Lấn sân bảo hiểm, nhà băng vẫn yếu thế

(ĐTTCO) - Nhằm đa dạng hóa hoạt động góp phần tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, gần đây nhiều NH đã tăng cường kinh doanh bảo hiểm (BH) thông qua việc mua lại, liên doanh với đối tác nước ngoài để thành lập công ty BH. 
Tuy nhiên, dù được đầu tư lớn và tận dụng lợi thế mạng lưới sẵn có của NH mẹ, nhưng cho đến nay các công ty BH này vẫn chiếm thị phần rất nhỏ trên thị trường.
Kỳ vọng tập đoàn tài chính đa năng

Cho đến nay, trong danh sách các công ty BH dẫn đầu thị trường không có tên các công ty BH trực thuộc NH. Cụ thể  5 công ty dẫn đầu thị phần BH phi nhân thọ gồm PVI, Bảo Việt, Bảo Minh, PTI, PJICO. Còn 5 công ty BH nhân thọ chiếm gần 80% thị phần khai thác mới gồm Bảo Việt Nhân thọ, Prudential, Manulife, Dai-ichi và AIA. 
Tháng 1-2017, MB đã công bố hợp tác liên doanh với Tập đoàn BH Ageas (Bỉ) và Muang Thai Life Assurance (Thái Lan) thành lập Công ty TNHH BH Nhân thọ MB Ageas Life (MB Ageas Life). Vốn điều lệ của MB Ageas Life 1.100 tỷ đồng, trong đó MB góp vốn 671 tỷ đồng, tương đương 61% sở hữu, Ageas góp vốn 319 tỷ đồng, tương đương 29% sở hữu và đối tác đến từ Thái Lan góp 110 tỷ đồng, tương ứng 10% sở hữu. MB Ageas Life hoạt động chính ở các lĩnh vực như BH nhân thọ, BH sức khỏe và đầu tư tài chính. 

Nếu so với xu hướng NH liên kết công ty BH (bancasurance) phân phối sản phẩm BH, việc NH đầu tư vốn để sở hữu công ty BH kém sôi động hơn, trong khi tham gia mức đầu tư của NH vào các công ty này lại rất lớn. Chẳng hạn, năm 2014 SCB đã được NHNN cho phép được thành lập hoặc mua mới 1 công ty BH với mức đầu tư tối thiểu 51% vốn điều lệ.
Theo đó, SCB đã thực hiện mua cổ phần của Tổng công ty BH Bảo Long. Tháng 5-2015, SCB đã nắm 58,73% vốn Bảo Long và có quyền chi phối tại công ty này. Theo ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB, hiện NH nắm trên 75% do số cổ đông thiểu số giảm so với các năm trước. Vốn điều lệ của Bảo Long hiện ở mức 600 tỷ đồng.  Cách đây hơn 10 năm, BIDV mua lại phần vốn góp của Tập đoàn BH Quốc tế QBE (Australia) trong Liên doanh BH Việt Úc và thành lập Tổng CTCP BH BIDV (BIC) và hiện sở hữu 51,01% vốn điều lệ. BIDV cũng đang nắm giữ 35% vốn tại Công ty BH nhân thọ BIDV Metlife, liên doanh giữa BIDV, BIC và Tập đoàn Metlife… Vietcombank cũng liên doanh với Tập đoàn Tài chính BNP Paribas Cardif và SeABank thành lập Công ty TNHH BH nhân thọ Vietcombank-Cardif, mức nắm giữ là 45% vốn điều lệ.
Lấn sân bảo hiểm, nhà băng vẫn yếu thế ảnh 1 Sau 5 năm thành lập Công ty Bảo hiểm VietinAviva, VietinBank đã chuyển nhượng phần vốn góp cho đối tác. 
Nhưng hiệu quả chưa cao vì thiếu sản phẩm độc
Theo lãnh đạo MB, thành lập công ty BH cũng là một trong những lĩnh vực NH này hướng tới để hình thành tập đoàn tài chính đa năng, trong đó công ty mẹ là NH, các công ty con chuyên về chứng khoán, quản lý quỹ, bất động sản, BH, quản lý nợ và khai thác tài sản và tài chính tiêu dùng… để tăng trưởng doanh thu, thu nhập, từ đó tối đa hóa lợi ích cho các cổ đông, đối tác, khách hàng.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn cũng chia sẻ, đầu tư vốn vào Bảo Long tạo ra giá trị cộng hưởng cho NH. Năm 2014 doanh thu của Bảo Long chỉ đạt được khoảng 500 tỷ đồng, nhưng doanh thu 2016 là 800 tỷ và kế hoạch 2017 là 1.000 tỷ đồng, kết quả này cũng đem lại ảnh hưởng tích cực cho SCB, đồng thời Bảo Long giúp SCB bán chéo sản phẩm rất tốt. Đây là những lợi ích các NH kỳ vọng khi đầu tư vào lĩnh vực này. 

Tuy nhiên, không phải NH nào cũng suôn sẻ khi tham gia vào lĩnh vực này. Năm 2015, Sacombank cũng đã thông qua kế hoạch thành lập công ty BH dưới hình thức liên doanh nước ngoài với phần góp vốn dự kiến 500 tỷ đồng, thành lập mới hoặc mua lại công ty BH phi nhân thọ với vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng.
Năm 2016, Techcombank thực hiện lấy ý kiến cổ đông về việc thành lập công ty BH nhân thọ và đây cũng là trường hợp đầu tiên một NHTMCP lên kế hoạch thành lập công ty BH nhân thọ 100% vốn. Song kế hoạch thành lập công ty BH của 2 NH này cho đến nay vẫn im hơi lặng tiếng. Trong khi đó, VietinBank vừa chuyển nhượng phần vốn góp của NH tại Công ty TNHH BH nhân thọ VietinBank Aviva (VietinAviva) cho đối tác Aviva International Holdings Limited (AIH), thuộc Tập đoàn Aviva của Anh. Đây là sự kiện gây chú ý trong thời gian gần đây. 

VietinAviva là công ty BH liên doanh giữa AIH và VietinBank thành lập năm 2011 và sau 3 năm hoạt động đã nằm trong nhóm 3 công ty BH tăng trưởng tốt nhất. Năm 2015, VietinAviva ghi nhận mức doanh thu tăng trưởng 400% so với năm 2014 và giữ vị trí số 1 về BH liên kết NH sau chưa đầy 5 năm hoạt động trên thị trường.
Nhưng ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank, cho biết NH đã có kế hoạch rà soát lại các hợp tác, nếu hợp tác đem hiệu quả tiếp tục phát triển, nhưng nếu liên doanh liên kết không hiệu quả, không phù hợp với chiến lược sẽ dừng lại để nguồn lực vào những thế mạnh mang lại. Sau khi thoái vốn, 2 bên vẫn ký thỏa thuận để phân phối các sản phẩm BH nhân thọ và BH sức khỏe thông qua mạng lưới của hơn 1.100 chi nhánh và phòng giao dịch của VietinBank.

Thực ra hầu hết các NH đầu tư vào lĩnh vực BH đều rất tự tin vì thị trường BH có tiềm năng phát triển rất lớn. Hệ thống mạng lưới hiện diện tại khắp cả nước của NH và các công ty trực thuộc được xem là điều kiện tốt để khai thác đa dạng đối tượng khách hàng.
Tuy nhiên, để một công ty BH nhân thọ hoạt động tốt đòi hỏi phải có sản phẩm độc đáo, khác biệt mới có thể cạnh tranh và tồn tại, cũng như các yêu cầu về quản trị kênh bán hàng, hệ thống công nghệ thông tin… Đây là thách thức rất lớn cho công ty đi sau. 

Các tin khác