Ghìm cương nợ xấu không dễ

(ĐTTCO)-Tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng thương mại (NHTM) đã có xu hướng tăng nhẹ vào cuối quý II-2020. Trong khi đó, Thông tư 01 của NH Nhà nước (NHNN) ban hành vào tháng 3-2020 chỉ trì hoãn tỷ lệ hình thành nợ xấu tạm thời. Điều này càng làm tăng nỗi lo tiềm ẩn rủi ro tăng lên trong trung hạn. Thực tế cho thấy, các NH cũng đang có sự chuẩn bị khi đã sớm tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng từ 2 quý đầu năm.
Ghìm cương nợ xấu không dễ
Nợ xấu nhích tăng
Khi dịch Covid-19 bùng phát, đã có nhiều dự báo cho rằng lĩnh vực NH sẽ tiềm ẩn nợ xấu tăng, khi các doanh nghiệp, hộ gia đình chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh, dẫn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn.
Mặc dù tính đến ngày 13-7, tất cả các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 272.000 khách hàng với dư nợ hơn 210.000 tỷ đồng (tức là những khoản nợ này không chuyển nhóm nợ), nhưng tỷ lệ nợ xấu tại nhiều NH cũng vẫn nhích tăng. 
Theo báo cáo tài chính quý II-2020 vừa công bố, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank tăng từ 0,79% lên mức 0,83%. Đó là về tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ, còn xét về con số tuyệt đối, nợ xấu lại tăng đáng kể.
Cụ thể, nợ nhóm 3 tăng đến 58%, từ gần 687 tỷ đồng lên hơn 1.086 tỷ đồng; nợ nhóm 4 tăng 56%, từ hơn 587 tỷ đồng lên gần 919 tỷ đồng. Tính chung tổng lượng nợ xấu của NH này đã tăng 11% trong tháng qua. 
Tại VietinBank, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay đã tăng từ 1,16% đầu năm lên 1,7% vào thời điểm cuối tháng 6. Nhưng xét trên con số tuyệt đối, tổng nợ xấu của NH này cũng đã tăng đến 48% so với đầu năm.
Vì dù nợ nhóm 5 giảm xuống 17%, từ 7.204 tỷ đồng xuống 5.959 tỷ đồng, nhưng nợ nhóm 3 và nhóm 4 có tốc độ tăng mạnh. Cụ thể, nợ nhóm 3 từ hơn 2.062 tỷ đồng vào cuối năm lên mức 7.155 tỷ đồng (gấp 3,5 lần); nợ nhóm 4 tăng 84%, từ 1.546 tỷ đồng lên 2.853 tỷ đồng.
Điều tương tự cũng diễn ra tại các NHTMCP. ACB ghi nhận tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ vay tăng nhẹ từ mức 0,54% lên 0,68% trong 2 quý đầu năm 2020. Song tổng nợ xấu tại ngày 30-6-2020 tăng 32% so với đầu năm, lên 1.918 tỷ đồng.
Trong tổng nợ xấu, nợ nhóm 3 tăng 48%, lên 348 tỷ đồng; nợ nhóm 4 tăng 64%, lên 510 tỷ đồng; nợ nhóm 5 tăng 17% lên hơn 1.060 tỷ đồng. VietBank ghi nhận gần 807 tỷ đồng trong 2 quý đầu năm, tăng 50% so với đầu năm về con số tuyệt đối.
Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 72%, nợ nhóm 4 tăng 26%, nợ nhóm 5 tăng 51%, đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của nhà băng này từ 1,32% lên 1,88%. Tổng nợ xấu của BAB tăng 19% so với đầu năm, đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tăng từ 0,69% lên mức 0,8%.
Trong đó, nợ nhóm 4 và nợ nhóm 5 lần lượt tăng 66% và 35%. Tổng nợ xấu của TPBank tăng 20% so với đầu năm khiến tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,29% lên mức 1,47%. Trong đó, nợ nhóm 3 và nợ nhóm 4 lần lượt tăng 47% và 22%. Số nợ xấu VIB tăng lên 3.267 tỷ đồng, tăng 29%, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay nâng từ lên 1,96% lên 2,3%.
 
Lo ngại nợ xấu tương lai
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội, Đề án 1058 "Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020", tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm còn 1,63%, nếu gồm cả nợ xấu bán cho VAMC và nợ xấu tiềm ẩn thì cũng chỉ còn 4,43% (giảm từ mức 10,08%). Nhưng quá trình xử lý nợ xấu đang trên đà khả quan lại vấp phải “tảng đá lớn cản đường” là dịch bệnh ập đến ngay từ đầu năm 2020. 
Theo các chuyên gia, mặc dù bản chất của đại dịch Covid-19 khác so với các cuộc khủng hoảng tài chính trước đây, nhưng Covid-19 cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của các NH, thể hiện qua tình hình nợ xấu của nhiều NHTM có xu hướng tăng lên trong quý I và quý II, dù NHNN đã ban hành chính sách cho phép NHTM thực hiện cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho hàng trăm ngàn khách hàng.
Thời điểm này, tỷ lệ nợ xấu vẫn còn thấp, nhưng việc cho phép nợ xấu và nợ tiềm ẩn nợ xấu được giữ nguyên trạng để thành khoản nợ bình thường để doanh nghiệp có thể tiếp tục vay vốn, là một rủi ro cho các NH trong tương lai. Vì tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Chủ động trích lập dự phòng
Trong 2 quý đầu năm, Sacombank tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 50% so với năm ngoái, lên đến hơn 1.565 tỷ đồng. Tổng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của TPBank vào cuối quý II ở mức 765,7 tỷ đồng, tăng tới 49,1% so với cùng kỳ 2019. VIB tăng hơn 31,7% so với cùng kỳ năm ngoái với hơn 421 tỷ đồng.
Tương tự, các NH khác cũng đã bổ sung nguồn trích lập dự phòng rủi ro khá mạnh mẽ. Cũng dễ hiểu về hiện tượng này, vì NH chuẩn bị sẵn sàng sẽ có ứng phó với các tình huống xấu trong trung hạn. Vì theo báo cáo của NHNN gửi Chính phủ vào tháng 4-2020, dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 lên tới 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống. 
Xử lý nợ xấu luôn là thách thức lớn đối với hầu hết các NH, đặc biệt là NH nhỏ có nợ xấu cũ từ chương trình tái cơ cấu. Nghị quyết 42 của Quốc hội vẫn chưa giải được hết những vấn đề vướng mắc, hàng loạt thủ tục hành chính pháp lý vẫn cản trở tiến trình xử lý nợ xấu.
Chính vì vậy, trước áp lực nợ xấu tiềm tàng trong năm nay, đa số các nhận định đưa ra gần đây đều cho rằng, năm nay NH phải chấp nhận giảm lợi nhuận, nghiêm túc trích lập dự phòng rủi ro, đồng thời phải siết chặt chất lượng tín dụng các khoản vay mới, tránh làm nợ xấu phát sinh thêm. Đó là giải pháp thiết thực nhất để ứng phó với nợ xấu.
Tuy nhiên, nếu tình trạng dịch bệnh tiếp tục kéo dài, các NH cần phải đánh giá sức chịu đựng tài chính để lập kế hoạch cho tương lai. Các NH cần thành lập bộ phận quản lý rủi ro tín dụng chuyên biệt, rà soát các chỉ tiêu để đo lường rủi ro tín dụng của các NH. 

Các tin khác