Loạn phí, nay lại tăng

(ĐTTCO) - Biểu phí dịch vụ NH điện tử mới tại một số nhà băng áp dụng từ đầu tháng 5-2017 sẽ tăng so với biểu phí cũ. 
Sự điều chỉnh này diễn ra không lâu sau khi các NHTM vừa có kiến nghị với NHNN tăng phí giao dịch qua ATM để bù đắp chi phí đầu tư. Nhiều chủ thẻ không hài lòng với ý định tăng phí thẻ vì hiện tại họ đang phải gánh quá nhiều loại phí với mức cao, chưa nói đến việc NH cũng được hưởng lợi trên số dư trên tài khoản trong khi chất lượng dịch vụ vẫn chưa tỷ lệ thuận.
Khách hàng buộc phải chấp nhận
 Hàng ngàn tỷ đồng để duy trì thẻ được ghi nhận ở hình thức tiền gửi không kỳ hạn, với lãi suất bằng 0 hoặc rất thấp nên NH có thể dùng dòng tiền đó cho vay, kiếm lời. Bù lại, khi khách hàng sử dụng ATM, NH nên áp dụng lệ phí hợp lý và chỉ áp dụng phí tối thiểu. Nhiều NH ở nước ngoài không tính phí rút tiền, bởi tiền của khách hàng có quyền rút bất cứ lúc nào.
TS. Nguyễn Trí Hiếu,
Chuyên gia tài chính NH
BIDV vừa có thông báo áp dụng biểu phí dịch vụ NH điện tử mới kể từ ngày 8-5, một số dịch vụ tăng so với biểu phí cũ. Chẳng hạn phí giao dịch chuyển khoản ngoài BIDV dưới 10 triệu đồng tăng lên 7.000 đồng/món so với mức 6.000 đồng/món (dưới 50 triệu đồng) trước đây. Mức phí cho số tiền chuyển đến 500 triệu đồng cũng tăng từ 12.000 đồng lên 15.000 đồng. Sacombank tăng phí internet banking của khách hàng cá nhân từ 33.000 đồng lên 44.000 đồng/quý.
TPBank cũng công bố biểu phí dịch vụ Ebank mới dành cho khách hàng cá nhân từ cuối tháng 4-2017, như dịch vụ thông báo số dư qua tin nhắn SMS banking tăng từ 8.800 đồng lên 11.000 đồng/tháng; phí chuyển tiền nhanh ngoài TPBank tăng từ 8.000 đồng/giao dịch lên 10.000 đồng/giao dịch cùng tỉnh/thành và 20.000 đồng/giao dịch khác tỉnh/thành.

Trước việc các NH tăng phí dịch vụ NH điện tử, một khách hàng nữ ngụ ở Tân Bình, TPHCM, chia sẻ là người thường thực hiện các giao dịch trên internet banking đang phải trả nhiều loại phí cho mỗi tài khoản hàng tháng. Chẳng hạn chuyển khoản nội bộ cũng phải chịu phí 3.300 đồng/giao dịch, phí dịch vụ SMS 8.800 đồng/tháng, phí quản lý thẻ Visa Debit, phí thường niên, chưa nói có NH còn áp dụng thêm 11.000 đồng/tháng phí quản lý tài khoản đối với khách hàng cá nhân có số dư bình quân dưới 300.000 đồng/tháng.
Đối với thẻ tín dụng, phí chuyển đổi ngoại tệ tăng lên 2-2,5% trong khi trước đây là 1,5-1,8%, phí rút tiền mặt đến 4%, phí phạt chậm thanh toán ở thẻ tín dụng có NH áp đến 6%. NH kêu gọi thanh toán không dùng tiền mặt nhưng lại tăng phí giao dịch điện tử, như vậy những chính sách mới về biểu phí đưa ra cao hơn bắt buộc khách hàng phải gánh chịu.

Cách nay không lâu, một số NHTM gửi kiến nghị lên NHNN về việc có lộ trình điều chỉnh tăng phí giao dịch qua ATM, nhằm bảo đảm bù đắp một phần chi phí cho các NH có đầu tư hệ thống ATM. Theo lãnh đạo các NH, với chi phí đầu tư cho một giao dịch rút tiền qua ATM khoảng 7.000 đồng (tùy theo mức đầu tư của từng NH), với mức thu phí rút tiền như hiện nay NH đang bị lỗ. Bởi với 3.300 đồng/lần phí rút tiền thu từ chủ thẻ, NH chỉ nhận được 1.650 đồng, còn lại trả cho trung gian thanh toán, nên đề nghị tăng phí nhằm bù đắp một phần chi phí cho NH đầu tư hệ thống. 

Các chuyên gia cũng đồng tình chưa nên tăng phí giao dịch qua ATM trong bối cảnh thanh toán không dùng tiền mặt mới chỉ có dấu hiệu khởi sắc, việc bù đắp chi phí đầu tư có thể thông qua các kênh khác như bán thêm sản phẩm dịch vụ, khuyến khích chủ thẻ thanh toán qua máy cà thẻ (POS) khi đi mua sắm hàng hóa, dịch vụ... 

Hàng ngàn tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn

Theo số liệu của NHNN, tổng số lượng thẻ NH hiện đã hơn 111 triệu thẻ. Con số này đã tăng thêm hơn 11 triệu thẻ, tương đương 11,5% so với cuối năm 2015. Như vậy, tính bình quân mỗi người dân Việt Nam đang sở hữu hơn 1,15 chiếc thẻ NH. Tỷ lệ phát hành thẻ tăng như vậy được coi là khá cao. Việc sử dụng thẻ của nhiều khách hàng chủ yếu vào mục đích rút tiền liên NH và dĩ nhiên họ phải chịu trả phí.
Loạn phí, nay lại tăng ảnh 1 Đa phần khách hàng sử dụng thẻ ATM chỉ để rút tiền. Ảnh: LONG THANH 
Được biết riêng trong năm 2016, số lượng giao dịch qua ATM đạt gần 183 triệu giao dịch, với mức phí rút tiền mặt qua ATM từ 1.000-3.000 đồng/giao dịch, tổng mức phí các NH thu được có thể lên đến vài trăm tỷ đồng.
Đồng thời, nếu làm một phép tính đơn giản, với số lượng hơn 111 triệu thẻ hiện nay đi kèm số dư tối thiểu 100.000 đồng, số tiền chủ thẻ không hưởng lãi lên đến vài ngàn tỷ đồng. Với nguồn vốn nhàn rỗi này, các NH dùng để cho vay trên thị trường liên NH hay thậm chí đầu tư vào trái phiếu hoặc cho khách hàng vay với lãi suất cao hơn nhiều, mang lại biên lợi nhuận lớn. 

Mặc dù khó phủ nhận các NH phải bỏ chi phí đầu tư máy móc thiết bị, lắp đặt, vận hành, bảo đảm an ninh… nên nhu cầu thu phí liên quan đến thẻ ATM là điều dễ hiểu.
Mặt khác, tăng phí cũng được cho là nhằm hạn chế khách hàng rút tiền mặt theo định hướng tăng cường hoạt động thanh toán qua hệ thống NH, giảm lưu lượng tiền mặt trong nền kinh tế. Tuy nhiên, một thực tế ngoài các thành phố lớn, lượng chủ thẻ sử dụng ATM để rút tiền lương chi tiêu hàng ngày rất lớn.
Một chuyên gia phân tích, nếu các NH vẫn muốn tăng phí thẻ ATM có thể dẫn đến tình trạng nhiều người sẽ có ý định rút một lần tiền để hạn chế phí, gây tác dụng ngược với chính sách thanh toán không dùng tiền mặt đang được kêu gọi. 

Điều này cũng đồng nghĩa nguồn vốn nhàn rỗi qua tài khoản thẻ huy động được của NH bị ảnh hưởng, chưa nói đến một số vụ mất tiền trong tài khoản hay chất lượng phục vụ không tương xứng được phản ảnh lại càng ảnh hưởng đến hình ảnh của hệ thống NH.
Do vậy việc các NH phải tính toán kỹ lưỡng thiệt hơn trong bài toán gia tăng chi phí thẻ. Về phía khách hàng cũng nên tìm hiểu kỹ các loại phí trước khi sử dụng dịch vụ, tránh để cảm thấy không thỏa đáng khi trả phí.

Các tin khác