Đừng làm méo mó sắc thuế

(ĐTTCO) - Mới đây, góp ý cho đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu ngân sách nhà nước, TPHCM đã đề xuất mở rộng đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với một số mặt hàng, trong đó có điện thoại di động (ĐTDĐ) và mỹ phẩm. 
Đừng làm méo mó sắc thuế
Giải thích về đề xuất này, TPHCM cho rằng ĐTDĐ dù không phải hàng hóa, dịch vụ cao cấp, nhưng cũng không thuộc diện thiết yếu, bởi vậy việc đưa vào diện chịu thuế TTĐB nhằm hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng hợp lý. Còn với nước hoa và dịch vụ thẩm mỹ là loại hàng hóa, dịch vụ thuộc nhóm khá cao cấp, việc đánh thuế TTĐB các mặt hàng này giúp mở rộng điều tiết thuế vào thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ mức khá trở lên… 
Thực tế hiện nay, ĐTDĐ là phương tiện sử dụng thiết yếu của người dân, dùng để liên lạc với nhau, không có gì là xa xỉ. Theo số liệu mới nhất, hiện có 77,1 triệu người, tức hơn 80% dân số sử dụng internet và tỷ lệ người dùng ĐTDĐ 84%. Công nghệ di động với những chiếc ĐTDĐ vừa tiền túi của dân đang trở thành nguồn lực phát triển mạnh mẽ của nhiều ngành kinh tế, nhất là khi cách mạng công nghiệp 4.0 đã bắt đầu.
Và khi công nghệ ngày càng phát triển, điện thoại thông minh (smartphone) ra đời đã thúc đẩy xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội ngày càng tăng lên. Nhiều người dùng smartphone để mua hàng, chuyển khoản, các dịch vụ hàng ngày. Các ngân hàng thương mại trong nước tạo ra các dịch vụ ngân hàng số, những ứng dụng để khách hàng sử dụng trên smartphone. Do vậy việc đánh thuế TTĐB đối với ĐTDĐ sẽ đi ngược chủ trương lớn khuyến khích, hỗ trợ người dân thanh toán không dùng tiền mặt.
Nước hoa, mỹ phẩm là những hàng hóa làm đẹp cho con người, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, đã trở thành mặt hàng thiết yếu của phụ nữ, không chỉ người giàu mà ngay cả người thu nhập thấp cũng sử dụng. Giá những sản phẩm này đã bao gồm thuế giá trị gia tăng, dù là sản xuất trong nước hay hàng nhập khẩu đều đã được đóng thuế, nếu thu thêm thuế TTĐB giá cả sẽ bắt buộc phải tăng lên, tác động đến an sinh xã hội của người dân nói chung.
Vì thế, thay vì việc đánh thuế TTĐB với mỹ phẩm, cần đưa ra những phương án, chính sách khác để thúc đẩy môi trường kinh doanh tích cực, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh, khi đó thuế thu nhập cá nhân sẽ tăng lên, đồng nghĩa với việc tăng ngân sách nhà nước.
 Bản chất thuế TTĐB là đánh vào hàng hóa xa xỉ, không khuyến khích tiêu dùng, những hàng tiêu tốn ngoại tệ nhập khẩu hoặc ảnh hưởng xấu tới môi trường. Mục đích thu thuế TTĐB là hạn chế sự phát triển của sản phẩm, dịch vụ, tăng chi phí các sản phẩm hạn chế để tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Thí dụ, ô tô vừa là mặt hàng xa xỉ, vừa ảnh hưởng tới môi trường; hay rượu bia, thuốc lá tác động xấu tới sức khỏe cộng đồng… cần đánh thuế TTĐB. Việc đánh thuế TTĐB cũng nhằm tạo nên ranh giới phân biệt giữa các hàng hóa, dịch vụ nhà nước khuyến khích phát triển để tăng trưởng GDP với các loại hàng hóa, dịch vụ TTĐB. Việc đề xuất đánh thuế TTĐB đại trà lên nhiều hàng hóa dịch vụ sẽ phá vỡ ranh giới xác định nêu trên, tức ý nghĩa của luật thuế TTĐB không còn.
Những người công nhân, nông dân, hay người thu nhập thấp hiện nay đều sử dụng smartphone. Trong khi nước hoa và mỹ phẩm ngay cả các bạn sinh viên hay nhân viên văn phòng đều đang sử dụng hàng ngày. Rõ ràng, lọ nước hoa, thỏi son hay chiếc ĐTDĐ không thể liệt vào mục “hạn chế tiêu dùng”.
Và nếu vì mục tiêu tăng thu, nên khai thác những nguồn thu đã có nhưng còn thất thoát, thay vì tìm cách đánh thuế trên nguồn đại trà, dễ thu. Mở rộng cơ sở thuế không chỉ tăng thuế mặt hàng này hay đưa vào diện thu thuế với hàng hóa, dịch vụ kia, còn là đưa ra các chính sách, biện pháp để thu đúng, thu đủ, đảm bảo công bằng.

Các tin khác