Giảm thiểu rủi ro trong quản trị tiền tệ

(ĐTTCO) - Trong số nguyên nhân dẫn đến nợ xấu NH những năm qua có rủi ro về đạo đức. Một bộ phận cán bộ NH thoái hóa đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, câu kết với khách hàng để cố ý làm trái các quy định, gây hậu quả nghiêm trọng. 

Từ năm 2011-2016, cơ quan chức năng đã phát hiện và khởi tố điều tra 95 vụ án kinh tế xảy ra trong lĩnh vực NH, khởi tố bị can khoảng gần 200 cán bộ. Theo ông Chan Kok Seong, Giám đốc khối quản lý rủi ro và tín dụng của United Overseas Bank (UOB), rủi ro đạo đức trong hoạt động NH có thể xảy ra ở nhiều tình huống khác nhau.

Trung gian tài chính và tầm nhìn ngắn hạn

 Các biện pháp để giảm thiểu rủi ro từ Chính phủ là phải tăng cường các yêu cầu về quy định đối với các định chế tài chính, bao gồm yêu cầu về vốn cao hơn và quản lý rủi ro chặt chẽ hơn đối với một số hoạt động mang tính rủi ro cao (như cho vay BĐS, cho vay cá thể nhỏ lẻ…). Đặc biệt xây dựng các cơ chế tự phục hồi và tự giải quyết tình hình các NH đang có nguy cơ sụp đổ, mà không dựa vào sự hỗ trợ của chính phủ. 
Hoạt động NH là mô hình kinh doanh trung gian tài chính. Trung gian NH không phải chịu rủi ro vốn nên bộ phận giám sát sẽ có xu hướng chấp nhận rủi ro quá mức trong thời kỳ kinh doanh ổn định. Khủng hoảng cho vay thế chấp bất động sản (BĐS) dưới chuẩn ở Hoa Kỳ (2007-2009) là một trong những thí dụ.
Theo truyền thống, NH sẽ chấp nhận cho vay thế chấp BĐS cho đến khi đáo hạn. Khi người thế chấp không thể trả nợ, NH sẽ ghi nhận đây là khoản lỗ. Tuy nhiên, từ năm 2000 đến nay, do rủi ro cao, các NH cung cấp các khoản vay thế chấp và đảm bảo các khoản vay bằng việc liên kết các khoản vay với nhà đầu tư (NĐT).
Một số công cụ tài chính mới được phát triển để giảm thiểu rủi ro như chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp (MBS) và nghĩa vụ nợ được thế chấp (CDO). Khi NH không phải chịu hoàn toàn tất cả các rủi ro, các khoản vay thế chấp BĐS sẽ trở thành một khoản siêu lợi nhuận cho các NH. Các khoản thua lỗ thường sẽ chỉ rơi vào các NĐT lần cuối - những người có ít thông tin hoặc không có tầm nhìn hiểu biết về các rủi ro có liên quan. Biện pháp hạn chế rủi ro ở đây là quản lý giám sát để tăng cường đánh giá tín dụng. Áp dụng các tiêu chuẩn Basel để tăng cường khả năng quản lý tài chính hiệu quả của các NH, điều này yêu cầu mức vốn đầu tư tối thiểu, nâng cao chất lượng vốn đầu tư, tăng cường quá trình đánh giá, giám sát và công bố thông tin cũng như đánh giá sổ sách. 
Giảm thiểu rủi ro trong quản trị tiền tệ ảnh 1 Ảnh minh họa:LONG THANH 
Văn hóa đầu cơ ngắn hạn trong các NH lớn là mối đe dọa nghiêm trọng trong trường hợp các NH đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế lại đưa ra các quyết định quá rủi ro và mạo hiểm trong thời điểm thị trường ổn định. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều TCTD yếu kém ở Việt Nam trong những năm qua là sự tập trung hóa quyền hạn và sử dụng quyền hạn vào mục đích riêng, ngắn hạn của một nhóm cổ đông chi phối.
Vì vậy, để giảm thiểu rủi ro, thời gian tới các NH phải thu hút các NĐT với mục tiêu dài hạn, giảm thiểu các áp lực ngắn hạn đối với HĐQT và cấp quản lý; đa dạng hóa cổ đông; không nên khuyến khích lợi ích từ cổ tức vì có thể gây áp lực cho NĐT theo đuổi các mục đích ngắn hạn thay vì tạo ra giá trị dài hạn.

Doanh số bán hàng và lương, thưởng

Rủi ro đạo đức có thể xảy ra khi KPIs (chỉ số đánh giá thực hiện công việc, là công cụ đo lường, đánh giá hiệu quả công việc) của các nhân viên NH được đo bằng các chỉ tiêu về số lượng và lợi nhuận mà không xem xét đến các rủi ro và giao dịch công bằng có thể dẫn đến việc bán hàng sai (mis-selling) và gây rủi ro. Một thí dụ điển hình là vụ bê bối thao túng lãi suất (LS) liên NH London (Libor) trong thời kỳ 2007-2008. 

Khi tiền thưởng của nhân viên giao dịch có liên quan trực tiếp đến lợi nhuận tạo ra (hoa hồng), họ có động cơ để làm giàu cá nhân. Do đó các giao dịch viên đã gửi email và gọi các đối tác của họ từ các NH khác để giúp đặt ra các mức LS theo đề xuất của họ. Vì vậy, các NH đã thông đồng với nhau khi đưa ra các mức LS được sử dụng để tính Libor. Các nhà chức trách ở Hoa Kỳ và Anh đã thu hàng triệu đô la tiền phạt đối với các NH dính líu đến vụ bê bối này.

Để giảm thiểu rủi ro, phải sắp xếp KPI và cơ cấu lương thưởng của nhân viên bán hàng để tránh những hành vi chấp nhận rủi ro ngắn hạn liều lĩnh. Thí dụ, dùng hệ thống thẻ điểm cân bằng (balance scorecard) thu hồi lại các khoản trợ cấp thưởng khi bán hàng sai. Phân tách các chức năng chuyên môn, thiết lập giới hạn và mức rủi ro độc lập và có giám sát chặt chẽ từ bộ phận quản trị rủi ro/tuân thủ. Tăng cường các chính sách, thủ tục kiểm soát nội bộ và quy tắc ứng xử…

Rủi ro đạo đức cũng có thể xảy ra khi lương thưởng của các nhà quản lý cấp cao được gắn với hoặc bị tác động bởi lợi nhuận/kết quả kinh doanh, dẫn đến hành vi chấp nhận rủi ro dài hạn để đổi lấy lợi ích tức thời.
Điển hình là trường hợp Nick Leeson đã khiến NH Barings của Anh sụp đổ năm 1995. Năm 1993, Nick Leeson kiếm được 10 triệu bảng (10% lợi nhuận của NH). Các nhà quản lý cấp cao của Leeson cũng được hưởng trực tiếp các lợi nhuận từ giao dịch của anh, nên đã cho phép Leeson giao dịch mua bán cho toàn bộ NH, từ đó Leeson nhảy vào các thị trường trái phiếu và cổ phiếu Nhật Bản. Đối với trường hợp này, biện pháp giảm thiểu rủi ro là phải sắp xếp cấu trúc lợi ích cho cấp quản lý để khuyến khích tập trung vào chấp hành việc xây dựng và bảo vệ tính bền vững lâu dài; trách nhiệm giải trình về rủi ro quản lý...

Vai trò của chính phủ và NH trung ương

Một trong những rủi ro đạo đức trong hoạt động kinh doanh NH có liên quan đến tính độc lập của NH trung ương (NHTƯ). Các chuyên gia quản trị rủi ro nói rằng sức mạnh của các NHTM và NHTƯ trong cung tiền phải được quản lý chặt chẽ để tránh các rủi ro đạo đức từ những chính trị gia tìm kiếm mục đích chính trị ngắn hạn bất chấp rủi ro dẫn đến siêu lạm phát.
Thí dụ điển hình là siêu lạm phát tại Zimbabwe. Do lạm phát và chiến tranh tại Congo đòi hỏi nhiều ngân sách, nên chính quyền Tổng thống Mugabe yêu cầu NHTƯ in lượng tiền lớn để thỏa mãn nhu cầu ngân quỹ. Đồng tiền được định giá lại nhiều lần vì cần có tiền mệnh giá lớn hơn để chi trả cho các khoản không được thống kê. Lạm phát đã vượt quá tầm kiểm soát.
Năm 2008, Thống đốc NHTƯ nước này thông báo đồng đô la Zimbabwe (ZWD) với 10 số 0 bị cắt bỏ (từ 10 tỷ ZWD xuống 1ZWD). Đồng nội tệ cuối cùng bị mất giá hoàn toàn và bị bỏ vào năm 2009.

Sự chống lưng của Chính phủ khiến các NH cho rằng họ được bảo vệ khỏi hậu quả xấu từ những quyết định yếu kém và rủi ro của mình, điều này dẫn đến việc các NH có những lựa chọn mạo hiểm quá mức. Các NĐT tin rằng họ sẽ không phải chịu lỗ, kể cả khi NH thất bại, do đó lơi lỏng việc giám sát rủi ro và áp dụng kỷ luật thị trường. Điều này dẫn đến việc giảm chi phí vốn dưới tiêu chuẩn.
Chính phủ Hoa Kỳ đã có gói kích cầu cứu trợ tài sản 700 tỷ USD để hỗ trợ các NH (Bank of America và Citigroup) và công ty bảo hiểm AIG trong cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp BĐS lần thứ 2. Ngoại trừ Lehman Brothers, tất cả các doanh nghiệp lớn gặp khó khăn đều thoát khỏi phá sản. Hiệu quả của gói cứu trợ là khôi phục lại sự tin tưởng và duy trì sự ổn định tài chính, nhưng nó cũng mang tính rủi ro cao.

Các tin khác