Gỡ nút thắt tiếp cận vốn

(ĐTTCO) - Luật Hỗ trợ DNNVV sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 14 vào ngày 12- 6 tới, tập trung vào 5 nhóm giải pháp hỗ trợ về hiểu biết pháp luật, khoa học công nghệ, thông tin thị trường, tiếp cận vốn, và tiếp cận đất đai.
 Đây là những khó khăn hầu hết DNNVV đang gặp phải, nhất là việc tiếp cận vốn. Nút thắt này sẽ được gỡ bỏ khi dự luật chính thức có hiệu lực.
Khơi thông tín dụng 
 Khi bàn đến tính đột phá của Luật Hỗ trợ DNNVV ai cũng nhất trí, nhưng khi động đến các luật có liên quan về thuế, kế toán, hay lĩnh vực tài chính... các cơ quan có liên quan hầu như không muốn luật này làm thay đổi quy định hiện hành của các luật. Thực tế này cho thấy chúng ta chưa thật sự có tiếng nói thống nhất hướng tới những đột phá hỗ trợ cộng đồng DNNVV.
Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế 
của Quốc hội
Bàn về những vướng mắc trong tiếp cận tín dụng của DNNVV, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV, cho rằng hiện nay pháp luật về tín dụng áp dụng cho DN dường như chỉ nhằm điều chỉnh các DN đạt chuẩn với ngân hàng, là chưa đảm bảo nguyên tắc công bằng, bởi chiều ngược lại cũng phải điều chỉnh ngân hàng phù hợp với DN.
Còn ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, khẳng định trong quá trình làm luật chưa bao giờ có khái niệm đặt ngân hàng, các tổ chức tín dụng (TCTD) phải cho DNNVV vay vốn. Ngay từ bản dự thảo ban đầu đưa ra, khái niệm khuyến khích các ngân hàng, TCTD cố gắng đạt mức giải ngân cho DNNVV với tỷ lệ tối thiểu 30% dư nợ tín dụng trong hệ thống của mình. Luật Hỗ trợ DNNVV chỉ khuyến khích các TCTD, trong khi nhiều nước trên thế giới áp đặt tỷ lệ cho DNNVV vay, không phải khuyến khích. Theo ông Đông, nước ta hiện có tới 97% DN có quy mô nhỏ và vừa, nhưng so với nhiều quốc gia trên thế giới, tỷ lệ này là bình thường. Chẳng hạn, Nhật Bản một quốc gia phát triển hàng đầu nhưng tỷ lệ DNNVV rất cao, lên đến 99,7% tổng số DN. Điều này cho thấy nhiều quốc gia rất coi trọng việc phát triển DNNVV, bởi khu vực DN này tạo ra phần lớn công ăn việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp và góp phần giữ ổn định cho xã hội. Mặt khác, các DNNVV cũng gặp nhiều bất lợi khi vay vốn, khi các DN lớn vay 3.000-4.000 tỷ đồng cũng chỉ thực hiện trình tự thẩm định giống với DNNVV vay vài chục, vài trăm triệu đồng.  Để khơi thông dòng tín dụng cho các DNNVV, trong dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV quy định cộng đồng DNNVV phải cùng nỗ lực trong việc xây dựng hồ sơ vay vốn đạt chuẩn theo yêu cầu của ngân hàng. Để làm được điều này, trong dự luật cũng đưa ra các chương trình hỗ trợ tập huấn đào tạo về quản trị kinh doanh, về kế toán tài chính, chính sách thuế, và lập hồ sơ vay vốn cho khu vực DNNVV. Nếu làm đúng các chuẩn mực, DNNVV sẽ tiếp cận vốn ngân hàng dễ dàng hơn.  Với cơ chế quỹ hỗ trợ DNNVV được hình thành khi luật có hiệu lực, các ngân hàng có thể ủy thác thẩm định trên cơ sở hồ sơ DN đưa đến, người đại diện quỹ và chuyên gia sẽ thẩm định. Và như vậy, ngoài việc DN ở địa phương gửi hồ sơ vay vốn lên, chi nhánh ngân hàng đã đi kiểm tra, thẩm tra, hiệp hội DNNVV ở địa phương (đơn vị tham gia quản lý quỹ) sẽ vào DN thẩm tra để làm tham chiếu khác trong hồ sơ, bảo đảm tính an toàn tín dụng và giám sát DN sử dụng tiền đúng với mục đích của hồ sơ vay vốn. 
Gỡ nút thắt tiếp cận vốn ảnh 1 Ảnh minh họa: LONG THANH 
Giúp kinh doanh hiệu quả hơn
Chia sẻ về những khó khăn DNNVV đang phải đối mặt, ông Tô Hoài Nam cho biết, hầu hết DNNVV đều gặp khó khăn về mặt bằng, tiếp cận tín dụng, công nghệ, nguồn nhân lực và thị trường. Chẳng hạn, DN đã có công nghệ, nhân lực nhưng không tiếp cận được vốn và mặt bằng nên cũng không thể triển khai kinh doanh được.
Trường hợp Nguyễn Hà Đông, tác giả của trò chơi Flappy Bird với khoảng 2-3 triệu lượt người chơi mỗi ngày, có ý tưởng tốt, có công nghệ, có cả thị trường nhưng lại thiếu một hệ thống hỗ trợ cho ý tưởng đó, nên sản phẩm của em không được phát triển theo đúng kỳ vọng, mà đáng ra đây là một sản phẩm có tiềm năng phát triển trong nước và quốc tế.

Là người đại diện cho cơ quan soạn thảo, ông Đặng Huy Đông cho biết thêm, cách tiếp cận khi xây dựng luật là tiếp cận theo cầu, tức là dựa trên nhu cầu của DNNVV, phân tích và đánh giá sự mong đợi của DN, những điểm yếu và còn thiếu của DN. Từ đó, dự thảo dự luật đưa ra các chính sách hỗ trợ thiết thực, như hỗ trợ về hiểu biết pháp luật, hỗ trợ về khoa học công nghệ, hỗ trợ về thông tin thị trường, hỗ trợ về tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai.
Luật không thể hỗ trợ từng DN, nhưng nếu cơ quan quản lý nhà nước về DN nhận diện được nhóm thông tin về lĩnh vực nào đó DN cần, Nhà nước sẽ tạo điều kiện để DN, cá nhân tư vấn về lĩnh vực ấy thu thập thông tin, cung cấp cho cơ quan quản lý để công bố thông tin rộng rãi, hỗ trợ cho tất cả DNNVV sử dụng thông tin đó. 

Thí dụ, trồng và kinh doanh vải ở Lục Ngạn (Bắc Giang), hàng trăm ngàn hộ kinh doanh, mỗi nhà trồng 1ha, 5ha, 10ha... thế nhưng từng hộ kinh doanh không thể xác định thị trường như thế nào và nhu cầu thị trường ra sao, thị hiếu như thế nào. Vì vậy, Nhà nước sẽ giúp củng cố chuỗi giá trị của cụm liên kết ngành bao quanh quả vải, thông qua việc khảo sát thị trường. Tương tự, câu chuyện đàn lợn mất giá thời gian qua cũng vậy, dự luật sẽ hướng tới các DNNVV hiện tại kinh doanh hiệu quả hơn.

Các tin khác