Đẩy mạnh thanh tra giám sát ngân hàng

(ĐTTCO) -Hàng loạt lãnh đạo cấp cao ngành NH trước đây đã và đang bị khởi tố với các vi phạm vô cùng nghiêm trọng. Cụ thể, ông Trần Phương Bình, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), Tổng giám đốc đang bị xét xử về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản… 
Hay liên quan đến đại án Phạm Công Danh, ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV mới đây đã bị khởi tố bắt tạm giam về tội vi phạm quy định về hoạt động NH. Điều này cho thấy nhiều lỗ hổng trong vấn đề quản lý nội bộ của NH. ĐTTC đã trao đổi với TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính NH xung quanh vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: - Ông nhận định gì về những đại án NH đã và đang xét xử, ?
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Những vụ việc nói trên đang được tòa xử lý nên chúng ta không thể đưa ra kết luận về các hành vi sai phạm. Tuy nhiên, các vụ việc xảy ra đã đặt ra vấn đề nội bộ về việc quản lý, thanh tra, giám sát NH. Thứ nhất, việc các NH tài trợ, cho vay các bên liên quan, cho vay không đúng theo quy trình nội bộ và những quy định của NHNN, cho thấy quản lý nội bộ của các NH rất yếu kém.
Cụ thể, về quản lý nội bộ, các NH đều có bộ phận kiểm toán nội bộ và Ban kiểm soát (BKS). BKS trực thuộc đại hội cổ đông (ĐHCĐ) và báo cáo cho HĐQT. Kiểm toán nội bộ trực thuộc BKS và Ban điều hành của NH. Lẽ ra BKS, kiểm toán nội bộ và cả bộ phận quản lý rủi ro phải lên tiếng báo động khi những sự việc đó xảy ra.
Do đó, dù trách nhiệm thuộc những người trực tiếp thực hiện như ông Trần Phương Bình, ông Phạm Công Danh hay ông Trần Bắc Hà và những đối tượng liên quan… nhưng cũng phải đặt ra câu hỏi khi vụ việc đó xảy ra BKS, bộ phận kiểm toán nội bộ ở đâu.  
 Đẩy mạnh thanh tra giám sát ngân hàng ảnh 1
Phần lớn những sai phạm tại các NH cho đến nay mới được tòa án đưa ra, còn trước đó hầu như không ai lên tiếng. Các lãnh đạo NH, HĐQT, thành viên HĐQT độc lập, BKS cũng không lên tiếng, để rồi thiệt hại không chỉ ở một NH mà ở nhiều NH, với số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
- Thông thường quy trình thanh tra giám sát 1 NH được cơ quan quản lý tiến hành như thế nào, và vì sao để lọt những sai phạm như vậy?
- NHNN có 2 loại thanh tra là định kỳ và đột xuất. Thanh tra định kỳ thực hiện 1 năm 1 lần. Trước khi thanh tra, NHNN sẽ thông báo cho NH biết bao nhiêu thanh tra và yêu cầu NH cung cấp thông tin gì. Trong trường hợp thanh tra đột xuất, cơ quan quản lý chỉ thông báo trong một thời gian rất ngắn và cũng cho biết sẽ thanh tra những hoạt động, lĩnh vực nào.
Trên thực tế, khi có thông báo về nội dung và thời điểm thanh tra, những đối tượng cố tình vi phạm vẫn có nhiều cách để che giấu. Như ông Trần Phương Bình sau khi nhận thông báo thanh tra, đã điều chuyển các khoản âm quỹ về nơi mà cơ quan thanh tra sẽ không thanh tra, như các chi nhánh, phòng giao dịch.
Bên cạnh thanh tra thông thường, NHNN còn đặt NH vào tình trạng kiểm soát đặc biệt nếu có vi phạm, có vấn đề trầm trọng. Trong trường hợp đó không còn là thanh tra, mà cán bộ NHNN “nằm vùng” tại NH đó trong một thời gian. 
- Để khắc phục những vấn đề đã xảy ra, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD, cùng các quy định khác mới được ban hành trong các năm gần đây, đã bổ sung nhiều quy định với mục đích tăng cường giám sát hoạt động của các TCTD. Theo ông, việc siết chặt quản lý thông qua các quy định như vậy sẽ đảm bảo các TCTD lành mạnh hơn?
- Luật lệ chỉ là công cụ pháp lý để quản lý và kiểm soát ngành NH, còn thực tế sử dụng như thế nào để đưa đến 1 hệ thống NH lành mạnh hay không.  Luật Các TCTD sửa đổi có phần chặt chẽ hơn cũng là nền tảng cho sự phát triển an toàn, hiệu quả của hệ thống TCTD. Nhưng vấn đề đặt ra là liệu rằng ngành NH có chấp hành nghiêm túc để lành mạnh hơn, hoàn hảo hơn hay không.
Trước đây đã có Luật TCTD 2010, cũng không tránh được những vi phạm của các NH. Từ vụ việc 3 NH 0 đồng đến các vụ án này, cộng với một số trường hợp đã và đang được tòa thụ lý tương tự, chứng tỏ luật lệ có thể chặt chẽ nhưng vấn đề thi hành luật của các cơ quan quản lý và các thành viên tham gia thị trường chưa thật sự nghiêm túc. 
Theo tôi, để lành mạnh hơn, có lẽ NHNN phải có 1 báo cáo về tình hình thực tế của các NH dựa trên cơ sở của Luật TCTD 2010 và Luật TCTD sửa đổi, để xem các NH trong tình trạng nào. 
- Còn với chính bản thân NH, theo ông giải pháp nào để tiến tới một NH lành mạnh, công khai, minh bạch, không bị lũng đoạn dẫn đến những thiệt hại như từng xảy ra?
- Nếu muốn lành mạnh, vấn đề quản lý phải được siết lại. Trước nhất, ĐHCĐ phải được tổ chức dưới một hình thức dân chủ, minh bạch hơn. Trong ĐHCĐ của các NH Việt Nam, các báo cáo chỉ mang tính hình thức, phần lớn là những báo cáo được in sẵn, chỉ đưa ra những điểm tích cực chứ không nhắc đến những rủi ro hoặc sai phạm. Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, BKS nội bộ đọc báo cáo mang tính hình thức.
Tại ĐHCĐ của một vài NH, một số cổ đông cũng lên tiếng nhưng phản biện của cổ đông không được đón nhận. Chính vì thế, ĐHCĐ là chỗ để đưa ra những vấn đề tích cực lẫn tiêu cực để lành mạnh hoạt động, cuối cùng cũng không làm tròn nhiệm vụ.
Đồng thời, vị trí quan trọng trong HĐQT là thành viên HĐQT độc lập cần phải nâng cao hơn nữa. Thành viên này phải có tiếng nói, phản biện, đưa ra ý kiến về những sai phạm. Hiện phần lớn thành viên HĐQT của các NH rất thụ động, có thể nói họ chịu sự kiểm soát của HĐQT và Chủ tịch HĐQT nên tiếng nói rất yếu ớt, thường “nương theo chiều gió”.
Đặc biệt, BKS cần phải phát huy vai trò quan trọng của mình. BKS không thuộc HĐQT mà thuộc về ĐHCĐ, do ĐHCĐ bầu ra, HĐQT không được phép sa thải BKS. Do đó BKS cần phải thực hiện đúng nhiệm vụ là bên giám sát, đóng vai trò là thẩm phán để thẩm định những lành mạnh và sai phạm của NH. Nếu giải quyết được các vấn đề này sẽ tạo cơ sở để đảm bảo NH hoạt động an toàn.
- Xin cảm ơn ông.
  Thật sự hệ thống NH hiện nay có nhiều điểm tân tiến tích cực hơn 10 năm trước, cán bộ NH được đào tạo tốt hơn 10 năm trước, nhưng vụ việc xảy ra cho thấy việc quản lý, kiểm soát, thanh tra giám sát còn nhiều lỗ hổng cần phải xem xét.

Các tin khác