Cuộc đua ngân hàng số

(ĐTTCO)-Trong kỷ nguyên 4.0 và sự nổi lên của kinh tế số, chuyển đổi số được các ngân hàng thương mại (NHTM) nhận thức là vấn đề sống còn. Bởi lẽ, phát triển ngân hàng số là xu hướng tất yếu giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh.

Tăng trải nghiệm cho khách hàng

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, cho biết trong 4 năm gần đây, đã chi khoảng 1.000 tỷ đồng vào những lĩnh vực liên quan đến công nghệ, ngân hàng số, như hệ thống LiveBank (giao dịch trực tuyến hoạt động 24/7) ứng dụng cho việc đăng ký mở tài khoản, nộp tiền, rút tiền, chuyển khoản…

Ứng dụng ngân hàng điện tử giúp giảm thiểu nhân sự và thời gian giao dịch; đáp ứng nhu cầu giao dịch của khách hàng ngoài giờ hành chính hay ngày nghỉ cuối tuần, lễ, tết. Chi phí trung bình cho một giao dịch tại LiveBank chỉ bằng một nửa so với giao dịch truyền thống.

“Doanh số thu trực tiếp từ ngân hàng số chưa nhiều nhưng công nghệ giúp ngân hàng làm được nhiều việc và tiết kiệm hơn”- ông Hưng chia sẻ.

Mới đây, Nam A Bank đưa 29 robot OPBA vào phục vụ khách hàng, với mức đầu tư khoảng 40.000-50.000USD/robot. Đây là NHTM đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giao dịch. Khách hàng sẽ gặp gỡ robot OPBA để được tư vấn mọi thắc mắc theo nhu cầu, thay vì phải đợi chờ xếp hàng tại quầy.
Với những cử động đã được lập trình tự động hóa, robot OPBA có khả năng nhận diện khuôn mặt khách hàng bằng tính năng Face ID hiện đại, chủ động chào hỏi, hỗ trợ khách hàng. Đặc biệt, khi cần trao đổi trực tiếp với nhân viên ngân hàng, robot OPBA sẽ đưa ra lựa chọn và hướng dẫn khách hàng đến quầy giao dịch. 

Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng Giám đốc Nam A Bank, cho biết: “Robot OPBA là một trong những sản phẩm của không gian giao dịch số tích hợp hệ sinh thái thiết bị hiện đại. Theo đó, khách hàng có thể rút tiền, in hoặc xem sổ phụ tài khoản, thậm chí là phát hành thẻ và có nhân viên hỗ trợ 24/7 thông qua hệ thống tương tác video trên máy VTM OPBA mà không cần đến ngân hàng.

Việc ứng dụng AI trong giao dịch là đòn bẩy để ngân hàng chuyển đổi mô hình ngân hàng truyền thống sang đa không gian giao dịch trên hợp kênh ứng dụng”.

Cần hoàn thiện khung pháp lý

Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đã xác định công nghệ sẽ là giải pháp hàng đầu đối với sự phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện 94% NHTM đã bước đầu triển khai hoặc đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược chuyển đổi số; trong đó, 59% NHTM đã triển khai chuyển đổi số trên thực tế. Phần lớn NHTM Việt Nam đã triển khai ngân hàng số ở cấp độ chuyển đổi về kênh giao tiếp và quy trình, chuyển đổi về nền tảng dữ liệu mới được nghiên cứu, triển khai tại một số ngân hàng tiên phong. 

Hiện nay, các NHTM đang có xu hướng hợp tác cùng các công ty Fintech (công nghệ tài chính) để tạo ra sức mạnh tổng hợp trong cung ứng dịch vụ, đảm bảo các giao dịch điện tử được tiện ích, vừa tiết kiệm chi phí vừa thu hút được khách hàng. Mặc dù vậy, các chuyên gia trong ngành tài chính - tín dụng cảnh báo, cần phải phát triển ngân hàng số trong mối quan hệ gắn bó với đảm bảo an ninh, an toàn trong môi trường mạng.

Hoạt động thanh toán qua ngân hàng thời gian qua phát triển nhanh, cũng đặt ra yêu cầu ngày càng cao hơn về công tác an ninh, an toàn cho cơ sở dữ liệu khách hàng, nhất là khi năng lực an toàn thông tin trong nước còn hạn chế.

Theo các chuyên gia trong ngành, việc thiếu hụt các quy định pháp lý cũng là một thách thức cho ngân hàng số vì mảng thanh toán số phát triển rất nhanh; trong khi các quy định pháp lý trong nước không theo kịp, khiến một số ngân hàng ngại áp dụng công nghệ, dịch vụ mới. Vấn đề cần được quan tâm nhất hiện nay của giao dịch số là sự bảo mật và an toàn, trong khi đó, tính pháp lý của giao dịch số trong ngân hàng hiện vẫn chưa rõ ràng, đặc biệt là xác thực định danh điện tử.

Việt Nam cũng chưa có khung pháp lý về chia sẻ, khai thác và lưu trữ dữ liệu nên các ngân hàng chưa thể ứng dụng điện toán đám mây hay chuỗi khối rộng rãi vào các ứng dụng của mình.

Do đó, các cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện khung pháp lý để phục vụ hoạt động kinh doanh ngân hàng số. Tuy nhiên, cần phải xây dựng khung pháp lý làm sao để có thể bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đối phó với thách thức từ an ninh mạng, nhưng vẫn cân bằng giữa mục tiêu quản lý với thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khả năng cạnh tranh trong phát triển ngân hàng số.

Các tin khác