Độ trễ rủi ro của các nhà băng

(ĐTTCO) - Nền kinh tế gặp khó khăn nhưng các NH vẫn báo lãi lớn nhờ  tín dụng. Song dự báo những rủi ro của ngành này có độ trễ, có thể bộc lộ nửa đầu năm 2022.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Lãi lớn nhờ tín dụng
Trong 9 tháng năm 2021, dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 nhưng tín dụng đã cải thiện hơn cùng kỳ 2020. Đến ngày 7-10, tín dụng toàn hệ thống tăng 7,42% so với cuối năm 2020, cao hơn đáng kể so với mức tăng 5,48% của cùng kỳ 2020.
Kết quả kinh doanh quý III vừa được công bố cho thấy, nhiều NH có mức tăng tín dụng cao hơn mức tăng chung toàn hệ thống. Chẳng hạn, tăng trưởng cho vay khách hàng đến hết quý III của MSB đạt hơn 23%, HDBank tăng 16,1%, Techcombank tăng 16%, TPBank tăng 15%, MB tăng 12,8%, LienVietPostBank tăng 11%... 
Tín dụng khởi sắc, nguồn thu từ lãi vẫn không có nhiều do ảnh hưởng dịch bệnh. Các nhà băng tiếp tục nằm trong nhóm đầu của những doanh nghiệp (DN) khả quan về lợi nhuận sau 9 tháng, dù nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn. 
Theo báo cáo tài chính của VietinBank, thu nhập lãi thuần vào cuối quý III đạt 31.329 tỷ đồng, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 80% tổng thu nhập hoạt động. Nhờ vậy, dù dự phòng rủi ro cho vay khách hàng tăng thêm 8.900 tỷ đồng trong 9 tháng (tương đương tăng 71%), lợi nhuận trước thuế của VietinBank ở mức cao, đạt 13.910 tỷ đồng, tăng 34,2% so với cùng kỳ năm trước.
Hay tại MB, thu nhập lãi thuần 9 tháng đạt 19.029 tỷ đồng, tăng 31,4%. Mức thu nhập lãi này là bệ đỡ cho NH đạt lợi nhuận trước thuế 11.884 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ 2020, dù phải trích lập dự phòng rủi ro 6.018 tỷ đồng trong 3 quý, tăng 43,5% so với cùng kỳ. 
Tại NCB, dù dư nợ cho vay khách hàng chỉ tăng 2,6% nhưng cũng mang về mức thu nhập lãi thuần 1.088 tỷ đồng, trở thành động lực chính đẩy lợi nhuận trước thuế của NH lên 204 tỷ đồng, tăng 635% so với cùng kỳ.
Trong báo cáo gần đây, CTCK Bảo Việt (BVSC) nhận định, chỉ trong 3 tháng cuối năm 2020, tăng trưởng tín dụng đã tăng từ 6% lên trên 12%. Trên cơ sở đó, BVSC dự báo khi nền kinh tế hoạt động trở lại, cộng với nhu cầu tín dụng tăng lên do yếu tố mùa vụ, dư nợ tín dụng cuối năm sẽ tăng mạnh hơn, đạt khoảng 13% cho cả năm 2021. 
Điều này cũng đồng nghĩa nền kinh tế vẫn còn dư địa tăng tín dụng khá lớn. Tuy nhiên, giới tài chính cho rằng, dư địa này sẽ trở thành “nồi cơm” tín dụng cho NH hơn là cơ hội để giảm lãi vay trong những tháng cuối năm.
Bởi  NH vẫn tiếp tục cần mức thu nhập lãi thuần cao, tương ứng với việc phải duy trì biên lợi nhuận ròng (NIM) ở mức cao như hiện tại, để có dư địa tăng trích lập dự phòng khi các khoản nợ xấu do giãn cách xã hội bộc lộ trong thời gian tới.
Khó kéo dài
Các nhà băng đang hỗ trợ nền kinh tế thông qua cơ cấu nợ, giảm lãi suất. Tuy nhiên xét trên phương diện lãi suất, sự chênh lệch giữa đầu vào và đầu ra vẫn có khoảng cách khá rộng. Lãi suất huy động liên tiếp giữ xu hướng giảm kể từ quý IV-2020, nhưng mặt bằng lãi suất cho vay giảm không đáng kể, là nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận cao.
Cụ thể, đến cuối tháng 8 lãi suất tiền gửi bằng VNĐ bình quân của NH ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng. Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng chỉ 3,3-3,5%/năm, từ 4,2-5,7%/năm đối với tiền gửi từ 6 tháng đến 12 tháng, 5,5-6,8%/năm tiền gửi trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,1-6,7%/năm kỳ hạn trên 24 tháng.
Lãi suất tiền gửi USD của TCTD ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức. Trong khi đó, lãi suất cho vay bình quân của NH đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 7,7-9,5%/năm, lãi suất cho vay USD bình quân ở mức 3-6%/năm. 
Có nhà băng lý giải, lãi giảm chậm chưa tương xứng với lãi huy động do sức khỏe DN đã suy yếu bởi đại dịch, nên cho vay tại thời điểm này rất rủi ro. Rủi ro cao tương ứng với lãi suất cao và NH phải đảm bảo mức lợi nhuận đã cam kết với cổ đông.
Đặc biệt, từ năm tới khó khăn của NH có thể bộc lộ rõ hơn, lợi nhuận sẽ khó ở mức cao như hiện tại. Theo số liệu của NHNN, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm nay dự kiến ở mức 7,1-7,7%.
Con số này có thể cao hơn khi có tổng kết về hoạt động của các DN đã dừng hoạt động, phá sản do dịch Covid-19. Vì vậy, năm nay, các NH vẫn tranh thủ kéo giãn NIM để tăng nguồn thu, trích lập dự phòng bổ sung cho các năm tới.
Thực tế ở thời điểm này, nợ xấu đã tăng tại nhiều NH và đã rất nhiều tiền được dành ra cho phần trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ được cơ cấu. Theo tính toán của Viện Nghiên cứu BIDV, với khoảng 600.000 tỷ đồng dư nợ của các NH được cơ cấu lại theo Thông tư 14, năm nay ngành NH phải tăng trích lập dự phòng 70.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế chưa trích lập ước giảm thêm 3.400 tỷ đồng.
Đến năm 2022, các NH sẽ phải trích lập hơn 48.400 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế chưa trích lập ước giảm 29.600 tỷ đồng. Năm 2023, các nhà băng tiếp tục trích lập khoảng 46.100 tỷ đồng.
Với áp lực đó, ngành NH kỳ vọng dịch bệnh được kiểm soát tốt, nền kinh tế hồi phục, DN vượt qua được khó khăn, giảm áp lực từ nợ cơ cấu chuyển sang nợ xấu. Hiện nhiều nhà băng đang lấy lãi bù lỗ bằng cách chuyển dịch cho vay sang bán lẻ, khách hàng cá nhân để có biên lãi ròng cao hơn, từ đó bù đắp phần chi phí dự phòng rủi ro, đảm bảo mục tiêu lợi nhuận.
Chẳng hạn, tại Vietcombank, trong 9 tháng tín dụng tăng 11,5%, trong đó NH đẩy tín dụng bán lẻ tăng mạnh so với tín dụng bán buôn với tỷ trọng đạt 53,66%. Hay ABBank cho vay khách hàng cá nhân trong 9 tháng đạt 33.872 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm.
Nhìn vào hoạt động cho vay, thời điểm này cần nhắc lại hiện tượng đã xuất hiện từ năm 2020 về hiệu quả của dòng tín dụng đối với nền kinh tế. Trong 9 tháng tín dụng tăng 7,42% trong khi GDP chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước, tức tốc độ tăng dư nợ tín dụng/tốc độ tăng GDP đạt mức 5,2 lần.
Trong quá khứ, tốc độ tăng dư nợ tín dụng/tốc độ tăng GDP đạt mức 5,4 lần thời kỳ 2006-2010, giai đoạn 2016-2020 chỉ còn dưới 2,5%. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trên GDP ở mức 2,5 lần sẽ hỗ trợ cho nền kinh tế. Tín dụng/GDP cao có thể là biểu hiện của việc tiền chảy vào các thị trường tài sản như chứng khoán, bất động sản. 
 Hoạt động cho vay của các NH cần được giám sát chặt chẽ, tránh tình trạng vì áp lực dự phòng và lợi nhuận, NH đổ vốn vào những lĩnh vực rủi ro, nhất là khi đứng trước nguy cơ nợ xấu cao trong vài năm tới.

Các tin khác