Cuối năm dồn vốn vào tiêu dùng

(ĐTTCO) - Đến hẹn lại lên, những tháng cuối năm, các NHTM lại đua nhau tung ra hàng loạt chương trình cho vay ưu đãi lãi suất. Năm nay, ưu đãi của các NH có xu hướng tập trung nhiều vào nhóm khách hàng cá nhân, phục vụ đời sống tiêu dùng.

Nhiều ưu đãi cho cá nhân
Cuối năm, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp (DN) thường tăng cao. Theo đó, NH cũng tiếp tục cạnh tranh ưu đãi cho vay. Quy mô vốn ưu đãi cuối năm lớn nhất thời điểm này thuộc về BIDV. NH này đã triển khai gói vay kinh doanh mới 20.000 tỷ đồng, kèm theo hàng loạt ưu đãi.
Cụ thể, DN có thể vay với lãi suất chỉ từ 6,5%/năm với thời hạn vay từ 5 tháng trở xuống, và từ 7,2%/năm với kỳ hạn từ trên 5-11 tháng để khách hàng giảm áp lực trả lãi trong ngắn hạn. VietCapitalBank có gói tín dụng 1.000 tỷ đồng lãi suất từ 8,5%/năm dành cho DNNVV, DN siêu nhỏ vay lần đầu. BacABank cho DN vay bổ sung vốn lưu động, đặc biệt là nhu cầu vay vốn dưới 6 tháng, lãi suất từ 8,3%/năm.
 Hiện nay NH cho vay 2 đầu, tức là cho DN kinh doanh bất động sản vay, rồi cho người mua vay thông qua tín dụng tiêu dùng nên rất rủi ro. Do đó, trong bối cảnh các NH tập trung cho vay cá nhân để tăng lợi nhuận, việc quản lý minh bạch khoản vay mua nhà đó là để ở (tiêu dùng) hay mua nhà để cho thuê (đầu tư) để giảm rủi ro cho hệ thống là điều cần thiết.
TS. Trần Du Lịch, 
nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM 
OceanBank cạnh tranh cho vay siêu rẻ, các thời hạn từ 1 tháng trở xuống áp dụng lãi suất 5,5%/năm, từ 1 tháng đến dưới 6 tháng chỉ 6,3%/năm trong toàn bộ thời hạn vay; từ 6-12 tháng áp dụng lãi suất 6,9%/năm trong tối đa 179 ngày kể từ ngày giải ngân. Tuy nhiên, năm nay, các gói ưu đãi vay vốn lưu động cuối năm dành cho DN có vẻ ít sôi động bằng gói vay ưu đãi cho khách hàng cá nhân.
Mới đây, SHB thông báo ưu đãi trả góp với lãi suất 0%, dành cho chủ thẻ tín dụng khi thực hiện thanh toán hàng hóa dịch vụ giá trị từ 3 triệu tới 100 triệu đồng, không mất phí chuyển đổi sang trả góp, kỳ hạn trả linh hoạt từ 3 đến 12 tháng tại các đơn vị đối tác. MB dành 2.500 tỷ đồng dành cho vay mua bất động sản, vay mua ô tô và vay sản xuất kinh doanh, lãi suất chỉ từ 7%/năm đối với vay mua ô tô; 7,49%/năm vay mua, xây dựng sửa chữa nhà đất, cho vay mua nhà chung cư, đất dự án; và tối thiểu 8,2%/năm khi khách hàng vay phục vụ sản xuất kinh doanh. 
GPBank đang quảng bá chương trình đồng hành cùng khách hàng cá nhân với quy mô  100 tỷ đồng. Theo đó, trong 2 tháng cuối, cá nhân có nhu cầu vay vốn ngắn hạn phục vụ đời sống sẽ được tiếp cận gói tín dụng này với lãi suất 5,79%/năm đối với khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng, và 6,29%/năm đối với khoản vay có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng.
Đợt này, BaoVietBank đưa ra gói cho vay mua ô tô phục vụ mục đích tiêu dùng và kinh doanh kéo dài đến cuối năm 2019. Lãi suất cho vay chỉ từ 5,6%/năm, thời hạn tối đa 10 năm, có thể vay đến 100% giá trị xe. Người vay còn được miễn phí trả nợ trước hạn sau 60 tháng, cho vay phí bảo hiểm. Song song đó, nhiều NH khác cũng thiết kế các gói vay cá nhân kèm theo hàng loạt ưu đãi hấp dẫn.
Cuối năm dồn vốn vào tiêu dùng ảnh 1 SHB ưu đãi lãi suất 0% thông qua thẻ tín dụng với gói vay đến 100 triệu đồng. 
Ranh giới rủi ro đã chạm
Tăng trưởng tín dụng trong 3 tháng gần đây giảm tốc sau khi đã tăng khá nhanh trong 6 tháng đầu năm. Tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) ở nhiều NH tăng lên. Chẳng hạn tại Vietcombank, tỷ lệ NIM tăng 0,16% lên 2,9%. Tỷ lệ NIM của MB tăng 0,35% lên 4,67%.
Theo các chuyên gia, tỷ lệ NIM tăng chủ yếu nhờ các NH đẩy mạnh cho vay cá nhân. Tại Vietcombank, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng trưởng với tốc độ gộp 51% trong 2 năm qua, tỷ trọng trong tổng dư nợ tăng từ 20,1% vào năm 2015 lên 32,7% vào năm 2017. Cho vay cá nhân tại MB thời điểm cuối tháng 9 đã tăng 22,8% so với đầu năm đạt 73.791 tỷ đồng, chiếm 36% tổng dư nợ (cùng kỳ năm ngoái chiếm 32,6%). 
Một số NH như BIDV và ACB cũng được nhận định đang có nhiều thay đổi sau khi thực hiện chiến lược tập trung vào phân khúc bán lẻ. Với tỷ lệ cho vay DNNVV và cá nhân cao hơn, tỷ lệ NIM của BIDV sẽ ổn định ở mức 2,9% cho đến năm 2022. Còn ACB đã hoàn thành việc tái cơ cấu và định vị vững chắc là một NH bán lẻ, dự báo tỷ lệ NIM có thể duy trì ở mức trên 3%. Khi cho vay nhỏ lẻ mang lợi ích lớn, sự cạnh tranh của các NH ngày càng gia tăng thông qua nhiều hình thức, và gần đây nhiều NH đã mạnh tay tăng thời hạn cho vay.
Chẳng hạn, VIB vừa điều chỉnh tăng hạn mức vay mua xe lên tới 80% trong thời hạn 8 năm, trong khi trước đó chỉ hạn mức chỉ 70% thời hạn 7 năm. Thậm chí, Techcombank còn nâng thời hạn vay trả góp lên 35 năm đối với một số dự án bất động sản, ân hạn thêm 24 tháng để trả gốc thay vì cho vay với thời hạn 10-20 năm như thông thường.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhận định, tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Đồng thời, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.
Tuy vậy, Thống đốc nêu rõ những rủi ro đang tiềm ẩn liên quan đến việc cấp tín dụng bất động sản, BOT giao thông. Tín dụng phục vụ đời sống tăng là tín hiệu tích cực để thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng, tuy nhiên nếu không được kiểm soát theo đúng mục đích và đối tượng vay vốn sẽ tiềm ẩn rủi ro trong thời gian tới. 
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính NH, NHTM đang chiếm thị phần lớn trong cho vay tiêu dùng bởi mảng này bao gồm cả cho vay mua nhà và sửa chữa nhà ở. Nếu bóc tách cho vay mua nhà, sửa chữa nhà ở, thực chất cho vay tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 12%. Rủi ro khi cho vay cá nhân tăng mạnh tiềm ẩn tại điểm này.
Chính vì vậy, chuyên gia này cho rằng cần bóc tách, sòng phẳng giữa cho vay bất động sản và cho vay tiêu dùng để lành mạnh hóa thị trường và để cho vay cá nhân đảm bảo an toàn cho hệ thống. 

Các tin khác