Cuộc đua tăng lãi suất huy động

(ĐTTCO) - Gần đây, nhiều NHTM đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài, khi thời hạn giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống 40% càng đến gần. Đáng chú ý trong đợt tăng lãi suất đang diễn ra có sự tham gia của NHTM có vốn nhà nước.
Nhiều NH bứt phá tăng lãi suất
Trong tháng 8, một số NHTM đã tăng mạnh lãi suất tiền gửi VNĐ ở kỳ hạn dài. Cụ thể, Techcombank đã tăng lãi suất tiền gửi ở tất cả các kỳ hạn ngắn thêm 0,1%, riêng các kỳ hạn dài 12 tháng, 18 tháng và 36 tháng đã được điều chỉnh tăng thêm 0,2-0,4%. SHB nâng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-9 tháng thêm 0,1%, trong khi đó MB nâng lãi suất kỳ hạn 9 tháng thêm 0,05%.
Trong đợt này, Vietcombank đã nâng lãi suất kỳ hạn 12 tháng thêm 0,1%, Sacombank nâng lãi suất kỳ hạn 18 tháng thêm 0,1%. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 13 tháng trở lên tại BacABank cũng đã ở mức 8%/năm.
Hồi tháng 7, VietCapital Bank đã nâng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 8-11 tháng từ 7,2-7,4%/năm lên mức 7,8%/năm. Tiền gửi kỳ hạn từ 24 tháng trở lên được điều chỉnh tăng mạnh từ 7,2% lên 8,6%/năm. NH này cũng đang áp dụng lãi suất 8% đối với tiền gửi các kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 15 tháng và 18 tháng lần lượt ở mức 8,3%/năm và 8,5%/năm. 
Cuộc đua tăng lãi suất huy động ảnh 1 Đỉnh lãi suất huy động cao nhất hiện nay thuộc về VietCapitalBank. 
Trong những ngày đầu tháng 9, xu hướng tăng lãi suất huy động này vẫn chưa dừng lại. Mới đây, ngày 5-9, Sacombank đã điều chỉnh lãi suất NH kỳ hạn 13 tháng tăng từ 7,6%/năm lên 7,8%/năm và 18 tháng từ 7,1%/năm lên 7,2%/năm áp dụng cho số tiền gửi từ 100 tỷ đồng trở lên. CB tăng lãi suất kỳ hạn 6 tháng lên 8%/năm, và 15 tháng lên 8,6%/năm.
Sau khi nâng thêm 0,2% cho kỳ hạn tiền gửi dưới 6 tháng vào tháng trước, mới đây BIDV thông báo cộng thêm lãi suất 0,2%/năm đối với các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên và cộng 0,1% đối với kỳ hạn dưới 12 tháng cho khách hàng gửi tiền online. Lãi suất cộng thêm được tính so với lãi suất niêm yết của tiền gửi huy động tại các phòng giao dịch.
Theo đó, lãi suất tiền gửi cao nhất tại NH này lên đến 7,1%/năm, áp dụng cho các kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng. Các kỳ hạn 15 tháng và 18 tháng cùng mức lãi suất 7%/năm. Hiện hãi suất huy động của Vietinbank kỳ hạn trên 36 tháng hiện nay cũng tiệm cận mức 7%/năm, trong khi tại Vietcombank, lãi suất cao nhất chỉ 6,6%/năm áp dụng cho tất cả các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Cơ cấu lại vốn
Theo các chuyên gia kinh tế, xu hướng tăng lãi suất huy động kỳ hạn trung và dài hạn đang diễn ra tại nhiều NHTM, bởi theo quy định từ năm 2019, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ về mức 40%. Mục tiêu này lẽ ra đã được áp dụng từ đầu năm 2018, nhưng đã được NHNN “lỏng tay” nới thời hạn áp dụng đến đầu năm tới. Khi thời hạn này càng tới gần, các NH cũng phải huy động vốn dài hạn để có thể đáp ứng tỷ lệ đó. Hơn nữa, việc tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài còn giúp các NH tăng thanh khoản, đáp ứng quy định về tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động (LDR). 
Theo thống kê của NHNN, tại thời điểm tháng 7-2018, tỷ lệ LDR toàn hệ thống là 87,57%. Cụ thể, tỷ lệ LDR tại các NHTM có vốn nhà nước là 93,7% và các NHTMCP là 81,65%. Các con số này đều vượt mức quy định tại Thông tư 02 của NHNN về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài ban hành hồi đầu năm.
Theo quy định, tỷ lệ LDR của NHTM có vốn nhà nước là 90% và NHTMCP là 80%. Ngoài ra, một yếu tố nữa cũng đẩy lãi suất kỳ hạn dài tăng là hoạt động kinh doanh, nợ xấu của các NHTM khác nhau, một số NH còn khó khăn thanh khoản nên cạnh tranh huy động, điều này đã đẩy chênh lệch lãi suất huy động kỳ hạn dài giữa các NH hiện nay lên đến 2%.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH nhận định, tại thời điểm này, một vài NH rục rịch tăng lãi suất, phần lớn tăng ở kỳ hạn trung và dài hạn để đáp ứng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống chỉ còn 40%. Điều này có thể ảnh hưởng đến các NH khác khi họ phải cạnh tranh với các NH đang tăng lãi suất. Do đó, từ nay đến cuối năm lãi suất huy động có thể tăng từ 0,5-1%.
Chuyên gia này cho rằng, trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng chậm, các NH đẩy mạnh huy động vì NH có thể kiếm lãi tốt thông qua sử dụng tiền huy động đó trên thị trường liên NH để cho vay các NH khác, cũng như mua trái phiếu chính phủ, trái phiếu của các TCTD khác. 
Trước xu hướng lãi suất huy động tăng, nỗi lo tăng lãi suất cho vay cũng hiện hữu. Theo khảo sát hàng tháng của CTCP Chứng khoán TPHCM (HSC), lãi suất cho vay VNĐ bình quân đã tăng 0,06% trong tháng 8 lên 9,09% sau khi dao động từ 9,01-9,04% trong 7 tháng đầu năm. Mức lãi suất hiện tại cao hơn 0,05% so với cuối năm ngoái và cao hơn 0,13% từ mức đáy 8,96% trong tháng 10 năm ngoái.
Tuy vậy, các chuyên gia tài chính cho rằng, việc điều chỉnh lãi suất cho vay chủ yếu diễn ra đối với các khoản vay khách hàng cá nhân thay vì khối doanh nghiệp. Bởi trong buổi làm việc của Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú với UBND TPHCM, NHNN Chi nhánh TPHCM, các TCTD trên địa bàn, lãnh đạo các NH đã đồng thuận duy trì sự ổn định mặt bằng lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp như hiện nay.

Các tin khác