Cuộc đua ngân hàng số

(ĐTTCO)-Phát triển ngân hàng số (NHS) đang là vấn đề trọng tâm của đa số NHTM, vì lợi ích của việc chuyển đổi số ngày càng rõ rệt. Tuy nhiên, sự phát triển này vẫn chưa có sự đồng đều vì còn nhiều rào cản.
-
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Xu hướng cạnh tranh
Nửa cuối năm 2020, chứng kiến sự xuất hiện hàng loạt dịch vụ NHS đình đám của các nhà băng. Điển hình vào tháng 7, Vietcombank ra mắt dịch vụ NHS hoàn toàn mới VCB Digibank, trên cơ sở hợp nhất các nền tảng giao dịch trực tuyến thay thế cho các dịch vụ internet banking và mobile banking.
Tháng 10, LienVietPostBank giới thiệu NHS mới LienViet24h trên nền tảng NH hợp kênh, hợp nhất các nền tảng online bao gồm thẻ phi vật lý Ví Việt, NHS và các dịch vụ thẻ.
Tháng 11, VIB tung ra dịch vụ tài khoản NHS với bộ 3 giải pháp thanh toán gồm tài khoản, ứng dụng NH di động và thẻ thanh toán toàn cầu chỉ sau vài phút định danh online. 
Tháng 12, nền tảng NH thuần số và hệ sinh thái dành cho chủ cửa hàng và người tiêu dùng đầu tiên tại Việt Nam được bảo trợ bởi NHTMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB), cũng góp thêm thương hiệu mới vào hệ sinh thái NHS. Sự xuất hiện của các dịch vụ NHS này cùng với những tên tuổi nổi bật như TPBank LiveBank, OCB OMNI, NH số Yolo VPBank, MyVIB… tạo nên diện mạo mới mẻ cho lĩnh vực NHS Việt Nam. Xu thế này cho thấy NHS đang trở thành một phần quan trọng trong chiến lược kinh doanh của ngành NH.
Các nhà băng ngày càng tỏ ra quyết liệt cạnh tranh trong bối cảnh Việt Nam liên tục được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng, cơ hội cho phát triển NHS, khi có khoảng 96,5 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ (người trưởng thành chiếm khoảng 70%), khoảng 72% dân số sở hữu điện thoại thông minh, 130 triệu thuê bao di động và 64 triệu người dùng internet (chiếm 67% dân số). 
Trên thực tế, người dân cũng đang có sự chuyển đổi nhanh về thói quen giao dịch NH từ truyền thống sang trực tuyến, cũng là động lực để các NH cạnh tranh lĩnh vực này. Đơn cử, các máy LiveBank của TPBank đã xử lý hơn 7 triệu giao dịch trong năm 2020, tăng 130%; giá trị giao dịch 330.000 tỷ đồng tăng 140% so với năm 2019.
Tại VPBank, 10 tháng năm 2020, tổng lượng giao dịch qua kênh NH điện tử đạt khoảng 735.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cả năm 2019 và chiếm khoảng 80% tổng số lượng giao dịch tài chính. VIB cũng ghi nhận số lượng khách hàng đăng ký NHS qua ứng dụng MyVIB tăng đột phá gần 300% và số lượng giao dịch trực tuyến tăng 110% trong năm 2020.
Cuộc đua NHS được dự báo càng nóng hơn trong thời gian tới bởi theo Chiến lược phát triển ngành NH Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030, NHS được xem là tương lai tất yếu của hoạt động NH.
Một yếu tố tác động quan trọng nữa đối với xu hướng phát triển dịch vụ này của các NHTM là sự phát triển mạnh mạnh mẽ của các công ty công nghệ tài chính (Fintech) và các doanh nghiệp công nghệ, viễn thông (Bigtech) trong cạnh tranh dịch vụ thanh toán trực tuyến.

Cơ hội đi liền với thách thức
Khuôn khổ pháp lý, cơ sở hạ tầng (chuẩn kỹ thuật kết nối, chuẩn dữ liệu, cơ sở dữ liệu dùng chung, hạ tầng an ninh, bảo mật), tội phạm công nghệ, giáo dục tài chính, bảo vệ người tiêu dùng trước các chiêu trò lừa đảo khi giao dịch… đang là thách thức đối với NHS.
Lợi ích thiết thực cho khách hàng khi các NH phát triển dịch vụ NHS số đã rõ ràng. Với hình thức số hóa tất cả hoạt động và dịch vụ NH truyền thống tích hợp vào 1 ứng dụng, người dùng tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí.
Ở chiều ngược lại, các NH cũng được hưởng lợi đáng kể trong giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Theo TS. Trần Hùng Sơn, Trường Đại học Kinh tế Luật TPHCM, hoạt động chuyển đổi số của NH có tương quan thuận với ROA. Tức việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong giai đoạn hiện nay, trong chừng mực nào đó sẽ làm gia tăng khả năng sinh lời của các NHTM. 
Ghi nhận từ kết quả kinh doanh của một số nhà băng cũng đã chứng minh cho nhận định này. Theo công bố của VPBank, việc kiểm soát tối đa chi phí kết hợp với áp dụng số hóa, đã giúp chi phí hoạt động hợp nhất cả năm 2020 giảm 7,7% so với 2019. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) hợp nhất giảm mạnh còn 29,2% so với 33,9% cuối 2019.
Tại TPBank, theo Tổng giám đốc Nguyễn Hưng, những quả ngọt trong hoạt động kinh doanh NH có được trong 2020 đã được vun trồng từ nhiều năm trước, bằng chiến lược chuyển đổi số toàn diện và hiệu quả. Dịch Covid-19 như cú hích thúc đẩy người dân cùng nhau bước lên không gian số. Nhờ đi đầu trong ứng dụng số hóa, NH đã đón đầu làn sóng đó, đáp ứng được mọi nhu cầu, thói quen tiêu dùng tài chính mới của khách hàng và hoàn thành mục tiêu đề ra.
Dù vậy, lĩnh vực NHS tại Việt Nam vẫn chưa phát triển đồng đều khi có NH quá nổi bật trong khi vẫn nhiều NH vẫn còn mờ nhạt, thậm chí chưa thể bước chân vào lĩnh vực này. Nguyên nhân bởi chi phí đầu tư cho công nghệ số rất lớn nhưng các khoản đầu tư cho việc chuyển đổi có thể chưa mang lại lợi nhuận trong ngắn hạn.
Theo đó, các NH lớn có ngân sách rộng rãi thường đẩy mạnh vấn đề này hơn so với các NH nhỏ. Đồng thời, sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cho xây dựng và phát triển NHS cũng là thách thức lớn.
Đại diện một NHTM chia sẻ, xu hướng cắt giảm nhân sự tại các NHTM diễn ra mạnh trong năm 2020 do dịch Covid-19, song các nhà băng rất săn đón nhân sự là các chuyên gia công nghệ vì xu hướng phát triển kênh tài chính số ngày càng gia tăng.
Thực tế hiện nay, các NH đang hoạt động theo kinh tế thị trường, phải cạnh tranh phát triển theo sức của mình. Nếu muốn NHS phát triển đồng bộ để thực hiện mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy tài chính toàn diện phải phụ thuộc vào cơ quan quản lý.
Theo đó, cơ quan quản lý thấy tương lai NHS là quan trọng, phải phát triển đồng loạt, cần có chủ trương hỗ trợ. Chẳng hạn, thúc đẩy chương trình đào tạo nhân sự phục vụ lĩnh vực tài chính số, NHNN cho vay NHTM với lãi suất thấp để chuyển đổi số.
Hoặc nhà quản lý đề ra các mô hình NHS A, B, C, từ đó hỗ trợ các NHTM có vốn nhà nước tiến đến các hình thái NHS toàn diện, sau đó những NH chuyển đổi thành công sẽ trở lại giúp các NH còn lại chuyển đổi số…
Đặc biệt, việc chính thức cho phép áp dụng eKYC (định danh điện tử) trong hoạt động mở và sử dụng tài khoản thanh toán, được xem là mở đường cho NHS phát triển. 

Các tin khác