ đồng. Vietcombank cho vay khách hàng tăng 14%, BIDV tăng 11,56%, VietinBank tăng 10%, MB tăng 14,6%, VIB tăng 15,7%. Như vậy, mới qua nửa năm không ít NH đã sắp chạm room tín dụng NHNN cấp.
Thực tế này đã gây khó khăn cho không ít NH và DN. Theo chia sẻ của lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp khó khăn trong việc vay vốn NH khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ: NH cung cấp vốn cho biết đã hết hạn mức nên mọi khoản giải ngân từ 200 triệu đồng trở lên đều phải “xin”, tức trình lên cấp trên để duyệt cho vay, không thể vay dễ dàng như trước. 

Tính từ đầu năm đến nay, tín dụng liên tục tăng cao qua từng tháng, có thời điểm đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua. Theo các chuyên gia, quy định room tín dụng là cách điều hành chính sách tiền tệ khá lạc hậu. Mỗi NH có tình hình tài chính và chiến lược phát triển khác nhau, việc cấp room của NHNN tạo ra cơ chế xin-cho và làm NH thêm khó khăn trong việc chủ động thực hiện các kế hoạch của mình. Thực tế, tín dụng tại thời điểm cuối tháng 6 đã tăng khoảng 9% so với đầu năm (cùng kỳ tăng 8,16%) và đến cuối tháng 7 ước đạt 9,3%.
Như vậy, chắc chắn có NH đang tăng tín dụng rất thấp không lo về room, trong khi có NH tăng cao đang trong tình trạng hết room cho vay. Sẽ hợp lý hơn trong điều hành và kiểm soát thị trường tiền tệ nếu NHNN dùng các chính sách tiền tệ như lãi suất chiết khấu, thị trường mở…. Còm nếu lo ngại rủi ro khi NH cho vay quá nhiều, NHNN nên đưa ra các quy định về các chỉ số an toàn vốn buộc các NH phải tuân thủ.
Cởi trói room tín dụng ảnh 1 Ảnh minh họa: L.THANH 
Sẽ nới room tín dụng?
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ tín dụng theo hướng giảm lãi suất cho vay. Trong đó có nội dung xem xét nâng tăng trưởng tín dụng lên ít nhất 20% trong năm nay. Như vậy, dự kiến NHNN sẽ phải nới room tín dụng cho nhiều NH để thực hiện mục tiêu trên. Hiện thu nhập lãi thuần đóng góp 80% vào tổng thu nhập hoạt động của NH. Nếu NHNN cho phép NHTM đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm, dù lãi suất giảm nhẹ nhưng dự kiến lợi nhuận của các NH sẽ có sự cải thiện lớn.
Theo ước tính của Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC), 7 NH niêm yết dự báo đạt 36.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho cả năm 2017 (tăng trưởng 18%). Giả định tăng trưởng tín dụng tổng hợp của 7 NH này 17,2%, nếu tăng trưởng tín dụng nới lên 20% trong khi biến số khác giữ nguyên, lợi nhuận trước thuế của 7 nhà băng này có thể cao hơn 12% so với ban đầu.

Hiện nay kinh tế vĩ mô đang khá ổn định với lạm phát thấp và tỷ giá không có nhiều biến động. Trong khi đó, rất nhiều DN đang cần vốn với mức lãi suất hợp lý. Bên cạnh đó trong bối cảnh giải ngân vốn đầu tư công tăng trưởng chậm, việc Chính phủ yêu cầu đẩy vốn tín dụng sẽ giúp kích thích tăng trưởng kinh tế và cũng tạo cơ hội để NH mở rộng cho vay. Do đó, đây được xem là thời điểm thích hợp để NHNN nới room tín dụng cho các NHTM.
Bên cạnh đó rất khó xác định mức tăng trưởng như thế nào là hợp lý, còn hệ quả đã khá rõ khi các năm gần đây hầu như năm nào các NH cũng nộp đơn xin nới room tín dụng. Vì vậy, NHNN chỉ cần đưa ra mục tiêu “tổng” và sẽ điều hành bằng các công cụ chính sách tiền tệ mang tính thị trường. Mức tăng trưởng tín dụng bao nhiêu là hợp lý, bao nhiêu là an toàn tùy thuộc vào khả năng, hoàn cảnh của mỗi NH. 

Tăng trưởng tín dụng cao, tập trung vào các lĩnh vực phù hợp là tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế, đặc biệt thể hiện sự hấp thụ tốt nguồn vốn tại DN. Tuy nhiên những lo ngại về rủi ro xuất hiện bong bóng khi tín dụng tăng trưởng nóng vẫn tồn tại, do đó trong thời gian tới NHNN cần phải giám sát và theo dõi chặt chẽ dòng chảy tín dụng.
Nhiều ý kiến từ DN và cả NH nhận định lãi suất không phải là vấn đề lớn nhất hiện nay, mà cơ quan quản lý cần đảm bảo nguồn tín dụng hoạt động hiệu quả, chảy vào đúng nơi, đúng chỗ, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn không để bong bóng tài sản xảy ra.

Các tin khác