DPRR - Giảm rủi ro, của để dành

(ĐTTCO) - Báo cáo tài chính quý III-2018 của nhiều NHTM cho thấy, khoản trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) tiếp tục ăn sâu vào lợi nhuận, thậm chí một số NH có mức trích lập cao hơn lợi nhuận. Tuy nhiên, đây cũng là một tín hiệu cho thấy các NH đang nghiêm chỉnh chấp hành việc trích lập để đảm bảo an toàn hoạt động.

Chấp nhận trích lập DPRR cao
Sacombank vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III-2018. Theo đó, 9 tháng qua, NH dành khá nhiều chi phí cho phần trích lập DPRR. Cụ thể, trong quý III, thu nhập lãi thuần đạt 2.070 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Trong đó, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 37% đạt 626 tỷ đồng, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng vọt 66% đạt 154 tỷ đồng, lãi từ hoạt động khác tăng 10% đạt 92 tỷ.
 Theo thông lệ thế giới, trích lập DPRR trên nợ xấu của NH đạt ngưỡng an toàn phải trên 100%, trong khi đa số các NH Việt Nam trích lập chưa đạt một nửa. Dù vậy, xu hướng các NH chủ động cải thiện hoạt động kinh doanh và tăng trích lập DPRR cho thấy, các nhà băng đang tích cực hơn trong quá trình đẩy mạnh xử lý nợ xấu và dự phòng cho những rủi ro tín dụng, để tránh bước vào vết xe đổ nợ xấu trước đây.
Nhận định của Moody’s
Tương tự, tổng thu nhập hoạt động trong quý III tăng 31,7% đạt 2.946 tỷ đồng, trong đó chi phí hoạt động chiếm 1.963 tỷ đồng, NH tăng mạnh trích lập DPRR tới 4,7 lần so với cùng kỳ lên mức 664 tỷ đồng, chiếm đến 67,5% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh. Như vậy, lợi nhuận trước thuế của quý III chỉ đạt 318 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ. 
Lũy kế 9 tháng năm 2018, tổng thu nhập hoạt động đạt 7.959 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ; chi phí hoạt động tăng 26% lên 5.466 tỷ đồng; chi phí DPRR tăng hơn 5 lần lên 1.178 tỷ đồng (chiếm 47% lợi nhuận thuần của NH); lợi nhuận trước thuế đạt 1.315 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ; lãi ròng đạt 931 tỷ đồng, tăng 20,8%.
Tương tự trong quý III, tổng thu nhập hoạt động của LienVietPostBank chỉ tăng nhẹ 4% đạt 1.315 tỷ đồng, nhưng chi phí hoạt động tăng 21% lên 764 tỷ đồng. Đồng thời, chi phí DPRR tín dụng tăng đến 89% lên 204 tỷ đồng, đã kéo lợi nhuận trước thuế của NH xuống 348 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng năm 2018, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 1.014 tỷ đồng, thấp hơn mức 1.434 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận ròng đạt 826 tỷ đồng, giảm 26,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do NH mới đây đã điều chỉnh giảm 30% kế hoạch lợi nhuận so với mục tiêu ban đầu, nên cũng đã thực hiện được 84% lợi nhuận đề ra. 
DPRR - Giảm rủi ro, của để dành ảnh 1 Dù lợi nhuận không cao so các NH khác, nhưng Sacombank sẽ tạo “của để dành” từ hoạt động trích lập DPRR. 
Năm nay, các NH nhỏ cũng cho thấy sự chủ động tăng cường trích lập DPRR. Tại VietABank, chi phí DPRR tín dụng quý III tăng vọt so với cùng kỳ, từ hơn 80 tỷ đồng lên hơn 195 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, nhà băng này trích lập DPRR hơn 358 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ hơn 178 tỷ đồng.
Trong quý, thu nhập lãi thuần của Saigonbank bị giảm 10,5% chỉ đạt 154 tỷ đồng, nhưng các hoạt động kinh doanh khác cũng co kéo hỗ trợ lại phần thu nhập lãi như lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 27,7% đạt 12 tỷ đồng, lãi từ kinh doanh ngoại hối đạt 8,6 tỷ đồng, tăng 87%, lãi từ hoạt động khác tăng đột biến hơn 8 lần so với cùng kỳ đạt 25 tỷ đồng.
Sau khi trừ chi phí hoạt động, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Saigonbank trong quý III đạt 91 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ. Song NH này lại phải trích lập DPRR tới 81 tỷ đồng, đã khiến lợi nhuận trước thuế chỉ còn hơn 10 tỷ đồng, giảm 85% so với cùng kỳ năm 2017. Tính chung 9 tháng, chi phí DPRR tăng hơn 2 lần lên 158 tỷ đồng, nên lợi nhuận trước thuế của Saigonbank đạt 122 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.

Tạo bộ đệm an toàn
Theo một chuyên gia tài chính, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc NH trích lập DPRR cao. Thứ nhất, do một số nhà băng tăng tín dụng quá nhanh. Chỉ mới 9 tháng, nhưng đã có nhiều NH đã sử dụng hết hạn mức tín dụng được cấp, một số khác còn lại dư địa khá ít. Tăng trưởng tín dụng nóng trong bối cảnh bên đi vay vẫn còn nhiều rủi ro, buộc NH phải tăng tỷ lệ trích lập DPRR để đảm bảo được yêu cầu xử lý nợ cũ và đảm bảo cho nợ mới. 
Thứ hai, hiện nay theo Thông tư 02 về phân loại nợ và trích lập DPRR, NHNN quy định các TCTD phải gọi đúng tên nợ xấu để phân loại nợ theo cơ chế chặt chẽ hơn. Theo quy định này, nợ quá hạn sẽ bao gồm cả nợ nhóm 2 và phải trích lập cả nhóm này mới được xem là trích đúng, trích đủ.
Thứ ba, sau khi áp dụng Nghị quyết 42, các NH cũng hạn chế bán nợ cho VAMC, thay vào đó đẩy mạnh các hình thức xử lý nợ xấu khác như bán nợ, phát mãi tài sản đảm bảo và một công cụ cũng được sử dụng nhiều là DPRR.
Ngoài ra, do Nghị quyết 42 khơi thông nhiều điểm nghẽn, một số NH cũng tăng trích lập DPRR với kỳ vọng sớm mua lại nợ từ VAMC để tự xử lý nhanh hơn. Nếu tất toán được toàn bộ trái phiếu VAMC, cứ mỗi một khoản nợ xấu được thu hồi, NH thu được một khoản vào lợi nhuận. Do vậy đối với nhiều NH, trích lập DPRR cũng là một kiểu “của để dành” để tạo ra những khoản lợi nhuận đột biến trong tương lai. 
Quan sát hoạt động của các NH năm nay, việc trích lập DPRR được chủ động thực hiện ngay từ quý đầu tiên. Do đó, đến nay chi phí cho DPRR của nhiều NH còn lớn hơn cả lợi nhuận 9 tháng. Một báo cáo của Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's đưa ra hồi đầu năm, cho biết lợi nhuận của NH năm 2018 sẽ được cải thiện, đó cũng chính là điều kiện để tăng cường các khoản trích lập DPRR.
Theo đó, dự kiến sẽ có nhiều NH có thể trích lập đầy đủ toàn bộ trái phiếu đặc biệt đã mua của VAMC trước thời điểm cuối năm nay. Moody’s cũng đánh giá cao sự cải thiện của tỷ lệ trích lập DPRR của các NH Việt Nam, nhưng tổ chức này cũng cho biết tỷ lệ này vẫn ở mức thấp so với các tiêu chuẩn quốc tế. 

Các tin khác