Không dễ mở kênh cho vay online

(ĐTTCO)-Trước sự bùng nổ của hình thức cho vay ngang hàng (P2P Lending), các tổ chức tín dụng (TCTD) và công ty tài chính (CTTC)  đang có sự thay đổi về mô hình khi bổ sung kênh cho vay trực tuyến bên cạnh dịch vụ cho vay truyền thống. Tuy nhiên, để khai thông kênh cho vay này không hề dễ.
Không dễ mở kênh cho vay online
CTTC tiên phong
Mở ứng dụng trên điện thoại di động, chọn mục vay tiền mặt, sau đó thực hiện 3 bước: (1) xác nhận mã xác thực được gửi đến số điện thoại để nhận thông tin khoản vay; (2) điền thông tin cá nhân, cung cấp giấy tờ theo yêu cầu và chờ xét duyệt; (3) ký hợp đồng điện tử, người vay sẽ nhận ngay tiền trong 2 giờ.
Đó là trình tự của dịch vụ vay tiền mặt trực tuyến được triển khai trên ứng dụng của Home Credit.
Hình thức cho vay này đang phổ biến ở các CTTC. Tháng 8 năm ngoái, FE Credit triển khai ứng dụng $NAP - cho vay tự động đầu tiên tại Việt Nam - tiếp nhận hồ sơ, xác minh khách hàng nhanh chóng và chính xác, phê duyệt khách hàng tự động.
Thông qua $NAP, thời gian phê duyệt hồ sơ vay được rút ngắn từ 1-3 ngày xuống chỉ còn 15 phút và phục vụ khách hàng 24/7 mọi lúc mọi nơi. Chỉ cần thao tác vài phút, người vay có thể được giải ngân khoản vay từ 5-50 triệu đồng vào tài khoản NH, hoặc nhận qua kênh bưu điện chỉ trong 24 giờ. 
Từ nền tảng đó, tháng 3 năm nay, FE Credit đã hợp tác với Gobear Việt Nam ra mắt ứng dụng GoBear powered by FE Credit tự động hoàn toàn. Các công nghệ như nhận dạng khuôn mặt, thuật toán trí thông minh nhân tạo (AI), nhận dạng ký tự quang học (OCR) và nhận dạng ký tự thông minh (ICR), trợ lý ảo dựa trên giọng nói, chuyển giọng nói sang văn bản, chữ ký điện tử… được tích hợp để phân tích và cung cấp khoản vay. 

NH chuyển động
 Khi mở rộng kênh vay online TCTD phải đảm bảo an toàn tín dụng, trong khi Việt Nam thiếu hệ thống chấm điểm tín dụng cá nhân để làm cơ sở xét duyệt cho vay trực tuyến.
Thay đổi mô hình kinh doanh để thích ứng với nhu cầu của khách hàng là tiêu chí chung của các TCTD. Tuy nhiên, sự thay đổi từ mô hình cho vay truyền thống sang mô hình cho vay trực tuyến của các TCTD, có thể nói có sự tác động lớn từ sự bùng nổ mạnh mẽ của hoạt động cho vay P2P. Hình thức này không rườm rà về thủ tục, chỉ cần nền tảng công nghệ kết nối người vay và người cho vay. 
Với ưu điểm nhu cầu vay được đáp ứng nhanh hơn, chỉ riêng sàn P2P Tima đã ghi nhận hơn 3,4 triệu người đăng ký vay, tổng đơn vay trên hệ thống đạt hơn 5,5 triệu và tổng số tiền giải ngân hơn 69.000 tỷ đồng sau 4 năm hoạt động.
Đại diện một CTTC cho biết, sau khi chuyển đổi mô hình kinh doanh sang trực tuyến, áp dụng hệ thống Big Data, mỗi ngày công ty nhận hàng ngàn hồ sơ đăng ký vay nhưng việc thẩm định hồ sơ chỉ tính bằng phút. Hơn nữa, các quy trình với dữ liệu được thu thập tự động và giảm thiểu sự can thiệp của con người, cũng đảm bảo yếu tố khách quan, giúp hoạt động cho vay thuận lợi hơn cho các bên.
Không bỏ lỡ cơ hội, nhiều NHTM đã và đang nghiên cứu để tung ra giải pháp cho vay không cần gặp mặt. LienVietPostBank từ cuối năm 2018 đã triển khai sản phẩm tiết kiệm online và cho vay cầm cố sổ tiết kiệm online trên Ví Việt.
Khi gửi tiết kiệm online, nếu khách hàng cần gấp khoản tiền để chi tiêu trong khi chưa đến ngày đáo hạn, có thể sử dụng chức năng vay cầm cố tiền gửi tiết kiệm để mở khoản vay online. NH sẽ cấp cho khách hàng hạn mức vay lên đến 98% số tiền gửi tiết kiệm. 
Hay MB áp dụng sản phẩm vay siêu nhanh - thấu chi không tài sản bảo đảm trên ứng dụng của NH. Thay vì phải trực tiếp đến NH để làm các thủ tục đăng ký tạm ứng thấu chi, NH sẽ thẩm định, phê duyệt và thực hiện cấp cho khách hàng hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán của khách hàng. Tất cả thao tác, thỏa thuận về đề nghị vay vốn, hợp đồng cho vay được thực hiện trực tuyến.
Phải có hệ thống xếp hạng điểm tín dụng
Đón đầu xu hướng 4.0, vài năm gần đây thị trường tài chính tiêu dùng phát triển, là cơ hội tăng trưởng cho các TCTD. Thay vì tập trung cho khách hàng doanh nghiệp khoản lớn với lãi suất trung và dài hạn cao nhất 10-11%/năm, các TCTD đang chuyển hướng cho vay tiêu dùng để phân tán rủi ro và lãi vay cao hơn.
Tuy nhiên, P2P bùng nổ cũng khiến hoạt động cho vay tiêu dùng của các TCTD chịu sự cạnh tranh lớn. Từ mô hình ban đầu kết nối cho vay cá nhân, đến nay đã có nhiều sàn P2P mở rộng sang khách vay là doanh nghiệp. Theo đó, sức ép đối với các TCTD cũng ngày càng tăng.
Dù vậy, sẽ rất khó để các NHTM bắt kịp tốc độ phát triển hình thức cho vay này, vì phải được chấp thuận của cơ quan quản lý. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, đã trả lời Vietinbank về việc NH này xin phép triển khai dịch vụ cho vay online. Theo đó, rà soát lại văn bản pháp luật, nếu phần nào thuộc NHNN cấp phép NHNN xem xét, nếu thuộc trách nhiệm quyền hạn hoặc hoạt động nghiệp vụ của NHTM có thể chủ động thực hiện.
Thực tế, đến nay các nhà băng mới cho vay trực tuyến dựa vào cầm cố tiền gửi tiết kiệm hoặc thấu chi trên tài khoản thanh toán, tức nằm trong phạm vi nghiệp vụ NH. CTTC cho vay trực tuyến cũng chủ yếu tập trung nhóm khách hàng có lịch sử tín dụng tốt tại CTTC đó. 
Theo các chuyên gia, các TCTD muốn rộng cửa cho vay trực tuyến như các công ty P2P cần phải có hệ thống xếp hạng điểm tín dụng cho tất cả mọi người như nước ngoài. Tại Mỹ có đến 3 công ty chấm điểm tín dụng như vậy. Họ có hệ thống các tiêu chí, từ những tiêu chí đó đặt ra hệ thống tính điểm.
Ban đầu, mỗi người được chấm 800 điểm, nếu có nợ xấu, công việc không ổn định hay có vi phạm đều sẽ trừ điểm. Đó là căn cứ để các TCTD xét duyệt cho vay. Khi Việt Nam có được hệ thống như vậy, các NHTM mới đủ công cụ tài chính để kiểm soát được rủi ro trong hoạt động cho vay.

Các tin khác