Lại căng thẳng vốn trung và dài hạn

(ĐTTCO) - Tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài, phát hành chứng chỉ tiền gửi (CCTG) lãi suất cao, phát hành trái phiếu vay vốn quốc tế… là các giải pháp đang được NHTM đẩy mạnh để vừa đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, vừa đáp ứng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn ở mức 40% theo quy định của NHNN. Áp lực huy động vốn này chỉ giảm xuống nếu các doanh nghiệp (DN) huy động được vốn trung và dài hạn từ các kênh khác, song trước mắt đây vẫn là điều khó khăn.
Đẩy lãi suất huy động trong nước
Trong tháng 3-2019, Eximbank tăng lãi suất huy động kỳ hạn từ 15 tháng lên 8%/năm, còn nếu tham gia khuyến mại, gửi kỳ hạn từ 12 tháng có thể hưởng lãi đến 8,3%/năm. Tại SCB, gửi tiết kiệm Đắc Lộc Tài từ 6-12 tháng, lãi suất từ 8-8,45%/năm và tiết kiệm Đắc Lộc Phát từ 13-36 tháng có lãi suất đến 8,55%/năm.
 Thị trường trái phiếu DN hiện quá mỏng, chỉ chiếm khoảng 7%, còn lại trái phiếu chính phủ. Do đó, muốn giảm gánh nặng vốn trung và dài hạn cho các NHTM, cần phải tập trung cải thiện sức hút của thị trường chứng khoán, và sớm triển khai các giải pháp thúc đẩy thị trường trái phiếu DN phát triển.
TS. Trần Du Lịch
VPBank công bố huy động 8,6%/năm với cá nhân gửi tiết kiệm Phát Lộc Thịnh Vượng từ 5-10 tỷ đồng trên 18 tháng. Lãi suất tiền gửi từ 15 tháng tại VietCapital Bank là 8,3%/năm, trên 24 tháng 8,6%/năm. 
Không chỉ đẩy mạnh lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, các NHTM còn liên tục phát hành CCTG trung và dài hạn với nhiều mệnh giá để khách hàng dễ dàng tham gia. Trong tháng 2 và 3-2019, BIDV đã phát hành CCTG ghi danh trung dài hạn 2019 dành cho cá nhân và tổ chức. CCTG này áp dụng 2 hình thức lãi suất cố định và thả nổi với 3 mức kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng, mệnh giá tối thiểu 10 triệu đồng/tài khoản dành cho cá nhân và 50 triệu đồng/tài khoản đối với tổ chức kinh tế, tổ chức tài chính. Mức lãi suất cố định 7,6%/năm.
Còn với hình thức lãi suất thả nổi, lãi suất kỳ đầu 7,5%/năm và sẽ được điều chỉnh từng thời kỳ nhưng sẽ không thấp hơn mức này. Tháng 1-2019, SeABank cũng chào bán CCTG với mệnh giá tối thiểu từ 100 triệu đồng, áp dụng lãi suất 8,4%/năm đối với kỳ hạn 24 tháng và 8,6%/năm với kỳ hạn 36 tháng.
Tuy vậy, mức lãi suất CCTG 8,6%/năm vẫn chưa phải cao nhất thị trường. Mới đây, SHB thông báo vừa phát hành CCTG đợt 1 cho cá nhân, DN với tổng mệnh giá 10.000 tỷ đồng. Với mệnh giá dưới 2 tỷ đồng, NH áp dụng lãi suất các kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng lần lượt 8,6%/năm, 8,7%/năm và 8,8%/năm.
Với mệnh giá từ 2 tỷ đồng trở lên, lãi suất các kỳ hạn trên lần lượt 8,7%/năm, 8,8%/năm và 8,9%/năm. Cá nhân được tham gia số tiền tối thiểu 1 triệu đồng. Đối với DN, SHB phát hành CCTG với lãi suất 8,2%/năm với số tiền chỉ từ 500 triệu đồng và lựa chọn các kỳ hạn linh hoạt từ 6-36 tháng. 
Cạnh tranh hơn, MSB giới thiệu CCTG Lộc Bảo Phát, là sản phẩm CCTG liên kết lợi suất đầu tư trái phiếu chính phủ đầu tiên trên thị trường đảm bảo sinh lời, không có rủi ro với các kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng và 18 tháng.
Theo MSB, lãi suất của CCTG Lộc Bảo Phát bao gồm 2 phần là lãi suất cố định hấp dẫn cộng lãi suất liên kết với lợi suất đầu tư trái phiếu chính phủ (luôn lớn hơn hoặc bằng 0%). Theo cơ chế đó, khách hàng có cơ hội hưởng lãi suất cao hơn tới 30% so với lãi suất của các sản phẩm tiết kiệm thông thường.
Lại căng thẳng vốn trung và dài hạn ảnh 1
Tăng vay vốn quốc tế
Ngoài huy động vốn trong nước, vay vốn quốc tế dài hạn cũng đang được các NH đẩy mạnh. Tại ĐHCĐ năm 2019, VIB đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên tối đa 10.908 tỷ đồng trong năm 2019, mức tăng thêm 3.074 tỷ đồng. Trong khoản vốn tăng thêm, VIB dự định dành hơn 2.000 tỷ đồng cấp tín dụng cho các khách hàng DN và cá nhân có tình hình tài chính ổn định, tiềm năng phát triển, ưu tiên khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.
Ngoài tăng vốn cấp 1, VIB đã thông qua chủ trương phát hành trái phiếu quốc tế, bao gồm cả trái phiếu tăng vốn cấp 2, với tổng giá trị tối đa 12.000 tỷ đồng, tức khoảng 500 triệu USD. Hồi tháng 10-2018, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết VIB đã đăng ký chào bán trái phiếu không chuyển đổi và hồ sơ niêm yết trái phiếu tại nước ngoài kỳ hạn từ 5-10 năm với tổng mệnh giá 200 triệu USD (khoảng 4.500 tỷ đồng). Nguồn vốn thu về từ phát hành trái phiếu được sử dụng để cấp vốn tín dụng cho các DN và cá nhân của VIB. 
Bên cạnh trái phiếu quốc tế, hình thức vay vốn tài trợ dài hạn từ các tổ chức tài chính quốc tế ngày càng phổ biến hơn. Mới đây, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), thành viên của Nhóm NH Thế giới, đã cấp gói tín dụng 100 triệu USD cho OCB. Gói tín dụng này có kỳ hạn 3 năm, gồm 57,16 triệu USD từ IFC và 42,84 triệu USD từ nhiều nhà tài trợ thông qua Chương trình danh mục đồng cấp vốn (MCPP) do IFC quản lý, để OCB có điều kiện gia tăng các khoản vay dành cho các DNNVV. 
Năm ngoái, IFC cũng đã cấp gói tín dụng 100 triệu USD cho OCB, 57 triệu USD cho VPBank và 100 triệu USD cho TPBank. Ngoài ra, BIDV cũng nhận khoản cấp vốn 300 triệu USD từ ADB, 2 định chế tài chính lớn của Nga là NH Đầu tư Quốc tế (IIB) và NH Hợp tác Kinh tế Quốc tế (IBEC) cung cấp khoản vay cho SHB lần lượt 20 triệu USD và 20 triệu Eur. 

Gánh nặng vốn trung và dài hạn
Nói về các hình thức huy động vốn kể trên, lãnh đạo các NH đều thừa nhận Thông tư 16/2018 đưa tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn chỉ còn 40% kể từ năm 2019 là áp lực đẩy các NH tăng cường tìm kiếm nguồn vốn dài hạn bằng mọi cách.
Nhưng bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhận định ngoài áp lực giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi và phát hành giấy tờ có giá của các NH liên tục tăng cũng tác động đến xu hướng huy động vốn của NH, tạo áp lực tăng lãi suất với các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên để có nguồn vốn ổn định hơn. Xu hướng này dự báo sẽ làm hạn chế khả năng giảm lãi suất cho vay của các NHTM và cần có giải pháp để giảm gánh nặng cung ứng vốn cho các NHTM càng sớm càng tốt.
Theo TS. Bùi Quang Tín, Trường Đại học NH TPHCM, về lý thuyết, hệ thống NH và thị trường chứng khoán đều cung cấp vốn cho DN, nhưng khác nhau là kênh hỗ trợ vốn trên thị trường chứng khoán cung cấp vốn trung và dài hạn còn các NHTM cung cấp vốn ngắn hạn. Nhưng ở Việt Nam thời gian qua, sự hỗ trợ vốn của các kênh khác chưa hiệu quả nên cả vốn ngắn hạn, trung và dài hạn đều phụ thuộc vào các NHTM.
Gần đây, một số DN cũng đã huy động vốn qua thị trường chứng khoán hoặc các kênh khác nhưng NHTM vẫn đang cung cấp trên 75% nhu cầu vốn của nền kinh tế, thị trường chứng khoán chiếm khoảng 15% và số còn lại đến từ các công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư. Nguyên nhân vì thủ tục hỗ trợ vốn từ các NH đơn giản hơn, trong khi gọi vốn từ thị trường chứng khoán, công ty bảo hiểm cũng như các quỹ đầu tư đòi hỏi thủ tục phức tạp hơn và chi phí cũng sẽ cao hơn. 
TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cũng chia sẻ mặc dù một số NH tăng lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng, nhưng mức này cũng chỉ là giải pháp đối phó vì huy động phải từ 3 năm trở lên mới gọi là trung và dài hạn, mới ổn định, vì cho vay trung hạn không phải cho vay 1 năm.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán và NHTM tại Việt Nam có xu hướng diễn biến ngược chiều. Khi lãi suất NH cao, thị trường cổ phiếu sẽ giảm và ngược lại. 

Các tin khác