InsurTech là cơ hội cho sự phát triển của ngành bảo hiểm

(ĐTTCO) – Đây là một trong những nội dung được đề cập tại hội thảo khoa học về thị trường bảo hiểm Việt Nam với chủ đề “CVII 2021: Tác động của Covid-19, Insurtech, Thị trường và Chính sách” do Trường Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) và Tổng CTCP Bảo hiểm Bảo Minh (Bảo Minh) phối hợp tổ chức vào sáng 13-4.

Khoa Tài chính UEH ký kết ghi nhớ hợp tác với 5 doanh nghiệp bảo hiểm
Khoa Tài chính UEH ký kết ghi nhớ hợp tác với 5 doanh nghiệp bảo hiểm

Tại hội thảo, Th.S Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, doanh thu phí bảo hiểm năm 2020 đạt 186.221 tỷ đồng, tăng trưởng 16,5%; trong đó bảo hiểm phi nhân thọ đạt 55.664 tỷ đồng (tăng 5,3%), bảo hiểm nhân thọ 130.557 tỷ đồng (tăng 22%).

Theo các diễn giả, có thể nói một trong những yếu tố chính dẫn đến tăng trưởng của thị trường bảo hiểm là đại dịch Covid-19, tạo động lực đáng kể cho việc mở rộng các công nghệ tiên tiến trong ngành bảo hiểm (InsurTech).

Cụ thể, Th.S Hồ Thu Hoài, Khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TPHCM cho biết, trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, InsurTech đã và đang là xu hướng được ngành bảo hiểm quan tâm đầu tư phát triển. Số liệu cho thấy, doanh thu của thị trường InsurTech toàn cầu ước đạt 5,48 tỷ USD vào năm 2019 và dự kiến đạt 10,14 tỷ USD vào năm 2025. Covid-19 tạo ra những thách thức mới cho thị trường bảo hiểm, giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và thực hiện các đổi mới.

Tại Việt Nam, mặc dù chưa có số liệu thống kê về doanh thu InsurTech cũng như các khoản đầu tư cho lĩnh vực này nhưng hàng loạt ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bảo hiểm đã xuất hiện.

Điển hình như FDW thực hiện 100% phương thức thanh toán hoàn toàn bằng điện tử; Tổng công ty Bảo hiểm Bưu điện (PTI) hợp tác với CTCP INSO Việt Nam (một startup trong lĩnh vực công nghệ) ra mắt ứng dụng INSO cho phép người dùng tự mua bảo hiểm và yêu cầu bồi thường mọi lúc mọi nơi; Prudential sử dụng chatbox tư vấn bảo hiểm PRUbox và công cụ Matchbook…

Thời gian gần đây, hàng loạt công ty khởi nghiệp về bảo hiểm trực tuyến liên tục ra mắt, không chỉ là công ty Việt Nam mà còn có cả những công ty có kinh nghiệm ở nước ngoài như 9line, Papaya. Theo đó, ngành bảo hiểm hiện nay dường như đang ở điểm thay đổi then chốt và các doanh nghiệp bảo hiểm xem InsurTech là một cơ hội tuyệt vời cho sự phát triển của ngành bảo hiểm.

Trong khuôn khổ của hội thảo, Khoa Tài chính thuộc UEH cũng đã ký kết ghi nhớ hợp tác với 5 doanh nghiệp gồm Tổng CTCP Bảo Minh, Công ty TNHH Bảo hiểm Tài chính Trực tuyến Việt Nam (VIFO), Công ty Bảo Việt Sài Gòn, Công ty TNHH Bảo hiểm Phi nhân thọ Fubon Việt Nam và Công ty Bảo hiểm Toàn cầu.

Theo bản ký kết, UEH và các DN trên sẽ hợp tác trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực; hợp tác trong nghiên cứu khoa học và tư vấn... trong lĩnh vực bảo hiểm.

Các tin khác