Cứu doanh nghiệp, ai cứu nhà băng

(ĐTTCO)-Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn ra, nhiều chương trình, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đã được tung ra, nhưng nổi bật nhất vẫn là các chính sách tái cơ cấu nợ, miễn giảm lãi vay do ngành ngân hàng (NH) triển khai. 
Cứu doanh nghiệp, ai cứu nhà băng
Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch bệnh vẫn tiếp tục kéo dài, nếu chỉ dùng nguồn lực NH để tái cơ cấu nợ, hỗ trợ các DN chỉ mới là liều thuốc giảm đau, khó kỳ vọng sự phục hồi. 
DN khốn khó
Nền kinh tế Việt Nam nói chung và các DN Việt Nam nói riêng đang trải qua một giai đoạn hết sức khó khăn. Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn cùng với dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất, tiêu thụ và xuất, nhập khẩu nông sản.
Đối với sản xuất công nghiệp, dịch Covid-19 dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu nhập khẩu đầu vào phục vụ sản xuất gây ảnh hưởng nặng nề. Ước tính chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) giảm mạnh 10,5% so với cùng kỳ năm trước, và là mức giảm duy nhất trong giai đoạn 2016-2020.
Tính chung 4 tháng, IIP chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Tương tự, bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực. Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 giảm 26% so với cùng kỳ năm trước và 4 tháng giảm 4,3%...
Đáng chú ý trong 4 tháng qua, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 22.700 DN, tăng 33,6%. 
Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế kinh doanh trên vay nợ. Mặc dù khu vực tư nhân đã có nhiều nỗ lực cơ cấu lại nguồn vốn để không còn quá phụ thuộc vào vốn vay NH, nhưng mức độ cải thiện chưa cao. Tăng trưởng tín dụng các năm gần đây vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng 12-14% mỗi năm, và tính đến cuối năm 2019 dư nợ tín dụng toàn ngành NH đã xấp xỉ 8,2 triệu tỷ đồng.
Đồng thời, tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP liên tục gia tăng trong các năm (2014 là 101%, năm 2015 là 111%, năm 2016 là 122%, năm 2017 và 2018 xấp xỉ 130%, năm 2019 tăng lên 136%), cho thấy nền kinh tế ngày càng phải vay mượn nhiều hơn so với tổng giá trị sản phẩm được tạo ra. 
Với đặc thù kinh doanh dựa trên nợ, khi DN đối mặt với sự suy giảm hoạt động kinh doanh, không chỉ dẫn đến sự thiếu hụt nguồn vốn phục vụ cho các kế hoạch mở rộng sản xuất, kinh doanh mà còn thiếu hụt vốn phục vụ cho việc trả các khoản nợ vay. Cũng chính vì lý do đó, các lĩnh vực kinh tế gặp khó khăn do dịch Covid-19, ngành NH buộc phải chung tay hỗ trợ để cứu DN và tự cứu chính mình.
Đẩy mạnh tái cơ cấu các khoản nợ cho DN và giảm lãi vay cho DN, người dân vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 là giải pháp được NHNN đốc thúc các NHTM triển khai. Số liệu của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho thấy, đến ngày 20-4-2020, các TCTD đã cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 166.544 khách hàng với dư nợ 62.835 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho 14.368 khách hàng với dư nợ 12.319 tỷ đồng.
Đồng thời, 948.407 tỷ đồng dư nợ hiện hữu cũng được giảm lãi suất với số lãi dự kiến giảm là 3.530 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các NH cho vay mới lãi suất ưu đãi với dư nợ cho vay mới đạt 511.230 tỷ đồng để các DN thực hiện phương án sản xuất kinh doanh. 

NH phải cứu mình trước
 Phải mở rộng chính sách tài khóa như giảm thuế, miễn thuế, tiền thuê đất thay vì chỉ là giãn, tạm hoãn. Còn nếu phụ thuộc vào vốn NH cơ hội tiếp cận vốn để tồn tại và phục hồi của nhóm DN rất mong manh.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, những NHTM có vốn Nhà nước năm nay dứt khoát phải giảm khoảng 40% lợi nhuận. Thí dụ năm ngoái, Vietcombank đạt khoảng 22.000 tỷ đồng lợi nhuận, năm nay NH này phải giảm 30-40%, tức đóng góp ít nhất 8.000 tỷ đồng dành cho vấn đề hạ lãi suất.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cũng cho biết, các TCTD đã phải tiết kiệm tối đa chi phí, giảm lương... để có nguồn lực hỗ trợ cho khách hàng. Trong kế hoạch năm nay, VPBank sẽ cắt khoảng 1.000 tỷ đồng chi phí, riêng quý I-2020 đã cắt giảm hơn 200 tỷ đồng chi phí góp phần hỗ trợ khách hàng.
Hỗ trợ của ngành NH rất thiết thực đối với các DN trong thời điểm này, nhưng sự giải cứu này chỉ đến từ nguồn lực của các NHTM cũng có thời hạn. Thông tư 01/2020 của NHNN cho phép các NH cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ tối đa đến 12 tháng; trong khi việc miễn, giảm lãi suất được thực hiện cho tới 3 tháng sau khi Thủ tướng công bố hết dịch.
Dù vậy, khi triển khai các NH cũng tự cân nhắc trong điều kiện hiện có. Đến thời điểm này, đa số các gói hỗ trợ được công bố có thời hạn kết thúc vào cuối tháng 6 hoặc cuối tháng 9.
Theo một chuyên gia kinh tế, NH xác định cứu DN là tự cứu chính mình, nhưng các gói hỗ trợ được đưa  ra hiện nay đều có thời hạn ngắn, sau đó tùy theo diễn biến tác động của dịch bệnh mới có những quyết định tiếp theo. Đó là cách để các NH đồng hành cùng DN, nhưng vẫn đảm bảo được vấn đề lợi nhuận. 
Đồng thời, chuyên gia này cũng cho biết, các gói hỗ trợ của NHTM luôn ưu tiên những khách hàng đạt được các yêu cầu, tiêu chuẩn và điều kiện nhất định do NH đặt ra để đảm bảo sự phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững cho chính NH. Nói một cách rõ ràng hơn là nhà băng chủ yếu dành ưu đãi cho các khách hàng còn có khả năng trả nợ.
Thực tế là Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam vừa có báo cáo cho biết, một số DN có được hỗ trợ theo chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, theo Công văn 117 và Thông tư 01 của NHNN.
Tuy nhiên, với một số DN trước đó đã gặp khó khăn về vốn và chậm khả năng thanh toán các khoản vay với NH đã bị cho vào nhóm nợ 2 (nợ bị quá hạn thanh toán trước 30 ngày), không được áp dụng các chính sách về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Trong khi đó, báo cáo mới đây của một công ty phân tích thị trường nhận định, nền kinh tế đang có 2 nhóm DN, một nhóm DN giảm doanh thu và một nhóm DN không có doanh thu. Trong cả 2 nhóm đó, dù các khoản nợ ngắn hạn và dài hạn được cơ cấu giãn nợ trong năm 2020, nhưng vẫn chịu các chi phí hoạt động, chi phí lãi vay và các khoản phải trả người bán ngắn hạn trong năm 2020. Vì vậy, duy trì hoạt động trong và sau dịch là một bài toán khó khăn. 
Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, lúc này rất nhiều DN lao đao, đầu vào không có nguyên vật liệu sản xuất, đầu ra không có thị trường để bán. Nhưng nếu đặt trường hợp dịch bệnh tại Việt Nam được kiểm soát từ cuối tháng 6, tình hình kinh tế có thể ổn định bắt đầu từ quý III, thì DN cũng không thể phục hồi ngay được mà cần thời gian ít nhất 1 năm. Và nếu không được hỗ trợ kịp thời, DN cũng khó phục hồi được. 

Mở rộng hầu bao từ chính sách tài khóa
 NH xác định cứu DN là tự cứu chính mình. Nhưng các gói hỗ trợ của NH luôn ưu tiên những khách hàng đạt được các yêu cầu, tiêu chuẩn và điều kiện nhất định do NH đặt ra, tức chủ yếu dành ưu đãi cho các khách hàng còn có khả năng trả nợ.
Tương lai của cộng đồng DN     vẫn chưa khả quan, nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào ngành NH cũng vẫn phải đảm bảo vấn đề an toàn hệ thống. Như vậy, tiếp tục dựa chủ yếu vào chính sách tiền tệ của ngành NH cũng sẽ khó đạt được mong muốn DN duy trì hoạt động trong dịch, phục hồi sau dịch. Muốn phục hồi, rõ ràng rất cần có thêm sự trợ giúp từ các biện pháp hỗ trợ tài khóa. 
Theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất có hiệu lực từ ngày 8-4, đối tượng được hỗ trợ mở rộng, theo đó gói giãn thuế từ dự kiến ban đầu là 30.000 tỷ đồng đã ước tăng lên khoảng 180.000 tỷ đồng. Nhưng theo khảo sát của nhóm nghiên cứu Đại học Kinh tế quốc dân, trong số các chính sách hỗ trợ được DN đánh giá, chính sách gia hạn thời gian nộp thuế thu nhập DN, giá trị gia tăng, tiền thuê đất… có số điểm thấp nhất. 
Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, giải pháp hỗ trợ nên là giảm thuế, miễn thuế, tiền thuê đất thay vì chỉ là giãn, tạm hoãn. Ngoài ra, một số DN cũng đang đề xuất được gia hạn nghĩa vụ nộp thuế và tiền thuê đất dài hơn thời hạn 5 tháng được quy định tại Nghị định 41/2020. Bởi vì thời gian gia hạn này vẫn quá ngắn, nếu đến lúc đó DN chưa kịp phục hồi vẫn sẽ chịu gánh nặng không nhỏ. 
Về nguồn vốn, TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất Chính phủ cần dành một gói hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước khoảng 150.000 tỷ đồng, tương đương với 2% GDP của Việt Nam để hỗ trợ trực tiếp các DNNVV thông qua cơ chế ủy thác NH giải ngân. Như vậy, gói hỗ trợ mới giúp cho các DNNVV đang khó khăn được phục hồi. Còn nếu chỉ có các gói hỗ trợ phụ thuộc vào vốn NH sẽ kèm theo điều kiện tín dụng chặt chẽ, như vậy cơ hội tiếp cận vốn để tồn tại và phục hồi của nhóm DN rất mong manh.

Các tin khác