Đa dạng chiêu huy động vốn

(ĐTTCO) - Tín dụng đã tăng 5% kèm theo quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, đang hâm nóng cuộc đua hút vốn huy động để đáp ứng nhu cầu cho vay và đảm bảo chỉ số an toàn vốn của các NHTM.
Hút vốn qua nhiều kênh
Trước nay, các NHTM có vốn nhà nước luôn áp dụng mức lãi suất thấp, nhưng hiện cuộc đua cạnh tranh huy động vốn cũng đã tác động đến các NH này. Hiện mức lãi suất cao nhất trên biểu lãi suất niêm yết của Vietinbank đã chạm mốc 7%/năm.
BIDV đang áp dụng chương trình cộng thêm lãi suất 0,3%/năm đối với các kỳ hạn dưới 12 tháng, và cộng 0,1% lãi suất đối với kỳ hạn trên 12 tháng khi gửi tiết kiệm trực tuyến. Với chương trình này, lãi suất tiền gửi thấp nhất tại NH này là 4,4%/năm và cao nhất là 7%/năm. 
 NHNN khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động thanh tra chuyên ngành thực hiện các quy định về lãi suất huy động vào định hướng kế hoạch thanh tra hàng năm của ngành NH, nhằm xử lý nghiêm các TCTD có hành vi vi phạm quy định về lãi suất huy động. Đây có lẽ cũng là cảnh báo mà các NH cần chú ý khi cạnh tranh huy động vốn.
Tại HDBank, khách hàng tham gia gửi tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng tại quầy giao dịch cũng sẽ được cộng thêm lãi suất. Lãi suất cuối kỳ kỳ hạn 13 tháng NH này đang niêm yết là 7,2%/năm, nhưng tương ứng với thời gian gắn kết cùng HDBank, tức khách hàng sẽ được cộng thêm cho món gửi từ 0,2%/năm đến 0,4%/năm.
Sau các vụ mất tiền, Eximbank cũng tung chiêu hút vốn như cộng thêm 0,2%/năm khi gửi tiền trực tuyến trên internet banking, hoặc mobile banking và cứ mỗi 100 triệu đồng gửi tiền kỳ hạn 6 tháng, nhận lãi cuối kỳ được nhận 1 E-voucher trị giá 100.000 đồng và số lượng voucher không giới hạn.
Một sản phẩm huy động vốn có nhiều sức hút tiếp tục được các NH triển khai trong cuộc đua huy động vốn hiện nay là chứng chỉ tiền gửi. Sacombank phát hành chứng chỉ tiền gửi dài hạn bằng VNĐ trên toàn hệ thống dành cho khách hàng cá nhân và tổ chức. Mệnh giá tối thiểu 1 triệu đồng, kỳ hạn 7 năm (84 tháng) với mức lãi suất rất hấp dẫn 8,5%/năm.
SCB cũng vừa triển khai sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với 6 mệnh giá 100 triệu đồng, 200 triệu đồng, 500 triệu đồng, 1 tỷ đồng, 2 tỷ đồng và 5 tỷ đồng. Đáng chú ý NH này chỉ huy động chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn 189 ngày, áp dụng lãi suất đến 6,8%/năm. 
HDBank vừa thông qua Nghị quyết chấp thuận phương án phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu trung, dài hạn trong năm 2018 để huy động vốn. SHB lại hướng đến huy động vốn từ doanh nghiệp (DN) khi nhân 3 ưu đãi gồm ưu đãi tiền gửi, lãi suất vay và phí giao dịch khi DN gửi tiền tại NH này.
Cụ thể, với khoản tiền gửi từ 200 triệu đồng gửi có kỳ hạn, DN được cộng ngay lãi suất 0,2% trên số tiền gửi và tặng 3 phiếu ưu đãi lãi suất tiền gửi dành cho lãnh đạo DN, gửi từ 1 tháng trở lên được nhận phiếu ưu đãi giảm lãi vay lên tới 40 triệu đồng. Đồng thời, DN còn được miễn/giảm phí lên tới 50% khi chuyển tiền trong nước bằng VNĐ tại quầy và miễn/giảm phí nộp, rút tiền mặt từ tài khoản thanh toán.
Đa dạng chiêu huy động vốn ảnh 1 Khách hàng giao dịch tại HDBank. 
Huy động phải trong khung
4 tháng đầu năm 2018, tín dụng tăng trên 5%. Theo ông Phạm Thanh Hà, Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, trước đây, những tháng đầu năm tín dụng tăng trưởng rất thấp (3-3,5%) do hoạt động của nền kinh tế thường chậm lại đầu năm, nhưng 2 năm trở lại đây (2017-2018) tín dụng tăng ở mức khá cao.
Báo cáo của Công ty chứng khoán Rồng Việt tổng hợp từ các NH đã niêm yết cho thấy, thu nhập lãi của các NH trong quý I tăng trưởng mạnh, được đóng góp từ việc các NH tối ưu dư địa cho vay so với huy động. Điều này có thể nhận thấy qua chênh lệch giữa tăng trưởng cho vay và huy động khách hàng tiếp tục được thu hẹp (BIDV, Vietinbank), thậm chí ở một số NH như MB, Vietcombank, TPBank, HDBank đã có mức tăng trưởng cho vay cao hơn tăng trưởng huy động. 
Song song đó, theo Thông tư 19 của NHNN, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn giảm về mức 45% trong năm 2018 và về mức 40% từ năm 2019. Theo đó, các NH như Eximbank, Kienlongbank, SHB, HDBank, LienVietPostBank cũng sẽ chịu áp lực huy động từ dân cư tăng lên.
Với thực tế đó, nhu cầu huy động vốn để đáp ứng yêu cầu kinh doanh của các NHTM hiện nay cũng gia tăng. Đáng chú ý, sau các vụ việc mất tiền diễn ra trong thời gian gần đây, lần này đi kèm với các chương trình huy động vốn, các NH còn cạnh tranh cung cấp miễn phí tiện ích thông báo biến động số dư tiết kiệm, kiểm tra số dư tài khoản từ xa, trực tuyến… nhằm tạo sự an tâm cho khách hàng khi gửi tiền.
Trong bối cảnh các NH đang thực hiện nhiều giải pháp để huy động vốn, thì mới đây các cử tri cũng đã kiến nghị NHNN tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các NHTM trong hoạt động kinh doanh, vì thực tế hiện nay một số NHTM có chủ trương chi thêm lãi ngoài cao hơn mức lãi tiền gửi tiết kiệm theo quy định cho khách hàng.
Trên cơ sở đó, NHNN đã chủ động triển khai nhiều biện pháp để chấn chỉnh kịp thời; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về chấp hành quy định lãi suất huy động và ban hành các văn bản cảnh báo, khuyến nghị gửi các TCTD. 
Theo NHNN, trường hợp các đơn vị (nhất là các TCTD) tiếp tục để xảy ra các hành vi vi phạm đã được cảnh báo, NHNN xem đây là hành vi cố ý vi phạm các quy định của Nhà nước, không chấp hành chỉ đạo của Thống đốc NHNN và sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; đồng thời, xử lý nghiêm người đứng đầu các đơn vị, đặc biệt là hội đồng quản trị/ban điều hành và lãnh đạo các chi nhánh TCTD; xem xét trách nhiệm của Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và bộ phận thanh tra giám sát tại chi nhánh có TCTD tiếp tục để xảy ra vi phạm. Những giải pháp được đưa ra cho thấy, NHNN đang siết chặt hơn đối với những sai phạm về lãi suất. 

Các tin khác