Đa cấp tiền ảo iFan, sập bẫy chiêu trò cũ

(ĐTTCO) - Huy động vốn từ tiền ảo là một chiêu trò cũ, nhưng luôn “bẫy” được một lượng lớn nhà đầu tư (NĐT).
Vụ việc NĐT tố cáo CTCP Modern Tech lừa đảo thông qua dự án huy động vốn iFan,  mới biết đã có hơn 32.000 người tham gia với số tiền lừa đảo hơn 15.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy, dù pháp luật không công nhận tiền ảo và quy định gắt gao về biện pháp xử lý sai phạm, nhưng vẫn còn nhiều NĐT và một bộ phận người dân lao vào sập bẫy.
Một dự án công khai sai phạm
Modern Tech gồm 7 người Việt Nam sáng lập chính, quảng cáo một dự án huy động vốn mang tên iFan đến từ Singapore và Pincoin đến từ Ấn Độ, đăng ký mã số thuế ngày 5-10-2017 và cùng lúc triển khai các hoạt động quảng bá đầu tiên cho dự án iFan. Modern Tech đã tổ chức nhiều sự kiện tại Hà Nội và TPHCM để kêu gọi NĐT mua tiền ảo iFan như một loại cổ phiếu có giá trị với mức lợi nhuận khủng.
 Trong thời gian tới chắc chắn cơ quan nhà nước, đặc biệt là NHNN và cơ quan điều tra Bộ Công an sẽ điều tra hành vi lừa đảo của những nhà sáng lập ifan, từ đó xem xét dấu hiệu hình sự, có khả năng sẽ truy tố sự việc này.
TS. BÙI QUANG TÍN, 
Trường Đại học NH TPHCM
Trong buổi hội thảo tổ chức tại Hà Nội vào tháng 12-2017, Lê Ngọc Tuấn tự giới thiệu là giám đốc đào tạo và giám đốc online marketing của Modern Tech, đã trình bày rất chi tiết về khả năng sinh lời dự án iFan để kêu gọi đầu tư: “Chúng ta không thể tạo ra vàng nhưng có thể tạo ra iFan. iFan chính là vàng, cộng đồng đoàn kết cùng nhau tạo ra iFan, cùng mua, cùng sở hữu, cùng sử dụng, ứng dụng iFan vào hệ sinh thái mạng xã hội, vào cuộc sống, vào giáo dục, vào vui chơi giải trí sẽ tạo ra 1 đồng tiền có giá trị thật và quyết định được tính phổ biến, quyết định được khả năng tăng giá của nên hoàn toàn có thể tự tin đầu tư”.
Đó là lý do được đưa ra để giải thích về mức lợi nhuận lên đến 48-60%/tháng mà dự án này đưa ra. 
Một mức lợi nhuận khủng bất hợp lý như vậy nhưng nhiều NĐT lao vào như con thiêu thân. Được biết, NĐT mua và sở hữu sớm iFan của Modern Tech đã kết thúc với kết quả 10 triệu coin iFan đã bán ra trong vòng 10 ngày, thay vì 3 tháng như dự kiến. Theo đó, Modern Tech tiếp tục thực hiện dự án lending, cho phép NĐT sử dụng đồng tiền đã sở hữu để đầu tư và nhận lãi suất hàng tháng.
Có 6 gói đầu tư lending. Gói đầu tiên là từ 100-1.000 USD, lợi nhuận tối đa lên đến 48%/tháng và được trả hàng ngày. Thí dụ, hôm nay đầu tư 1.000 USD, ngày mai sẽ nhận được tiền lãi và cho đến 30 ngày sẽ nhận đủ mức 48%. Sau 120 ngày (4 tháng) được nhận lại số tiền gốc đã đầu tư và sau đó chỉ nhận lãi. 
Đa cấp tiền ảo iFan, sập bẫy chiêu trò cũ ảnh 1 Một buổi thuyết giảng về đa cấp tiền ảo iFan. 
Gói thứ 2 từ 1.010-5.000USD, lợi nhuận 48%/tháng nhưng mỗi ngày được thưởng thêm 0,1%, tức sau 30 ngày được cộng thêm 3%, tổng cộng được hưởng 51%/tháng. Với gói này, đến ngày thứ 110, NĐT sẽ nhận đủ tiền gốc. Gói thứ 3 từ 5.010-10.000USD, lợi nhuận 48%/tháng và thưởng thêm 0,2%/ngày, tức tối đa 54%/tháng, sau ngày 100 sẽ nhận được tiền gốc đã đầu tư.
Gói 4 là gói VIP từ 10.010-25.000 USD, lợi nhuận 48%/tháng cộng thưởng 0,25%/ngày được tối đa 55,5%/tháng, đến ngày thứ 90 nhận đủ tiền gốc. Gói 5 từ 25.010-100.000 USD sẽ cộng thêm 0,3%/ngày (9%/tháng) được tối đa đến 57%/tháng. Gói 6 (founder) từ 100.000 USD trở lên sẽ được cộng 10,5%/tháng, tối đa 58,5%/tháng và chỉ sau 60 ngày nhận được tiền gốc. 
Ngoài ra, còn có các chính sách thưởng theo tầng và thưởng theo tuần. Khi mời một người bạn A của mình tham gia iFan, A là F1, NĐT sẽ được thưởng 8% tiền mặt trong số tiền đầu tư đó ngay lập tức. Khi F1 mời tiếp F2, NĐT sẽ nhận 6% trên tổng số tiền F2 đầu tư…
Thưởng hàng tuần tính trên doanh số của tổng số các thành viên của NĐT đạt được, trong tuần doanh số của các thành viên đạt 1.000USD được thưởng 1% khoản này, doanh số đạt 100.000USD được thưởng đến 4%, tức là 4.000USD/tháng. Lê Ngọc Tuấn còn thuyết phục thêm, các đồng tiền ảo có tiếng tăm đã tăng giá mạnh và khó có thể tăng thêm, nhưng iFan là một cơ hội, với mức giá chỉ 2,6USD/iFan, đồng tiền này sẽ dễ dàng tăng lên 10USD, theo đó tài sản của NĐT cũng sẽ nhanh chóng tăng gấp 3 lần.
Cuối năm 2017, NHNN đã có văn bản thông báo, theo các quy định của pháp luật, bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam, việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.
Về chế tài xử lý vi phạm, từ ngày 1-1-2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Dựa trên những quy định này, dự án iFan của Modern Tech giới thiệu là một dự án vi phạm pháp luật rất rõ ràng.

NĐT bất chấp lao vào
Đối với người dân, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương cũng đã từng cảnh báo việc tham gia hoạt động kinh doanh tiền ảo theo kiểu đa cấp tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn, vì chủ của hệ thống có thể dễ dàng sử dụng, chiếm đoạt các nguồn tài chính của NĐT mà không có bất cứ sự ràng buộc nào giữa 2 bên, trường hợp xảy ra tranh chấp, NĐT sẽ không có cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình.
Tuy nhiên, các NĐT tham gia dự án tiền ảo đã bỏ qua các khuyến cáo cũng như quy định của pháp luật để tham gia vào các dự án này. Hậu quả là cho đến thời điểm này, lợi nhuận như đại diện Modern Tech hứa hẹn vẫn chưa thấy, trong khi hàng chục ngàn người đang lâm vào cảnh đầu tư tiền ảo mất tiền thật.
Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam, trong vụ việc iFan, các kỹ thuật tài chính từ chính thống đến lừa đảo đã được phối hợp triển khai gồm mô hình Ponzi, MLM (đa cấp tiền số) và lending (bán gói). Với hình thức lending, NĐT không được cầm đồng coin của chính mình, đây là hình thức công khai để lấy một phần tiền lời của chính NĐT trả lại cho chính họ.
Theo đó, khi mua gói đầu tư giá với lãi suất có thể lên đến 50%, nhưng thật ra là sàn vay của NĐT và thuyết phục NĐT không nhận lãi bằng tiền mặt để nhận đồng coin của họ, đồng tiền mà họ muốn phát hành bao nhiêu cũng được với mục đích tái đầu tư. Sàn còn nói đó là hình thức lãi kép khiến NĐT thích thú hơn nữa. Đó chính là lý do nhiều người sập bẫy. 
Đáng chú ý, theo tìm hiểu của ĐTTC, hiện nay ngoài các dự án đa cấp tiền ảo đã sập, vẫn còn nhiều dự án đang được triển khai với hình thức tương tự đang hoạt động. Chẳng hạn dự án DropDeck đang được các thành viên tham gia giới thiệu là một hình thức gọi vốn hoàn toàn mới trên thế giới. Công nghệ AI và blockchain cho phép DropDeck tạo ra một sản phẩm hoàn hảo cho các nhà đầu tư muốn đổ tiền vào các dự án khởi nghiệp, hoặc doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua cả hai hình thức là đầu tư và cho vay.
Các thành viên sáng lập DropDeck phát hành đồng tiền riêng là DDD. Để tham gia góp vốn vào Dropdeck, NĐT phải nạp Ethereum với mức quy đổi 1ETH=14.000 DDD và sẽ dùng loại tiền tệ này để thực hiện việc đầu tư hoặc cho vay đối với các dự án khởi nghiệp hoặc doanh nghiệp nhỏ và vừa trên DropDeck, thông qua đó hưởng nhiều lợi ích mà hình thức đầu tư thông thường hiện giờ chưa đáp ứng được. Bên cạnh đó các trang web tiền ảo đa cấp như Bitdeal, Poly, MLM… hiện vẫn đang có lượng truy cập rất lớn.

Các tin khác