Giải pháp đối phó hút vốn dài hạn

(ĐTTCO) - Để đẩy mạnh huy động vốn trung và dài hạn, tại các NHTMCP đang có lãi suất rất hấp dẫn cho người gửi tiền. Tuy nhiên, người gửi tiền vẫn cân nhắc vì nếu rút trước hạn để chi tiêu hoặc đầu tư sẽ không được hưởng lãi. Nhằm vẹn cả đôi đường, vay thế chấp sổ tiết kiệm đang là dịch vụ kinh doanh tài chính được nhiều NH tư vấn để khách hàng yên tâm gửi tiền.

Cạnh tranh huy động kỳ hạn dài
Tính đến 31-5, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 5,74% so với cuối năm 2018. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái tín dụng tăng 6,16%, tốc độ tăng tín dụng năm nay ở mức thấp. Cùng với đó, giải ngân đầu tư công vẫn tương đối chậm (5 tháng đầu năm đạt 96.899 tỷ đồng, tương đương 23,25% kế hoạch năm).
 Thực chất đây chỉ là giải pháp đối phó, vì huy động phải từ 3 năm trở lên mới gọi là trung và dài hạn, mới ổn định vì cho vay trung hạn không phải cho vay 1 năm. 
Trong điều kiện đó, thanh khoản hệ thống NH các tháng qua cũng dồi dào. Trên thị trường OMO, lãi suất liên NH tương đối ổn định và được dự báo tiếp tục duy trì mức hiện tại trong các tuần tới. Song điều này chưa đủ sức hạ nhiệt cuộc đua huy động trên thị trường 1 của các NHTM. 
Ghi nhận tại NamABank, huy động tiền gửi tiết kiệm trực tuyến kỳ hạn 6 tháng đã lên đến mức 8%/năm, kỳ hạn 12 tháng 8,3%/năm, 18 tháng và 24 tháng 8,5%/năm, 8,7%/năm cho kỳ hạn 36 tháng.
Mức độ cạnh tranh huy động ở kỳ hạn 24-36 tháng cũng khá gay gắt, khi VietCapital áp dụng lãi suất 8,6%/năm, PGBank 8,5%/năm, SCB 8,3% và VietBank 8%/năm. Ở sản phẩm chứng chỉ tiền gửi, VietABank đẩy lãi suất huy động lên đến 9,1%/năm dành cho khách hàng nhận lãi cuối kỳ, SHB công bố lãi suất lên đến 8,9%/năm với số tiền từ 2 tỷ đồng kỳ hạn 36 tháng… 
Một số NH cũng muốn tăng huy động nguồn vốn lớn từ dân cư, khi áp dụng lãi suất cao nhất cho những khoản tiền gửi lớn. Chẳng hạn SHB áp dụng lãi suất 8,5%/năm cho khách hàng gửi từ 500 tỷ đồng. Cũng mức này gửi tại VIB được hưởng lãi suất 8,4%/năm và tại NamABank 8,3%/năm.
Một lãnh đạo NHTMCP cho biết, với mặt bằng lãi suất huy động hiện nay, tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của nhiều NH khá thấp, nhưng nhóm NH này không có nhiều lựa chọn. Bởi lẽ với định hướng giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của NHNN, các NH phải chủ động tìm nguồn vốn dài hạn để cho vay.
Giải pháp đối phó hút vốn dài hạn ảnh 1 Tu vấn cho khách hàng tại VietCapital. Ảnh: LONG THANH
Nếu NHTM có vốn nhà nước có nguồn tiền gửi đa dạng, như tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, tiền gửi không kỳ hạn hoặc có kỳ hạn của các tổ chức kinh tế lớn, thì các NHTMCP chủ yếu dựa vào huy động từ dân cư hoặc vay nước ngoài, dẫn đến sự cạnh tranh huy động gay gắt giữa các NH.
Tăng tiện lợi cho khách hàng
Áp lực lớn trong việc cân đối vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, các NH sẵn sàng nâng lãi suất huy động để thu hút tiền gửi. Nhưng đối với khách hàng, gửi tiết kiệm dài hạn vẫn là kênh đầu tư được cân nhắc khá kỹ.
Bởi lẽ, hiện hầu hết NH không áp dụng lãi suất cao ở sản phẩm tiết kiệm thường, thay vào đó áp dụng trong các gói ưu đãi, tham gia khách hàng phải đồng ý với điều kiện không được tất toán trước hạn. Trường hợp tất toán trước hạn, khách hàng sẽ không nhận được bất kỳ khoản tiền lãi nào. Đối với trường hợp rút trước hạn không báo trước hoặc không đạt được sự thỏa thuận từ phía NH, khách hàng còn có thể bị thu phí phạt. 
Tuy nhiên, để chiều lòng “thượng đế” gửi tiền kỳ hạn dài, NH tư vấn gửi dài hạn nếu cần vay lại với lãi suất thấp. Ghi nhận việc gửi tiết kiệm ở các NHTMCP, nhân viên các nhà băng đều tư vấn khách hàng gửi tiết kiệm dài hơn hưởng lãi suất cao.
Trong đó, kỳ hạn 13 tháng được giới thiệu nhiều vì không quá dài, nhưng lãi suất được áp dụng ở mức cao đáng kể so với biểu lãi suất huy động của NH. Để thuyết phục khách hàng tham gia gửi các kỳ hạn dài, nhân viên NH thường tư vấn sử dụng sổ tiết kiệm đang có để thực hiện thủ tục vay tiền hoặc thế chấp tại NH. Các khoản vay tối đa không vượt quá thời hạn gửi tiết kiệm. 
Anh Tùng (TPHCM) cho biết, tháng 4 anh gửi tiết kiệm 1 tỷ đồng theo chương trình “Bách niên - Phát tài” của HDBank, kỳ hạn 13 tháng được hưởng lãi suất ưu đãi 7,3%/năm nhận lãi hàng tháng. Tuy nhiên, đến tháng 5, do phát sinh khoản chi cho công việc, anh đã vay lại 500 triệu đồng thông qua việc cầm cố sổ tiết kiệm này, với lãi suất cao hơn 1,5% so với lãi huy động.
Khoản tiền lãi vay này hàng tháng được trừ vào phần lãi tiết kiệm của khoản tiền gửi ban đầu. Như vậy, dù gửi tiết kiệm dài nhưng khách hàng vẫn không bị động nếu cần tiền đột xuất. Hay tại Eximbank, khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn dài với lãi suất 8,3-8,4%/năm, được ưu đãi lãi suất cho vay cầm cố với biên độ so với lãi suất huy động 1,5-2%/năm (tùy thời hạn vay, kỳ hạn gửi). 
Nhân viên một NHTMCP có trụ sở tại TPHCM chia sẻ, NH đưa ra phương án này để khách hàng yên tâm khi tham gia gửi tiết kiệm dài hạn. Nhưng phương án này mới tập trung ở kỳ hạn 13 tháng. Theo các chuyên gia, huy động 13 tháng giúp vốn trung hạn tăng, nên nhiều NH đang áp dụng lãi suất cao đối với kỳ hạn này.
Nhưng thực chất đây chỉ là giải pháp đối phó, vì huy động phải từ 3 năm trở lên mới gọi là trung và dài hạn, mới ổn định vì cho vay trung hạn không phải cho vay 1 năm. Do đó, cần thúc đẩy doanh nghiệp tìm vốn từ trái phiếu, giảm phụ thuộc vào NH để thị trường vốn hoạt động đúng chức năng, thay vì tạo áp lực khiến các NH phải tìm nhiều cách đối phó để đảm bảo an toàn vốn.  

Các tin khác