Hệ thống ngân hàng oằn lưng gánh vốn

(ĐTTCO) - Về nguyên lý, hệ thống NH chủ yếu là nơi cung cấp vốn ngắn hạn, vốn lưu động cho doanh nghiệp (DN). 
Còn muốn đầu tư trung và dài hạn để mở rộng kinh doanh, DN phải tự bỏ vốn hoặc tìm đối tác góp vốn hay phát hành cổ phần, cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (TTCK) để huy động vốn.
Song các NHTM tại Việt Nam lại gánh trên vai nhiệm vụ cung cấp cả vốn ngắn, trung và dài hạn, dẫn đến việc phải duy trì mức tăng trưởng tín dụng hàng năm rất cao. Hiện mức tăng trưởng tín dụng 18,2% trong năm 2017 và dự kiến tăng 17% năm 2018, cũng đã nhận được sự cảnh báo thận trọng của các tổ chức quốc tế. Xung quanh vấn đề này, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với TS. TRẦN DU LỊCH, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng.
Nới lỏng phù hợp  điều kiện kinh tế Vịệt Nam
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, việc một số tổ chức quốc tế đã đưa ra khuyến cáo Việt Nam cần cẩn trọng trong việc nới lỏng tiền tệ khi cho tăng trưởng tín dụng ở mức cao, bởi chính sách này có thể tạo rủi ro cho nền kinh tế và ngành NH. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?
 Mục tiêu phát triển TTCK Việt Nam là tạo điều kiện để phát triển nhanh hơn tốt hơn, thị trường sơ cấp, tức là thị trường tạo vốn trực tiếp dưới hình thức trái phiếu, cổ phiếu. Còn việc phát triển thị trường thứ cấp, tức là giao dịch mua bán tuy rất cần thiết nhưng chỉ có tác động kích thích cho thị trường sơ cấp, chứ tự thân nó không tạo ra vốn mới. 
TS. TRẦN DU LỊCH: - Trước hết tôi cho rằng, khuyến cáo như vậy là phù hợp và cần được tham khảo. Tuy nhiên, trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam, chúng ta cần phải hiểu như thế nào là nới lỏng. Bởi lâu nay NHNN cũng chưa bao giờ nói chính sách của NHNN là nới lỏng tiền tệ mà luôn luôn có quan điểm điều hành chặt chẽ và linh hoạt.
Ở đây, liên quan đến nới lỏng tiền tệ thường nói đến tăng trưởng dư nợ tín dụng bao nhiêu. Thí dụ như năm 2017, dư nợ tín dụng tăng trưởng khoảng 18-19%, với khối lượng dư nợ tín dụng hàng năm quá lớn (trên 100% GDP) cũng có khuyến cáo cho rằng tỷ lệ tăng trưởng này quá lớn.
Tuy nhiên, theo tôi mức tăng trưởng tín dụng cần phải cân nhắc và cân đối tương đối phù hợp với điều kiện Việt Nam. Vì trong thị trường tài chính Việt Nam, thị trường vốn trung và dài hạn thông qua các định chế tài chính, tín dụng phi NH, trong đó có hoạt động của TTCK chiếm tỷ lệ tối đa khoảng 20-25%, còn lại chủ yếu vẫn dựa vào các NHTM. Tức NHTM vừa đảm đương chức năng trên thị trường tiền tệ, vừa đảm đương cả chức năng của thị trường vốn (trung và dài hạn). Đó là đặc điểm mà nền kinh tế Việt Nam khác với nhiều nền kinh tế khác. 
Một đặc điểm nữa tôi cũng đã nhiều lần phát biểu là nền kinh tế Việt Nam dựa trên nợ là chủ yếu, còn phần vốn chủ sở hữu rất mỏng, muốn đầu tư phải đi vay. Kể cả các dự án BOT, BT đặt vốn chủ sở hữu 15% tổng nhu cầu vốn của dự án, 85% vốn phải đi vay NH, vậy mà có khi vốn chủ sở hữu còn không đạt.
Do đó, tăng tín dụng 17-18% tức là tốc độ tăng thêm trong điều kiện kinh tế Việt Nam hiện nay là cần thiết. Còn nếu như nới lỏng theo nghĩa nới lỏng việc tái cấp vốn của NHNN, hay giảm lãi suất tái cấp vốn mạnh mẽ hơn là điều không nên, vì sẽ gây ra nguy cơ rủi ro như các chuyên gia cảnh báo.
Hệ thống ngân hàng oằn lưng gánh vốn ảnh 1
Dòng vốn từ NH dễ bị biến dạng
- Có ý kiến cho rằng, tăng trưởng tín dụng cốt yếu vẫn là chất lượng. Kể cả khi con số tăng trưởng tín dụng không quá cao nhưng đó là dòng vốn thực chất, an toàn, chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh vẫn hiệu quả hơn. Theo ông dòng tín dụng của các NH hiện nay đã đạt được chất lượng hay chưa? 
- Theo tôi, chất lượng tín dụng của Việt Nam hiện nay vẫn kém. Thứ nhất, hậu quả của nợ xấu vẫn còn chưa giải quyết dứt điểm. Thứ hai, tình trạng sở hữu chéo các NHTM vẫn xảy ra. Thứ ba, việc đầu tư dàn trải các DN vay đầu tư vào những lĩnh vực không phải là thế mạnh.
Thứ tư, việc kiểm soát dòng vốn tín dụng không chặt chẽ. Do đó, đánh giá chất lượng dòng vốn là một vấn đề rất khó. Tuy nhiên, nhìn tổng thể có thể thấy, mặc dù chính sách của Chính phủ đã ưu tiên 5 nhóm ngành gồm phát triển nông nghiệp-nông thôn, xuất khẩu, các DNNVV, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và ứng dụng công nghệ cao, nhưng do không kiểm soát được dòng tiền đi ra khỏi NH nên dòng tín dụng luôn luôn bị biến dạng.
Đây là vấn đề khó khăn. Tôi cho rằng vấn đề quan trọng nhất hiện nay để kiểm soát dòng tín dụng đạt mục tiêu là phải kiểm soát được dòng tiền, DN vay tiền để làm gì. Nếu kiểm soát được điều này, chất lượng tín dụng sẽ nâng lên, còn không làm được sẽ khó nâng chất tín dụng. Hiện nay tôi cho rằng NHTM chưa làm tốt và người vay cũng chưa tuân thủ vấn đề này.

TTCK vẫn chưa hỗ trợ dòng vốn
- Theo một số tính toán, quy mô vốn hóa TTCK tăng lên 74% GDP trong năm 2017, vượt cả mục tiêu năm 2020. Với sự phát triển này, liệu có thể kỳ vọng sẽ có sự hỗ trợ vốn tín dụng trung và dài hạn cho nền kinh tế để giảm rủi ro trong việc cấp vốn của hệ thống NHTM hay không?
- Về vấn đề này có 2 điểm cần lưu ý. Thứ nhất, TTCK Việt Nam phát triển ổn định và tương đối tốt trong những năm gần đây. Tuy nhiên, nói quy mô vốn hóa TTCK bằng 74% GDP cũng chỉ là con số có ý nghĩa thống kê, còn thực tế thấp hơn. Vì hiện nay một số công ty niêm yết lớn, nhất là các công ty nhà nước đang nắm giữ có tính vốn hóa cao nhưng thanh khoản rất nhỏ.
Thí dụ như BIDV Nhà nước nắm giữ 95,28%, vốn hóa được tính toàn bộ nhưng phần thanh khoản rất nhỏ và hàng loạt NHTM có vốn nhà nước cũng như các DN khác cũng tương tự. Nói như vậy để thấy thực tế trên TTCK, phần vốn hóa có giao dịch, thanh khoản chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với con số 74%. Thứ hai, hiện nay thị trường giao dịch chủ yếu vẫn là thị trường thứ cấp, còn thị trường sơ cấp (tạo ra vốn mới) chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Thành ra tỷ lệ đóng góp của TTCK trong một kênh tạo vốn cho thị trường vốn trung và dài hạn vẫn còn hạn chế. 
- Vấn đề phát triển thị trường trái phiếu DN được đề cập khá nhiều, vì được coi là kênh quan trọng để huy động vốn trung, dài hạn cho DN tại Việt Nam. Nhưng vì sao thị trường này vẫn chưa phát triển như mong đợi, thưa ông?
- Đúng vậy. Thị trường trái phiếu là thị trường rất quan trọng cho DN, nhưng thật sự để phát triển thị trường này có 3 yếu tố. Yếu tố thứ nhất là DN phải lành mạnh để có được tín nhiệm cao.
Thứ hai phải có công cụ hay tổ chức đánh giá, xác định giá trị DN khả tín, tức được tin cậy. Thứ ba, cần một số chính sách của nhà nước kích thích thị trường như về thuế. Hiện nay chúng ta mới tham gia được trái phiếu của Kho bạc Nhà nước vì độ tín nhiệm cao, còn các DN độ tín nhiệm còn thấp nên người ta ngại mua trái phiếu DN.
Chưa kể hoạt động đánh giá DN đó hoặc những tổ chức tư vấn định giá xếp hạng DN chưa có nhiều, đây là vấn đề hạn chế. Tôi cho rằng để phát triển thị trường này phải thực hiện đồng bộ 3 vấn đề này. Như vậy DN mới huy động được vốn trực tiếp để hoạt động, bớt phụ thuộc vào tín dụng của NHTM.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác