Giảm giá USD phù hợp cung cầu

(ĐTTCO) - Trong tuần qua, NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm tỷ giá trung tâm với mức giảm tổng cộng 17 đồng và  lần đầu tiên điều chỉnh giảm giá mua vào USD kể từ khi áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm, với mức giảm tổng cộng 15 đồng. 
Khi đồng USD được điều chỉnh giảm, tiền gửi ngoại tệ tại các NHTM đã tăng trở lại trong các tháng của quý III vừa qua. ĐTTC đã trao đổi với ông TRẦN THANH HẢI, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư - Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGB), xung quanh vấn đề này.
Điều chỉnh kỹ thuật
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, trước nay NHNN chỉ nâng giá mua vào USD và cố định trong thời gian dài. Vậy vì sao NHNN lại có động thái liên tục điều chỉnh giảm tỷ giá trung tâm?
Ông TRẦN THANH HẢI: - Liên quan đến vấn đề này, đầu tiên cần nhắc lại từ đầu tháng 9 đến ngày 13-10, giá USD tại Vietcombank đã giảm từ 22.765 xuống còn 22.755 đồng. Như vậy, giá USD của các NHTM, đặc biệt là Vietcombank - NH có sức chi phối mạnh đối với ngoại tệ - cũng đã giảm 10 đồng.
Đồng thời, giá USD ngoài thị trường tự do ở mức 22.730-22.760 đồng/USD và gần như đứng trong tháng 10. Trong tuần trước, NHNN đã điều chỉnh giảm tỷ giá trung tâm 17 đồng và 3 phiên liên tục giảm giá mua vào USD. Hiện tượng này xuất phát từ 2 nguyên nhân bên ngoài và nội tại. 
Thứ nhất, việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) thông tin từ nay đến cuối năm dự kiến nâng lãi suất USD một lần nữa, sẽ làm chỉ số Dollar Index tăng, kéo giá USD toàn thế giới tăng, tức giá USD trong nước cũng sẽ tăng. Còn việc trong tháng 10 tỷ giá USD từ trung tâm đến NHTM lại giảm do những biến cố ở Triều Tiên.
Hiện nay, việc giải quyết khủng hoảng của Triều Tiên liên quan rất nhiều đến Hoa Kỳ. Khi Hoa Kỳ liên quan vào bất cứ cuộc chiến dài hơi nào cũng sẽ làm chỉ số Dollar Index suy yếu và đồng USD giảm, dẫn đến tỷ giá VNĐ/USD giảm. Giả sử cuộc khủng hoảng tại Triều Tiên sắp tới không kiểm soát được, chắc chắn chỉ số Dollar Index giảm, đồng USD trong ngắn hạn sẽ bị mất giá.
Nhưng kết quả về việc Triều Tiên có kiểm soát được khủng hoảng hay không phải chờ đến sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dự hội nghị APEC ở Việt Nam, sau đó đến Philippines dự hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ và ASEAN vào khoảng trung tuần tháng 11. 
 Có thể nói NHNN đã dựa trên những biến cố ngắn hạn để đưa ra những điều chỉnh về tỷ giá. Đây là điều chỉnh kỹ thuật, không hẳn là điều chỉnh chiến lược và cũng là điều chỉnh có lợi. Tuy nhiên, cũng nói thêm, nếu cuộc khủng hoảng Triều Tiên được cứu thoát và cuối năm FED tăng lãi suất, đồng USD sẽ hồi phục và tăng lại trên toàn thế giới, trong đó cả Việt Nam.

Thứ hai, trong những tháng cuối năm, việc tăng tín dụng VNĐ nhằm để giữ nhịp độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,7% như Quốc hội đã đề ra, nên nhu cầu VNĐ rất lớn.
Khi nhu cầu VNĐ nhiều, nhu cầu nắm giữ ngoại tệ sẽ giảm và sẽ có biện pháp kỹ thuật bán ngoại tệ sang VNĐ để tăng tốc đầu tư, nhằm đạt được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các NH. Vì vậy, việc giảm giá mua USD cũng phù hợp với quan hệ cung cầu do hiện nay cung nhiều hơn cầu. 

Kỳ vọng USD tăng giá?
- 9 tháng năm 2017, tỷ giá tại các NHTM đã giảm 0,14%, tỷ giá tự do giảm 1,64%, nhưng tiền gửi ngoại tệ sau khi sụt giảm mạnh trong năm 2016 và 2 quý đầu năm 2017 lại bắt đầu chuyển hướng tăng mạnh trong quý III. Có vẻ dù đồng USD trong nước được điều chỉnh giảm và lãi suất gửi USD bằng 0%/năm, nhưng người dân vẫn rất kỳ vọng vào kênh đầu tư này?
- Hiện nay lãi suất tiền gửi ngoại tệ bằng 0%/năm, lãi suất tiền gửi VNĐ ngắn hạn ở mức 4,8-5%/năm và lãi suất dài hạn lên đến 7,4%/năm. Chênh lệch khá lớn nhưng một bộ phận nhà đầu tư vẫn găm giữ USD gửi vào NH, không chuyển sang VNĐ.
Nguyên nhân do người dân vẫn kỳ vọng USD tăng giá, dù lãi suất tiền gửi USD chỉ 0%/năm, nhưng nếu USD tăng giá vẫn có lợi nhuận cao hơn nắm giữ VNĐ. Kỳ vọng này xuất phát từ việc FED yêu cầu tăng lãi suất vào tháng 12 này đã được thể hiện rõ.
Nếu không có biến cố ở Triều Tiên và biến cố bất thường ở khu vực Trung Đông, tôi nghĩ đồng USD sẽ lên giá vào cuối năm. Hơn nữa, nền kinh tế Hoa Kỳ đang có nhiều chính sách khác trước, như đưa việc làm về Hoa Kỳ, tạo tinh thần Hoa Kỳ, tiến hành các thỏa thuận cắt giảm chi tiêu cho Liên hiệp quốc và mới đây là rút khỏi UNESCO, rút khỏi chương trình chống biến đổi khí hậu Paris. Việc cắt giảm chi tiêu tạo nhiều cơ hội cho Hoa Kỳ hồi phục và phát triển. Chính vì thế, đồng USD trong trung hạn sẽ lên giá. 
Giảm giá USD phù hợp cung cầu ảnh 1 Ảnh minh họa: P.LONG 
Một điểm nữa là sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2007, Hoa Kỳ đã tung ra hơn 4.000 tỷ USD cho các nước vay nợ. Và khi USD tăng giá, 4.000 tỷ USD này có nguyên tắc sẽ từ các nước có khoản vay nợ bằng USD chảy ngược về Hoa Kỳ.
Như vậy, các tài sản phải bán đi để mua USD để trả nợ hoặc một bộ phận nhà đầu tư sẽ dồn vốn vào USD, với kỳ vọng Hoa Kỳ tăng lãi suất vừa có tiền gửi USD không mất giá, vừa có lãi. Đây cũng là một yếu tố tạo ra kỳ vọng tăng giá của đồng USD. Đó là nguyên nhân trực tiếp và đầu tiên để các tổ chức và cá nhân trở lại găm giữ ngoại tệ.
Bên cạnh đó, bản thân nền kinh tế Việt Nam cũng có nhiều yếu tố ổn định nhưng cũng có nhiều yếu tố bất định. Cộng các yếu tố này lại, lời khuyên đầu tư thường được đưa ra là không nên bỏ trứng vào cùng một giỏ. Đầu tư vào vàng, chứng khoán, ngoại tệ hay gửi tiết kiệm nên rải đều ra với tỷ lệ hợp lý và tùy theo khẩu vị của một người.
- Dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đã đạt 45 tỷ USD, tăng 6 tỷ USD so với cuối năm 2016 và đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay. Ông bình luận gì về con số này?
- Dự trữ ngoại hối lâu nay luôn được công bố tăng liên tục trong năm nhiều năm qua. Trong một quốc gia xuất siêu, dự trữ ngoại hối tăng là sự cộng hưởng có khả năng khích lệ nền kinh tế.
Nhưng trong một quốc gia đang thiên về nhập siêu cộng với bội chi ngân sách (bao gồm bội chi VNĐ và bội chi trả nợ bằng ngoại tệ) như Việt Nam, dự trữ ngoại hối tăng kỷ lục cũng là điểm tích cực. Nhưng nhìn ở khía cạnh khác, cũng có nhiều ý kiến lo ngại dự trữ ngoại hối có còn nguyên vẹn hay không. Như cách đây mấy tháng đã có hiện tượng các NH đua nhau gửi ngoại tệ ra nước ngoài khi NHNN có chủ trương đưa lãi suất về mức 0%.
Thậm chí nhiều NH có hàng tỷ USD gửi ở các NH nước ngoài để hưởng 0,25-0,5%/năm hay 1%/năm. Do đó phải hiểu dự trữ ngoại hối là con số do NHNN công bố có tác dụng ổn định tinh thần vĩ mô hơn tác động đến động thái cụ thể của từng doanh nghiệp.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác