Công nghệ số thúc đẩy tài chính toàn diện

(ĐTTCO)-Chiều nay 19-5, NHNN và Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG) phối hợp tổ chức hội thảo Banking Vietnam 2017 chủ đề “Công nghệ số thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam”. 
Công nghệ số thúc đẩy tài chính toàn diện
Theo các chuyên gia, ứng dụng công nghệ số để tạo nên những kết quả đột phá trong tài chính toàn diện là xu hướng tất yếu và các quốc gia phải nhận thức rõ cơ hội mà xu hướng này mang lại.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ ngành Ngân hàng, nhận định tài chính toàn diện (Financial inclusion) là việc cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp và thuận tiện cho mọi cá nhân và tổ chức, đặc biệt đối với người có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận tài chính, góp phần tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 
Tại Việt Nam, theo Phó Thống đốc mới chỉ có khoảng 31% người dân trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng, tỷ lệ này còn thấp hơn nữa ở khu vực nông thôn (27%). Rất nhiều người dân có nhu cầu nhưng chưa được cung cấp các dịch vụ phù hợp. 
Mạng lưới chi nhánh phòng giao dịch ngân hàng mới chỉ tập trung tại các khu vực thành thị phát triển, trong khi tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa thì còn rất hạn chế. Thực tiễn đó cho thấy gia tăng khả năng tiếp cận dịch vụ và hướng tới cung cấp các dịch vụ tài chính (mà trong đó chủ yếu là các dịch vụ ngân hàng) một cách phù hợp, thuận tiện cho mọi thành viên xã hội là một trong những vấn đề quan trọng hiện nay.
Theo ThS. Nguyễn Thị Hòa, Phó Viện trưởng phụ trách, Viện chiến lược Ngân hàng, ứng dụng công nghệ số sẽ là động lực quan trọng tham gia vào giải quyết cả 5 vấn đề từ phát triển kênh cung ứng dịch vụ đến sáng tạo các sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện đại; cung cấp thông tin, hiểu biết và kỹ năng tài chính cho người dân thông qua các phương tiện số; ứng dụng công nghệ số trong việc nâng cao năng lực của cơ quan quản lý giám sát; hoàn thiện cơ sở hạ tầng dựa trên vận dụng các giải pháp công nghệ mới nhất, hiệu quả phù hợp với Việt Nam.
Thảo luận tại hội thảo, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, chia sẻ vì sinh sau đẻ muộn nên việc xây dựng mạng lưới, chi nhánh truyền thống gặp nhiều khó khăn. Chính từ hạn chế này nên chúng tôi quyết tâm tìm kiếm kênh giao dịch mới và đi đầu trong lĩnh vực ngân hàng số. Chúng tôi luôn tìm tòi, đầu tư để phát triển những ứng dụng ngân hàng điện tử với tiêu chí dễ dùng và hiệu quả. Hiện tại khoảng 2/3 lượng giao dịch tại TPbank là qua kênh online, còn 1/3 là kênh truyền thống và đây là tín hiệu rất đáng mừng.
Theo ông Trần Phương, Phó Tổng giám đốc BIDV, ngân hàng đang có hệ thống mạng lưới rất lớn nhưng vẫn đặt mục tiêu xây dựng kênh phân phối điện tử để tạo thế cân bằng. Trong 5 năm qua BIDV tập trung vào đề án số hóa ngân hàng. Hiện đã trên 1000000 người tham gia vào Fanpage trên Facebook của BIDV. Đây là nguồn lực lớn để chúng tôi dễ nắm bắt nhu cầu của khách hàng. Hiện khách hàng chuyển giao dịch từ các quầy sang giao dịch online tại BIDV đạt trên 60%.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc phục trách Khối Dịch vụ Tài chính, EY Việt Nam, nhận định Việt Nam mới chỉ có 31% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng, bên cạnh đó là lượng dân số trẻ có tỷ lệ sử dung mobile lớn là cơ hội rất lớn để phát triển thị trường tài chính toàn diện. Câu hỏi đặt ra là khi chúng ta đầu tư tiền bạc, con người, số hóa thì chúng ta phải biết dành cho đối tượng nào. Tiếp theo là nên chăng có cơ chế “mở” hơn cho tài chính toàn diện như với kênh tài khoản thanh toán để rút ngắn thời gian, tiền bạc chi phí đến ngân hàng nhằm tăng cường giao dịch qua online nhiều hơn. Đồng thời, các ngân hàng cần xác định vị trí của mình, tìm ra những phân khúc phù hợp, từ đó có thể kết hợp với các công ty công nghệ tài chính (Fintech) để cùng khai thác các mảng thị trường.
Còn bà Trần Thị Phương Hồng, Phó tổng giám đốc CMC SI Sài Gòn, nhấn mạnh chia sẻ dữ liệu và chia sẻ thông tin là xu hướng mạnh mẽ hiện nay. Hiện CMC SI Sài Gòn đã hỗ trợ các các ngân hàng xây dựng hệ thống bảo mật dữ liệu để bảo mật thông tin của khách hàng và nếu bất kỳ ai có nguy cơ xâm nhập sẽ được phát hiện và cảnh báo sớm.
Tại hội thảo, TS. Võ Trí Thành, cho rằng sự vận động thị trường dựa trên thực lực và công nghệ thì không có gì có thể ngăn cản đượcc. Xu hướng phát triển ngân hàng số tại Việt Nam và sự xuất hiện của làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 cũng được xác định là cơ hội cho các ngân hàng Việt Nam đẩy mạnh việc ứng dụng các giải pháp công nghệ để tiến tới mô hình quản trị thông minh, tự động hóa quy trình nghiệp vụ, có thể phát triển và cạnh tranh với các ngân hàng tiên tiến trong khu vực.

Các tin khác