Lãi suất giảm sâu: Dòng vốn vẫn ì ạch, chưa có lối thoát

(ĐTTCO)-Các chuyên gia cho rằng lãi suất cao hay thấp không tác động nhiều đến tăng trưởng tín dụng, bởi vấn đề mấu chốt đặt ra ở đây là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Hiện mặt bằng lãi suất thấp đang rất thấp. Tình trạng thừa tiền thiếu vốn vẫn đang tiếp diễn ở nhiều ngân hàng. Do vậy, các ngân hàng liên tục điều chỉnh giảm lãi suất ở các kỳ hạn.

Tuy nhiên, để thích kích dòng vốn giá rẻ lưu thông là bài toán ngành ngân hàng phải giải quyết trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài.

Lãi suất qua đêm thấp nhất trong lịch sử

Tính đến trung tuần tháng 11/2020, làn sóng giảm lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại trong nước đã lan tỏa khắp hệ thống. Nhiều ngân hàng đã mạnh tay giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài trên 12 tháng về dưới 6%/năm, trong khi các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng ở một số ngân hàng về quanh 3%/năm, thấp hơn nhiều so với trần quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Ghi nhận tại các ngân hàng cho thấy, lãi suất tiết kiệm kỳ ngắn hạn từ 1 đến dưới 6 tháng chỉ còn từ 3,6%-3,9%/năm, lãi suất tiết kiệm từ 1-3 năm cũng đồng loạt rớt khỏi ngưỡng 6%/năm. Đây là mức lãi suất thấp nhất trong hàng chục năm qua. 

Thậm chí trong nhóm 4 ngân hàng thương mại quốc doanh, Agribank tiếp tục không huy động tiền gửi tại kỳ hạn 36 tháng.

Ở kỳ hạn này, VietinBank và BIDV cùng quy định chung mức lãi suất tiền gửi là 5,8%/năm; Vietcombank niêm yết lãi suất là 5,6%/năm. Nhìn chung, cả 3 ngân hàng này đều điều chỉnh giảm 0,2 điểm% lãi suất so với đầu tháng Mười.

Không chỉ lãi suất tiết kiệm từ thị trường dân cư liên tục được các ngân hàng điều chỉnh giảm mà ngay cả thị trường liên ngân hàng - nơi các ngân hàng cho vay mượn lẫn nhau, lãi suất cũng rớt và giảm kỷ lục.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, gần 70% doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng là cho vay qua đêm. Thế nhưng, lãi suất cho vay qua đêm cả tháng qua chỉ xoay quanh 0,1%, thấp nhất trong lịch sử. Dù lãi suất thấp song nhu cầu vay của các ngân hàng vẫn rất thấp, có ngày chỉ hơn 30.000 tỷ đồng.

Mức lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng tại Việt Nam đang xấp xỉ lãi suất cho vay qua đêm tại Mỹ (hiện là 0,8%). Thậm chí, có thời điểm lãi suất cho vay qua đêm tại Việt Nam thấp hơn cả tại thị trường Mỹ.

Các chuyên gia cho rằng, đây là hiện tượng chưa từng xảy ra trên thị trường lãi suất tại Việt Nam, chứng tỏ các ngân hàng đang rất thừa tiền.

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cho biết: "Hiện nay lãi suất cho vay đang ở mức rất hợp lý, rất thấp trong lịch sử từ trước đến nay. Với mức lãi suất như mặt bằng hiện nay rất tốt để tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả."

Việc lãi suất huy động giảm liên tục trong những tháng vừa qua một mặt giúp cho các ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn huy động, mặt khác tạo ra nguồn vốn rẻ, từ đó tạo ra dư địa giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất-kinh doanh những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, ở góc độ kinh doanh của các ngân hàng thương mại, việc gia tăng dòng tiền gửi tiết kiệm trong khi đầu ra tín dụng gặp khó vì cầu tín dụng yếu như hiện nay cũng là một áp lực lớn.

Áp lực từ việc thanh khoản dồi dào

Với tình trạng dư thừa tiền, giá vốn lại đang rẻ nên hầu hết các ngân hàng đều đang muốn đẩy mạnh vốn tín dụng ra nền kinh tế.

Theo ghi nhận, hiện các ngân hàng thương mại đều đã chủ động nhiều giải pháp tích cực và phù hợp để kích thích nhu cầu tín dụng, trong đó có việc giảm sâu hơn lãi suất cho vay.

Đơn cử hiện Vietcombank đã công bố cho vay kinh doanh đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở mức 5,9%/năm, tức tương đương với mức huy động kỳ hạn 12 tháng. Agribank cũng đã tuyên bố giảm tiếp 0,3% lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, trong đó, cho vay ngắn hạn chỉ ở mức tối đa 4,5%/năm.

BIDV cũng vừa mở rộng quy mô gói vay ngắn hạn từ 70.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng dành cho khách hàng sản xuất kinh doanh. Theo đó, khách hàng sẽ tiếp tục được hưởng lãi suất ưu đãi chỉ từ 5%/năm đối với các khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng hoặc chỉ từ 5,5%/năm đối với các khoản vay từ 6 tháng đến 12 tháng (giảm 0,5%/năm đối với tất cả các kỳ hạn). Đây là lần thứ 3 liên tiếp BIDV hạ lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn từ ngày 28/8 và 14/9.

Các ngân hàng thương mại khác như VIB, HDBank, VPBank, Sacombank… hiện cũng đã áp dụng cho vay kinh doanh và mua sắm cuối năm với mức lãi suất từ 5,99%-6,8%/năm. Tất cả những diễn biến này cho thấy nhiều khả năng làn sóng giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và tiêu dùng sẽ tiếp tục lan tỏa và tạo ra sự cạnh tranh sôi động trong tháng còn lại của năm 2020.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank khẳng định tín dụng tăng chậm trong khi vốn huy động vẫn ồ ạt chảy vào ngân hàng đang khiến ngân hàng dư thừa một lượng vốn lớn. Trong khi đó, việc đầu tư cho vay trên thị trường 2 không hiệu quả do lãi suất thấp kỷ lục, ngân hàng nào cũng dư thừa tiền, không có nhu cầu vay mượn lẫn nhau.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng qua có gần 85.600 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước.

Nhưng dù lãi suất có rẻ hơn, thủ tục cho vay cũng được giảm thiểu..., các ngân hàng cũng đang phải đối mặt với tình hình dịch bệnh kéo dài, nhu cầu tiêu dùng và sản xuất giảm sút khiến cho nhu cầu về vốn cũng ngưng trệ.

Tính đến giữa tháng 11, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đã tăng khoảng 7,26% so với cuối năm 2019. Nhưng như vậy vẫn còn xa để đạt được kế hoạch 10%-12% khi cuối năm đã cận kề.

Chuyên gia ngân hàng, tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng lãi suất cao hay thấp không tác động nhiều đến tăng trưởng tín dụng. Bởi vấn đề mấu chốt đặt ra ở đây là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân đang khó khăn nên khả năng vay mượn ngân hàng cũng rất hạn chế. Điều này đồng nghĩa với việc cho vay của ngân hàng sẽ gặp trở ngại vì nhu cầu vốn thấp.

“Chính vì thế, dù chúng ta cố hạ lãi suất nhiều cũng không có nghĩa lý gì. Đó là chưa kể phản ứng phụ của nó là hạ lãi suất cho vay sâu nữa lại tạo cơ hội dòng tiền đầu cơ. Người vay có thể dùng tiền đó đầu tư vào các tài sản nhiều rủi ro vàng, chứng khoán, bất động sản... tạo rủi ro cho cả hệ thống,” ông Hiếu nhấn mạnh.

Các tin khác